Việt Nam - Hoa Kỳ: Hợp tác đa giá trị (21-09-2023)

Hiện Việt Nam và Hoa Kỳ đang tiến hành hợp tác thương mại thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông nghiệp xanh, bền vững.
Việt Nam - Hoa Kỳ: Hợp tác đa giá trị
Ảnh minh họa

Theo Báo Chính phủ, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ đạt khoảng 13 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ra toàn thế giới, tuy nhiên chỉ chiếm khoảng 6,7% giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của Hoa Kỳ, do vậy tiềm năng mở rộng thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã đón nhiều đoàn cấp cao của Hoa Kỳ vào làm việc như đoàn Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ, Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), hai Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hai Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Thống đốc các bang Nebraska, California…

Mới đây nhất, ngày 11/9, Thứ trưởng  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hoàng Trung đã làm việc Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ (USGC) - một tổ chức phi lợi nhuận có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hiện nay, USGC có 28 chi nhánh trên thế giới, trong đó chi nhánh khu vực Đông Nam Á được đặt tại Việt Nam.

Sắp tới, USGC sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hợp tác đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông nghiệp xanh, bền vững. Điều này thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong hợp tác nông nghiệp của Hoa Kỳ. Song song với các cuộc tiếp xúc song phương là một loạt các hoạt động trao đổi, đàm phán, phối hợp hoạt động để xây dựng lòng tin và nền tảng cho thúc đẩy hợp tác nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa.

Hoa Kỳ nhập khẩu trên 200 tỷ USD/năm các loại nông lâm thủy sản

Mặc dù Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất nông sản lớn, nhưng cũng là quốc gia tiêu dùng và nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Với dân số 338 triệu người, hằng năm Hoa Kỳ nhập khẩu trên 200 tỷ USD các loại nông lâm thủy sản để đáp ứng nhu cầu trong nước. Các sản phẩm Hoa Kỳ nhập khẩu lớn là cà phê, ca cao, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Đặc biệt là, các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ thường không nhiều về lượng nhưng giá trị mang lại luôn cao hơn nhiều thị trường khác.

Thực tế, Hoa Kỳ nằm trong nhóm thị trường lớn nhất của Việt Nam nói riêng và ngành hàng nông sản nói chung. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ khoảng 13 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ra toàn thế giới, song con số này chỉ thể hiện khoảng 6,7% tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của Hoa Kỳ, cho thấy dư địa xuất khẩu vào thị trường này còn rất lớn.

Hiện tại, thủy sản là một trong số các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 2,1 tỷ USD (tăng 4%). Ngoài ra còn có một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu vừa phải nhưng tăng trưởng xuất khẩu lớn như rau quả tăng 11,2 %, hạt tiêu tăng 23,2%, gạo tăng 58%. Hoa Kỳ cũng là nước xuất khẩu thịt gia cầm lớn nhất vào Việt Nam; xuất khẩu bò lớn thứ hai (sau Australia) và xuất khẩu thịt lợn đứng thứ 6; và Việt Nam tiếp tục mở cửa cho nhiều loại nông sản khác của Hoa Kỳ.

Ngược lại, Hoa Kỳ cũng mở cửa cho nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 7/8/2023, Hoa Kỳ đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp để phê duyệt việc nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam.

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy một số sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Hoa Kỳ như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản; đồng thời tích cực mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi phân phối với các sản phẩm tiềm năng. Tăng cường kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam với các cảng nhập khẩu, chuỗi logistics nông sản lớn, hệ thống phân phối và các hiệp hội ngành hàng Hoa Kỳ; giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, địa phương Việt Nam trực tiếp với các địa phương có tiềm năng và nhu cầu thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản với Việt Nam.

Hợp tác thương mại thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Theo Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ Ralph Bean, Việt Nam có ưu thế trong phát triển nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông Ralph Bean cho biết: "Trong thời gian tới, các chuyên gia Hoa Kỳ sẽ tới Việt Nam để đào tạo vận hành phần mềm giám sát, đo lường khí nhà kính trong sản xuất các sản phẩm từ sữa. Dự án Sử dụng phân bón đúng trị giá 4,4 triệu USD bước đầu tiến triển tốt với hỗ trợ khoa học và chính sách toàn diện". Đây là một trong những hợp tác điển hình cho thấy Hoa Kỳ là một đối tác thương mại nông nghiệp rất chú trọng đến phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững.

Không chỉ phát triển hệ sinh thái môi trường mà cả hệ sinh thái doanh nghiệp cũng đòi hỏi sự cải thiện trong mối hợp tác này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng nhìn nhận, việc hợp tác thương mại nông sản với Hoa Kỳ thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng sinh thái, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, hỗ trợ kết nối nông dân, tổ nhóm nông dân/hợp tác xã với chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tăng thu nhập cho người sản xuất. Cùng với đó, đây là cơ hội lớn để xây dựng thương hiệu nhà xuất khẩu nông lâm thủy sản có trách nhiệm – minh bạch – bền vững, làm cơ sở cho xây dựng thương hiệu nông lâm thủy sản Việt Nam trên toàn cầu.

Đứng trước cơ hội này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã chủ động trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện, thực chất và hiệu quả với các đối tác Hoa Kỳ nói chung và đặc biệt Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về các lĩnh vực: Chăn nuôi, Thú y, Lâm nghiệp, Thủy sản, Phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), việc cùng nhau thúc đẩy phát triển cơ chế thị trường trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đàm phán thương mại, mở cửa thị trường nông sản. Đây là cơ hội thúc đẩy hợp tác tích cực hơn  nữa giữa hai quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, phòng chống dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Một đại diện cho những doanh nghiệp của Việt Nam tiên phong xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ cho biết: Đối với thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam đang có thị phần không quá lớn, doanh nghiệp không quá nhiều nên phải cùng nhau xây dựng chiến lược để khai thác thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự tiện lợi để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ, tạo được lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác