USAID và IPNLF hợp tác trong việc truy xuất gốc cá ngừ In-đô-nê-xi-a (12-05-2017)

Cơ quan Hợp tác Nghề cá và Đại dương Hoa Kỳ (USAID Oceans) và Tổ chức Quốc tế về câu cần (IPNLF) đã hợp tác thực hiện hệ thống tài liệu và truy xuất nguồn gốc cá ngừ (CDT) ở In-đô-nê-xi-a  nhằm hỗ trợ quản lý khai thác bền vững và chuỗi cung ứng toàn vẹn.
USAID và IPNLF hợp tác trong việc truy xuất gốc cá ngừ In-đô-nê-xi-a
Ảnh minh họa

Trong một thông cáo báo chí, hai tổ chức trên cho biết việc truy xuất nguồn gốc các chuỗi cung ứng thủy sản giúp các chính phủ tăng cường các phương pháp tiếp cận dựa trên thị trường để ngăn chặn các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU).

Rất khó có thể có được dữ liệu chính xác về khai thác bất hợp pháp, nhưng trong quá khứ, thiệt hại hàng năm do IUU của In-đô-nê-xi-a, quốc gia khai thác cá ngừ lớn nhất thế giới, đã được ước tính khoảng 3 tỷ USD một năm.

Thông qua quan hệ đối tác mới, USAID Oceans đang phối hợp chặt chẽ với IPNLF, Hiệp hội Câu cần In-đô-nê-xi-a và Hiệp hội Nghề cá câu tay (AP2HI) và Bộ các vấn đề về biển và Nghề cá Indonesia phát triển và thực hiện một hệ thống CDT bền vững về mặt tài chính, hệ thống này sẽ sẽ tích hợp với các các hệ thống chính phủ và ngành hiện có.

IPNLF sẽ kết nối các thành viên và mạng lưới để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho các thị trường xuất khẩu chủ chốt để thực hiện hệ thống CDT và quản lý nghề cá bền vững ở In-đô-nê-xi-a.

USAID Oceans và IPNLF cũng hợp tác chặt chẽ với tổ chức Masyarakat dan Perikanan In-đô-nê-xi-a (MDPI), một tổ chức địa phương của Indonesia để phát triển một liên minh bền vững về cá ngừ, liên minh hỗ trợ công tác điều phối và mở rộng các chương trình khác nhau về truy xuất nguồn gốc và quản lý thủy sản bền vững ở In-đô-nê-xi-a.

IPNLF cho biết hệ thống CDT sẽ hỗ trợ việc nắm bắt và xác nhận các yếu tố dữ liệu quan trọng đối với các sản phẩm cá ngừ, bao gồm cả tính hợp pháp và sự vận hành từ khi thu hoạch cho tới người tiêu dùng cuối cùng.

Hệ thống sẽ được thí điểm tại các điểm ở In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin trước khi mở rộng ở Đông Nam Á. Chương trình đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác với các công ty công nghệ và thủy sản, cũng như các nhà đầu tư để xác định mô hình kinh doanh và đầu tư bền vững nhằm mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện.

Ông Todd Sorenson, Giám đốc phát triển khu vực châu Á của USAID cho biết: “Khách hàng ở những thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đang thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm thủy sản bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ đầy đủ, điều này đòi hỏi người mua phải có được dữ liệu minh bạch từ các nhà cung cấp”.

Do đó, sự chấp nhận của thị trường tạo ra động lực đáng kể cho các công ty khai thác thủy sản và các nhà chế biến sử dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Giám đốc điều hành Martin Purves cho biết mối quan hệ đối tác của IPNLF với USAID Oceans và sự hợp tác với AP2HI là quan trọng để đảm bảo rằng có thể tiếp tục cải tiến sự truy xuất nguồn gốc và tính bền vững của nghề cá ngừ đại dương ở In-đô-nê-xi-a.

 “Bằng cách tạo cho người tiêu dùng nhiều niềm tin hơn vào các sản phẩm mà họ mua, hệ thống CDT sẽ cung cấp hỗ trợ vô giá cho nghề cá thủ công ven biển, cho phép họ duy trì sinh kế và mức sống tốt, đồng thời bảo vệ tương lai lâu dài cho các nguồn lợi thủy sản quan trọng và các môi trường sống ở biển”.

HNN (Theo undercurrentnews)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác