Tổng cục Thủy sản tiếp và làm việc với Đại sứ quán Chi-lê tại Việt Nam (26-06-2020)

Ngày 23/6/2020 tại Tổng cục Thủy sản, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng đã tiếp ngài Gonzalo Guaiquil – Phó Đại sứ Chi-lê tại Việt Nam đến tìm hiểu về kế hoạch của Việt Nam trong việc triển khai Hiệp định về Biện pháp Quốc gia có cảng (PSMA) của FAO nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp (Khai thác IUU). Cùng tham dự cuộc họp, phía Việt Nam có đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Vụ Khai thác Thủy sản và Cục Kiểm ngư; phía Đại sứ quán Chi-lê có bà Fernanda Gallardo – Bí thư thứ ba.
Tổng cục Thủy sản tiếp và làm việc với Đại sứ quán Chi-lê tại Việt Nam

Sau khi chào hỏi xã giao, Phó Đại sứ Chi-lê đã giới thiệu sơ lược về nghề cá của Chi-lê và nhắc lại Bản ghi chớ (MOU) về nghề cá mà hai nước đã ký vào năm 2004. Ngài Phó Đại sứ cho biết Chi-lê là nước đang phát triển nên chưa thể trang bị các phương tiện hiện đại giống như các quốc gia Châu Âu để kiểm soát tàu thuyền khai thác hải sản ở vùng biển khơi; Chi-lê cũng có bờ biển dài, vùng biển rộng như Việt Nam nhưng đang phải đối diện với thực trạng giảm mạnh về sản lượng khai thác nên việc bảo tồn, duy trì nguồn lợi hải sản được xác định là vấn đề quan trọng. Nhận thấy Chi-lê có những nét tương đồng với Việt Nam như bờ biển dài, vùng biển rộng và là quốc gia đang phát triển nên ngài Phó Đại sứ Chi-lê mong muốn Tổng cục Thủy sản chia sẻ về cách nhìn của Việt Nam về khai thác IUU, cách quản lý của Việt Nam và các vấn đề Việt Nam đang gặp phải cũng như đang đương đầu trong khai thác hải sản. Về Bản MOU năm 2004, ngài Phó Đại sứ mong muốn các cơ quan chức năng của hai Bên sẽ rà soát lại để đề xuất phương thức hợp tác mới phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Trao đổi với ngài Phó Đại sứ Chi-lê, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cũng đã chia sẻ thông tin về nghề cá ở Việt Nam; cách tiếp cận của Việt Nam trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác IUU. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho biết nghề khai thác hải sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của Việt Nam nhưng vẫn mang tính đặc trưng là nghề cá quy mô nhỏ, trang thiết bị khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu còn thô sơ nên hiệu quả khai thác chưa cao và tổn thất sau thu hoạch vẫn lớn. Tổng sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt khoảng 3,5 triệu tấn nhưng đã có dấu hiệu chững lại trong các năm gần đây do nguồn lợi hải sản có dấu hiệu suy giảm.

Về khai thác IUU, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho biết các sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu đã bị Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng vào tháng 11 năm 2017. Đây thực sự là thách thức lớn đối với ngành thủy sản của Việt Nam nên Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để thảo gỡ thẻ vàng khai thác IUU của EC và hướng tới mục tiêu quản lý bền vững nghề khai thác hải sản nói chung và ngăn chặn các hoạt động khai thác IUU nói riêng.

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác IUU đã và đang được triển khai quyết liệt ở nhiều cấp khác nhau kể từ năm 2017 đến nay. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho biết, ở cấp Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản sửa đổi vào năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019) trong đó có riêng một mục quy định cụ thể về các hành vi được coi là khai thác IUU và sửa đổi mức phạt vi phạm hành chính tối đa là hàng tỷ đồng. Ở cấp Chính phủ, Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU với các thành viên là Lãnh đạo các Bộ, Ngành và UBND các tỉnh, thành phố có liên quan. Tháng 5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong đó có mức xử phạt hành chính cao nhất lên đến hàng tỷ đồng.

Ngoài các văn bản ở cấp Nhà nước và Chính phủ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác IUU, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cũng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản dưới Luật (Thông tư hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Thông tư quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản, công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; Thông tư quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản;…) và chỉ đạo Tổng cục Thủy sản (Đơn vị đầu mối tham mưu của Bộ về lĩnh vực thủy sản) quyết liệt triển khai kế hoạch chống khai thác IUU theo các Khuyến nghị của EC.

Chia sể về hợp tác quốc tế liên quan đến khai thác IUU, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho biết, cuối năm 2018 Việt Nam đã chính thức gia nhập 02 Hiệp định lớn của Liên Hiệp quốc và của FAO, đó là: i) Hiệp định thực thi các quy định Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển ngày 10/12/1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa (Hiệp định UNSFA) và ii) Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO (Hiệp định PSMA). Đến giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định PSMA đến năm 2025 và phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông,...) và UBND các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức thực hiện.

Bên cạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nêu trên, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho biết Việt Nam đã và đang thiết lập các hoạt động hợp tác song phương với một số quốc gia có biển để giải quyết các hoạt động khai thác IUU trên biển; tham gia các Tổ chức nghề cá thế giới và khu vực (WCPFC, SEAFDEC,...) để triển khai các biện pháp quản lý và bảo tồn nguồn lợi hải sản, ngăn chặn các hoạt động khai thác IUU.

Liên quan đến Bản thỏa thuận hợp tác về nghề cá giữa Chi-lê và Việt Nam năm 2004 (MOU 2004), Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho biết Tổng cục Thủy sản sẵn sàng hợp tác với các đơn vị chức năng của Chi-lê để rà soát lại Bản MOU 2004 và dự thảo Bản MOU mới cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tổng cục Thủy sản sẽ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác về nghề cá với Bộ chức năng của Chi-lê.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Đại sứ Chi-lê cho biết sẽ truyền đạt thông tin cuộc trao đổi này tới các đơn vị chức năng của Chi-lê và sẽ có phản hồi sớm cho Tổng cục Thủy sản. Ngài Phó Đại sứ Chi-lê đã có lời cám ơn đến Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng đã bố trí cuộc họp và chia sẻ thông tin hữu ích.

Bách Văn Hạnh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác