Na Uy - Việt Nam: Hợp tác để nâng cao giá trị thủy sản xuất khẩu thủy sản (06-06-2024)

Chiều 5/6, tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy và Cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp tổ chức buổi hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển thương hiệu quốc gia cho nuôi biển Việt Nam”.
Na Uy - Việt Nam: Hợp tác để nâng cao giá trị thủy sản xuất khẩu thủy sản
Ảnh 1: Bà Mette Møglestue Phó Đại sứ Na Uy và ông Trần Đình Luân Cục trưởng Cục Thủy sản chủ trì (ảnh Hải Đăng)

Buổi hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy trong việc phát triển thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu của Na Uy, đặc biệt là cá hồi Na Uy. Qua đó, các bên thảo luận về định hướng và kế hoạch xây dựng thương hiệu quốc gia cho nuôi biển Việt Nam.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Ý định thư được ký vào năm 2021 giữa Bộ Công thương và Thủy sản Na Uy và Bộ NN&PTNT Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác song phương trong ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Sự kiện cũng là dịp để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các bên liên quan của hai nước gặp gỡ, tìm hiểu và thúc đẩy các giải pháp và cơ hội hợp tác.

Sự kiện được đồng chủ tọa bởi Phó Đại sứ Na Uy - bà Mette Møglestue, và Cục trưởng Cục Thủy sản - ông Trần Đình Luân. Tham dự còn có Thương vụ Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Innovation Norway, Giám đốc Hội đồng Hải sản Na Uy khu vực Đông Nam Á - ông Asbjørn Warvik Rørtveit, cùng đại diện các Bộ ngành Việt Nam như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), và Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Việt Nam.

Ảnh 2: Toàn cảnh buổi hội thảo (ảnh Hải Đăng)

Phát biểu khai mạc, Phó Đại sứ Na Uy bà Mette Møglestue cho biết: “Na Uy tự hào về bề dày hợp tác trong lĩnh vực thủy sản với Việt Nam, đặc biệt là với Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT trong nhiều thập kỷ qua. Chúng tôi đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững và hiệu quả kinh tế cao. Là các quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, Na Uy và Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của một thương hiệu quốc gia mạnh, cùng với các yếu tố khác như chất lượng, giá trị dinh dưỡng và các thông lệ nuôi trồng bền vững. Chúng tôi rất vui khi đại diện Hội đồng Hải sản Na Uy sẽ chia sẻ về thương hiệu ‘Seafood from Norway – Hải sản đến từ Na Uy’. Tôi hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho Việt Nam. Na Uy luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để Việt Nam xây dựng một thương hiệu quốc gia mạnh cho nuôi biển và các sản phẩm thủy sản xuất khẩu.”

Na Uy là động lực khởi nguồn cho nuôi biển Việt Nam

Cục trưởng Trần Đình Luân đánh giá cao sự hỗ trợ của Na Uy dành cho Việt Nam, cho Bộ NN&PTNT, đặc biệt là ngành thủy sản trong hơn 30 năm qua. Ông cho rằng hội thảo lần này là cơ hội giúp làm sâu sắc thêm quan hệ song phương trong lĩnh vực nuôi biển công nghiệp và thúc đẩy thương mại thủy sản. Để xây dựng được thương hiệu cho con cá hồi, Na Uy đã phải trải qua một quá trình tổ chức thành công ngành nuôi biển, từ một ngành nhỏ lẻ đã phát triển thành quy mô công nghiệp có thương hiệu, đáp ứng được tất cả yêu cầu khắt khe nhất của nhiều thị trường trên thế giới. Sau một thời gian dài hợp tác với Việt Nam, Na Uy chính là động lực khởi nguồn cho nuôi biển Việt Nam. Cục trưởng cũng cập nhật về thực trạng sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm qua, đồng thời chia sẻ những chính sách, chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững, trong đó xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia là một nội dung quan trọng.

Ảnh 3: Ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Quản lý Giống và Thức ăn thủy sản (ảnh Hải Đăng)

Bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao các mục tiêu của Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản, bao gồm giảm cường độ khai thác và tăng cường nuôi trồng thủy sản trên biển ở những khu vực phù hợp như đã đặt ra trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhìn từ Na Uy, Việt Nam đang ở vị thế tốt để tham gia vào giá trị toàn cầu, khai thác tiềm năng và sử dụng tài nguyên đại dương một cách có trách nhiệm và bền vững.”

Thiên nhiên, con người và phát triển bền vững

Ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản (Cục Thủy sản) cho hay, định hướng phát triển thương hiệu của Việt Nam cho nuôi biển là xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu (trong nước và quốc tế); định vị và quảng bá thương hiệu; bảo vệ và phát triển thương hiệu. Để đạt được điều này, ông Thế Anh đưa ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới như: Chuyển đổi tư duy sản xuất từ tư duy kinh kế đơn giá trị sang đa giá trị; tổ chức lại ngành hàng nuôi biển; đẩy mạnh liên kết hợp tác, tạo dựng chuỗi giá trị nuôi biển; sản xuất gắn với tiêu chuẩn thị trường, tạo ra thương hiệu cho những dòng sản phẩm từ biển.

TS Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc NSC khu vực Đông Nam Á chia sẻ, ngành hải sản Na Uy còn non trẻ, mới chỉ 50 tuổi. Trong 50 năm đó đã sản xuất được nhiều loài cá cung cấp cho hơn 20 triệu người trên toàn cầu. Na Uy là quốc gia có giá trị xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới, đạt 172 tỷ NOK, với khối lượng xuất khẩu 2,8 triệu tấn. Hiện nay hải sản Na Uy đã có mặt ở 153 thị trường trên toàn cầu. Cá hồi là loài hải sản xuất khẩu quan trọng nhất của Na Uy, chiếm hơn 71,3% tổng sản lượng xuất khẩu. Ngoài ra còn có cá tuyết, cá saba, cá trích, cá tuyết đen… Điểm nhấn của hải sản Na Uy là hướng tới các sản phẩm có nguồn gốc.

Ảnh 4: TS Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc NSC khu vực Đông Nam Á (ảnh Hải Đăng)

TS Asbjørn Warvik Rørtveit bật mí một số “bí quyết” để ngành hải sản Na Uy đạt được những thành công như vậy, chẳng hạn như việc mời cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Na Uy Erling Haaland trở thành Đại sứ toàn cầu cho hải sản Na Uy hay đặt mục tiêu gia tăng giá trị của hải sản Na Uy thông qua việc gia tăng nhu cầu và kiến thức về hải sản Na Uy đến với thị trường. Giám đốc NSC khu vực Đông Nam Á đặt câu hỏi: “Tại sao các bạn lại chọn hải sản Na Uy”. Ông đưa ra gợi ý nên “kể câu chuyện về hải sản Na Uy, hải sản đến từ đâu, có nguồn gốc thế nào, khi người tiêu dùng biết rõ điều này sẽ hiểu hơn về giá trị của nó. Vai trò của truyền thông rất quan trọng". “Cần hướng tới con người và tính bền vững. Làm thế nào để đảm bảo tính bền vững sau hơn 1.000 năm. Điều quan trọng ở đây không chỉ là kể câu chuyện mà phải là câu chuyện thật. Nhất quán trong câu chuyện mình kể”, Giám đốc NSC khu vực Đông Nam Á nói. TS Asbjørn Warvik Rørtveit chia sẻ thêm, muốn tập trung xây dựng thương hiệu hiệu quả, một trong những yếu tố chủ chốt thành công chính là marketing, đây là khâu cuối của chuỗi giá trị. Tuy nhiên cần hiểu rõ về toàn chuỗi giá trị, hiểu rõ câu chuyện mà chúng ta muốn chia sẻ. Ông nhấn mạnh "3 cốt lõi truyền thông" mà NSC sử dụng để quảng bá hình ảnh của hải sản Na Uy đến người tiêu dùng chính là thiên nhiên, con người và phát triển bền vững.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy, Hội đồng Hải sản Na Uy để giúp ngành nuôi biển Việt Nam phát triển, khai thác được tiềm năng kinh tế biển, qua đó cải thiện đời sống cho bà con sống ở ven biển tốt hơn. Đây cũng là điều kiện để giảm khai thác ven bờ, tăng quá trình bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản và giúp cho đại dương của chúng ta sạch hơn".

Ảnh 5: Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc STP Group (ảnh Hải Đăng)

Hợp tác để nâng cao giá trị thủy sản xuất khẩu

Na Uy và Việt Nam đều có đường bờ biển dài và đứng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản: Na Uy giữ vị trí thứ hai và Việt Nam hiện đứng thứ ba. Na Uy là quốc gia tiên phong trong ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị kinh tế cũng như uy tín thủy sản quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Thông qua hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, Na Uy và Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho nhau để nâng cao giá trị thủy sản xuất khẩu, bao gồm việc xây dựng một thương hiệu quốc gia mạnh cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

“Trong giai đoạn mới, mong muốn Na Uy tiếp tục hỗ trợ ngành thủy sản Việt Nam xây dựng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ đó làm tiền đề hỗ trợ cho phát triển nuôi biển Việt Nam. Mong muốn của chúng tôi là từ những định mức, quy định đó để làm căn cứ cho các thành phần kinh tế khác tham gia như bảo hiểm, vay vốn, những hoạt động kinh tế khác có thể tham gia vào lĩnh vực hỗ trợ cho nuôi biển Việt Nam”, ông Luân nhấn mạnh.

Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang từng bước hướng tới phát triển bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu, việc học hỏi từ những quốc gia tiên tiến như Na Uy là điều vô cùng cần thiết. Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển thương hiệu quốc gia cho nuôi biển Việt Nam” đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quý báu giữa hai quốc gia. Với sự hỗ trợ từ Na Uy và sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam, tương lai của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển bền vững và thịnh vượng.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác