Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (07-06-2022)

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản góp phần bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi của người dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế. Vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn Tỉnh.
Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Ảnh minh họa

Theo đó, Kế hoạch đặt ra những chỉ số cần phải đạt được là: 100% văn bản quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam và thị trường nhập khẩu được phổ biến, cập nhật; diện tích về trồng trọt, diện tích nuôi thuỷ sản, số cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến được chứng nhận theo tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP, hữu cơ, ISO… tăng trên 10% so với năm 2021.

100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra xếp loại A, B; tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng lên 85% so với 45,7% năm 2021; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về chất lượng, ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2021,..

Các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần thực hiện trong thời gian tới: Thứ nhất là chỉ đạo gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản với các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông, lâm, thuỷ sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới .

Thứ ba: Triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khoẻ cộng đồng, phát triển bền vững, giai đoạn 2021 – 2025.

Thứ tư: Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP năm 2022 và bổ sung trang thiết bị cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các trang thiết bị kiểm tra nhanh tại hiện trường.

Thứ năm: Triển khai đồng bộ, đầy đủ hoạt động thẩm định, chứng nhận, hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tuyên truyền, vận động, kiểm tra việc ký cam kết của cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm..; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ sáu: Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản khi thực hiện.

Thứ bảy: Nhân rộng, mở rộng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến..; tổ chức tìm kiếm thị trường và xúc tiến thương mại sản phẩm;...

Thứ tám: Triển khai các dự án, kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản; xây dựng và vận hành hạ tầng, nền tảng chuyển đổi số trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức triển khai các nội dung của kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả; thực hiện tốt công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, xử lý nghiêm kịp thời các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang và các cơ quan thông tin đại chúng của trung ương và địa phương tuyên truyền các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các sản phẩm đã được xác nhận an toàn; các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý để người tiêu dùng biết và lựa chọn thực phẩm an toàn; tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông trên thị trường đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức Chính trị - Xã hội:  Vận động, phát động các phong trào đảm bảo an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tăng cường theo dõi, giám sát, phổ biến, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn; tham gia đề xuất cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn quản lý; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các nội dung của kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022...

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác