Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, theo đó lựa chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tập trung vào chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Trong những năm qua, cả nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia và đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ giúp quá trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp chuyển biến nhanh, có hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển chuyển đổi mạnh mẽ và bền vững hơn trên tất cả các lĩnh vực của ngành.
Theo Quyết định số 749 của ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn xác định chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.
Hiện nay, tỷ lệ nông dân Việt Nam sử dụng internet hằng ngày khá cao, đây là một trong những thuận lợi giúp nông dân ứng dụng số hóa vào trong sản xuất. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà chuyển đổi số còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Tuy nhiên, Quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương; nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế; diện tích canh tác nhỏ; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế.
Do đó, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước tại cấp trung ương, địa phương còn là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các cộng đồng quốc tế.
Năm 2024 là năm thứ 3 cả nước nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10. Để lan tỏa và thu hút sự quan tâm, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024.
Theo đó, Ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn, đồng hành của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và công nghệ thông tin chuyên nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp từ trung ương đến địa phương;
Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về chuyển đổi số của các đơn vị trực thuộc Bộ, địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan trực thuộc Bộ trong việc triển khai chuyển đổi số; Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2024.
Ngành Nông nghiệp đã tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác truyền thông để các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi tổ chức, cá nhân cùng nhìn nhận, đánh giá và nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tập trung vào thúc đẩy, sáng tạo, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với các mục tiêu chuyển đổi số quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ bao gồm:
Phát động phong trào thi đua hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Trên cả nước, các bộ, ngành, địa phương đã phát động, tổ chức các cuộc thi, hội thi, phong trào thi đua, hoạt động cộng đồng tìm hiểu về chuyển đổi số cho các đối tượng để nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Phát động và tổ chức chương trình “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số”
“Tháng 10. Tháng tiêu dùng số” là hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2022 nằm trong chuỗi hoạt động của Tháng hành động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10 hằng năm. “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số” là hoạt động hướng tới lợi ích của người dân. Người dân được thụ hưởng những kết quả thiết thực mà chuyển đổi số mang lại.
Chính quyền nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Doanh nghiệp nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; xây dựng nền tảng số phục vụ người dân; cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội; có những chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
Tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức chiến dịch ra quân cao điểm trong 10 ngày (01/10-10/10/2024) đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số.
Người dân thụ hưởng những chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
“Tháng 10. Tháng tiêu dùng số” hàng năm được diễn ra từ ngày 01/10 - 31/10, cao điểm trong 10 ngày từ ngày 01/10 đến hết ngày 10/10. Trong “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số”, doanh nghiệp triển khai các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số và đăng tải, thông báo công khai trên các Trang/Cổng thông tin điện tử, các ứng dụng (apps) của doanh nghiệp để người dân biết, sử dụng.
Căn cứ định hướng chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, các hoạt động trong “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số năm 2024” sẽ tập trung vào các lĩnh vực trụ cột của kinh tế số năm 2024 để tạo ra giá trị phục vụ nhu cầu xã hội, để người dân được thụ hưởng những chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
Phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 (sau đây gọi tắt là bộ nhận diện) và đăng tải trên Cổng Chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ https://dx.gov.vn (hoặc quét mã QR kèm theo).
Tổ chức chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10 năm 2024
Năm 2024 Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia dự kiến là một buổi chia sẻ, đối thoại giữa Lãnh đạo Chính phủ với các tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu và thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xuất sắc trên toàn quốc đã có đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế số quốc gia.
Tìm kiếm và tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai chuyển đổi số quốc gia
Các bộ, ngành, địa phương tìm kiếm, đề xuất tôn vinh các dịch vụ công tiêu biểu.
Các hội, hiệp hội công nghệ thông tin phát động các tổ chức, cá nhân sáng tạo, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số năm 2024; tổ chức tôn vinh các ứng dụng số để phát triển kinh tế số xuất sắc; Đánh giá tác động của công nghệ số, nền tảng số đến xã hội.
Tổ chức giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” hoặc tổ chức Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, hội thảo thúc đẩy sản phẩm công nghệ 5G.
Văn Thọ