Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phục hồi xuất khẩu thủy sản (01-11-2023)

Ngày 31/10/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” nhằm đồng hành cùng ngành Thủy sản đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phục hồi xuất khẩu thủy sản
Ảnh minh họa

Tại Hội nghị, các thông tin diễn biến thị trường, yêu cầu mới đối với ngành Thủy sản và giải pháp tăng cường xuất khẩu mặt hàng chủ lực đã được các đại biểu tích cực thảo luận; tập trung trao đổi, cập nhật thông tin về các quy định về chính sách, yêu cầu mới đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đánh giá thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu thủy sản; thảo luận, đánh giá các cơ hội cũng như khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt; từ đó, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, gam tối đã phủ bóng lên bức tranh toàn cảnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm do nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường chính sụt giảm. Xuất khẩu thủy sản thời gian qua sụt giảm cũng do chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế. Đầu tiên, giá xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản đầu năm nay có xu hướng giảm. Sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn, dẫn đến việc giảm giá. Tiếp theo, nhu cầu nhập khẩu thủy sản cũng giảm do các quốc gia nhập khẩu chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho lớn của năm trước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Các tháng cuối năm 2023 và năm tiếp theo, tình hình thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp và khó lường về địa chính trị, gây ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu, làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng giảm ở nhiều nước, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của ngành Thủy sản Việt Nam như Mỹ, EU, nhóm thị trường CPTPP…

Ngoài những rủi ro do những tác động của tình hình chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và khai thác thị trường do việc gia tăng các rào cản thương mại, yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm, bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng, nhất là tại các thị trường tiêu thụ chủ lực như nhóm thị trường EVFTA, Mỹ…

Mặc dù vậy, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn nhận thấy một số tín hiệu tốt từ thị trường thế giới và trong nước, cùng với xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính đang đem lại triển vọng phục hồi xuất khẩu ngành hàng thủy sản. Tín hiệu mừng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đến từ sự phục hồi của các thị trường chủ lực do nhu cầu tăng vào các dịp lễ cuối năm với các sản phẩm thế mạnh như cá ngừ, tôm, cá tra.

9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm (- 27%). Từ tháng 6 trở đi tăng trưởng âm thu hẹp dần. Riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ nên tổng kim ngạch trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 và đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay.

Nỗ lực phục hồi đà tăng trưởng xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ hai thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin về tình hình xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, quý 3/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sụt giảm 34%. Tuy nhiên, so với với 2 quý đầu năm thì con số này vẫn được coi là tăng trưởng tích cực. Hơn nữa, khi so với các đối tác cạnh tranh khác thì mức sụt giảm này thấp hơn.

Về triển vọng thị trường, Tham tán thương mại Đỗ Ngọc Hưng nhận định, hiện lượng tồn kho của Mỹ đang giảm, nhu cầu tiêu thụ lớn cho các dịp lễ tết cuối năm sẽ là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, thách thức đối với xuất khẩu thủy sản sang Mỹ chính là: Thị trường này áp dụng hàng rào kỹ thuật khắt khe, quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch, môi trường nuôi trồng thủy sản, nhãn xuất xứ, chính sách bảo hộ… Trong khi đó, về phía doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn còn các hạn chế trong việc xây dựng thương hiệu, dịch vụ logistics.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tìm hiểu kỹ hơn nữa về thị trường, hạn chế cạnh tranh về giá, kiểm soát chặt chẽ chất lượng lô hàng xuất khẩu; thường xuyên tham gia các hội chợ thủy sản; hướng đến sản xuất các sản phẩm chế biến sâu; quan tâm, cập nhật các xu hướng, cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cũng như lưu ý về chất lượng bao bì đóng gói.

Đối với thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, EU đang quảng bá thủy sản của EU để người dân lựa chọn tiêu thụ với tiêu chí chất lượng, bền vững và thân thiện môi trường. Điều này có thể ảnh hưởng đến thủy sản nhập khẩu, trong đó có thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Trong những tháng còn lại của năm 2023, dự báo thị trường EU tiếp tục tăng trưởng nhập khẩu thủy sản nhưng không đột biến và quay lại mức cùng kỳ năm 2022. Có nghĩa, nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU năm 2023 sẽ bằng hoặc giảm nhẹ so với năm 2022.

Nhanh chóng ứng phó với biến động thị trường

Trên cơ sở ý kiến trao đổi của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải nhận định, bức tranh của ngành Thủy sản năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024.

Thứ trưởng đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động, nắm bắt, phân tích chính sách, nhu cầu thị trường để cung cấp thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; đồng thời tham mưu cho Bộ Công Thương để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ Công Thương như Cục Xuất nhập khẩu, Phòng vệ thương mại… phối hợp chặt chẽ với “hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” kịp thời tham mưu xây dựng chính sách ứng phó với biến động thị trường, điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu gắn với định hướng phát triển của doanh nghiệp, địa phương. Cục Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp để thúc đẩy hoạt động đa dạng hoá thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

Với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Thứ trưởng đề nghị chủ động hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại của đơn vị đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững. Chủ động cung cấp thông tin của chính doanh nghiệp để các Bộ ngành xây dựng, định hướng chính sách phù hợp.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục tuân thủ quy định của Nhà nước, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp, địa phương làm tốt các hoạt động liên quan góp phần thúc đẩy phát triển ngành nói riêng, phát triển nền kinh tế nói chung.

Nhìn chung, trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành cùng phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng (đặc biệt là ngành Thủy sản), ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hồi phục sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Về phía Bộ Công Thương, đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu cũng như ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.

Với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ luôn đồng hành cùng ngành Thủy sản đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập kinh tế quốc tế. 

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác