Ngày 27/11, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương trong nước và Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Phát biểu tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh, đánh giá cao ý nghĩa của việc Bộ trưởng Vương Văn Đào thăm chính thức Việt Nam và cùng Bộ trưởng đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Điều này cũng chính là minh chứng cụ thể về vai trò ngày càng quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Trung đối với nền kinh tế mỗi nước, nhất là trong bối cảnh hợp tác toàn diện Việt Nam – Trung Quốc đã bước lên một tầm cao mới.
Riêng đối với vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông từ Việt Nam sang Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc dành thời gian quá độ cho tôm hùm bông khi nhập khẩu vào Trung Quốc để các doanh nghiệp thích ứng với các quy định mới từ thị trường này. Đồng thời đề nghị phía Trung Quốc mở rộng danh sách các cửa khẩu biên giới Trung Quốc với Việt Nam được phép nhập khẩu nông sản, thủy sản, lương thực cũng như hoàn tất các thủ tục thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc) trong năm nay.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào khẳng định: "Sẵn sàng phối hợp với Việt Nam giải quyết các vấn đề hai bên quan tâm, Trung Quốc có nhu cầu lớn và hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam, minh chứng là chỉ sau 10 tháng kể từ khi sầu riêng được Trung Quốc mở cửa thị trường (cuối năm 2022), kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt xa con số này trong cả năm 2023.
Ông Vương Văn Đào tuyên bố sẽ tiếp tục điều phối, thúc đẩy Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam, đồng thời chỉ rõ doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với Hải quan Trung Quốc. Đồng thời, các cơ quan chủ quản hai nước cần sớm triển khai công tác kiểm tra đánh giá doanh nghiệp, vùng trồng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để tôm hùm bông có thể được xuất khẩu vào Trung Quốc.
Về đề nghị phối hợp phân luồng thông quan nhằm tránh tái diễn ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định rất coi trọng và sẵn sàng phối hợp triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thông quan nhằm đảm bảo lợi ích của người nông dân Việt Nam.
Tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” sáng 25/11 vừa qua, ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (CLCB&PTTT, Bộ NN&PTNT) cho biết trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022.
Cũng theo ông Lê Bá Anh, đối với cách xác định tôm hùm nuôi, không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên. Để đáp ứng quy định mới về nhập khẩu tôm hùm bông nuôi của Trung Quốc, các nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc). Ngoài ra, nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng; đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt.
Ngày 23/11/2023, Cục CLCB&PTTT đã có văn bản số 1388, 1389/CCPT-ATTP để hướng dẫn các cơ sở bao gói xuất khẩu thống kê, đăng ký theo yêu cầu của phía Trung Quốc. Theo đó, đối với các cơ sở bao gói tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc, cần thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin, ghi rõ tên khoa học loài tôm hùm được cơ sở báo gói xuất khẩu sang Trung Quốc; thông tin cơ sở bao gói, cơ sở nuôi cung cấp cho cơ sở bao gói,… Cục CLCBPTTT sẽ tổng hợp thông tin đăng ký và gửi qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt.
Theo ông Trần Công Khôi - Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản - Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các đối tượng tôm hùm xuất khẩu chính. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98 - 99%; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan chiếm 1 - 2%.
Riêng thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường này (trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc). Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD (giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022).
Hải Đăng