Vai trò quan trọng
Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển; nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có ĐDSH cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện. Trong số đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước (trên 100 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô. Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Các đặc trưng nêu trên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế biển nói chung, phát triển nghề cá và kinh tế thủy sản nói riêng. Đây là tiền đề để Việt Nam phát triển một nền kinh tế biển mạnh và bền vững.
Thực tế đã chứng minh, khu bảo tồn biển (KBTB) giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn ĐDSH biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp tự nhiên của biển; bảo tồn các loài thủy sản có giá trị khoa học, kinh tế; bảo vệ các dải đất ven biển, ven đảo chống xói lở bờ biển; góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai đối với vùng ven bờ, ven đảo. Ngoài ra, KBTB có tác dụng làm hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường biển, tạo ra không gian xanh cho ngành du lịch biển và một số ngành kinh tế khác phát triển, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế biển như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt trên 10 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021. Tổng sản lượng thủy sản đạt 9,042 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác 3,858 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn. Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển.
Phát triển kinh tế biển xanh
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Tình trạng ô nhiễm môi trường biển, suy thoái các hệ sinh thái biển, suy giảm nguồn lợi thủy sản diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh mà nguyên nhân chính là do chưa quản lý, kiểm soát có hiệu quả các hoạt động kinh tế ven biển, ven đảo; việc xả thải nước thải chưa qua xử lý, chất thải sinh hoạt trực tiếp ra biển còn khá phổ biến; chưa kiểm soát được tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, việc sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất cấm, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra; phát triển du lịch biển một cách tràn lan thiếu kiểm soát, không theo quy hoạch; chưa quan tâm đến công tác vệ môi trường và bảo tồn ĐDSH biển, tất cả những yếu tố đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh ĐDSH biển, nguồn lợi thủy sản và suy thoái các hệ sinh thái biển. Thực trạng đó đã đặt ra yêu cầu cấp bách với các bộ, ngành, các địa phương ven biển phải có những hành động quyết liệt, kịp thời để từng bước khắc phục hạn chế trên, tiến tới xây dựng ngành kinh tế biển phát triển bền vững.
|
Để thực hiện các chủ trương và mục tiêu Nghị quyết 36-NQ/TW đã nêu, ngày 5/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về việc ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018; Bộ NN&PTNT đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ (Quyết định số 4413/QĐ-BNN-TCTS ngày 4/11/2020); Tỉnh ủy, UBND các tỉnh thành phố ven biển đã xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Có thể thấy, Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chính là “kim chỉ nam” cho phát triển kinh tế biển Việt Nam nói chung và của mỗi địa phương có biển, ven biển nói riêng. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với kinh tế - xã hội mỗi địa phương, đồng thời hướng tới đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh gắn liền với việc bảo vệ môi trường biển của Việt Nam.
Giải pháp nâng cao hiệu quả?
Tại Hội nghị, các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đã tập trung thảo luận, đánh giá công tác quy hoạch, thành lập và quản lý KBTB. Chia sẻ các kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý trong bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các địa phương; phát triển kinh tế biển xanh góp phần bảo tồn hệ sinh thái biển; cơ chế tài chính bền vững cho quản lý KBTB ở Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý các KBTB, ven biển Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
|
Nhiều đại biểu cho rằng, việc bảo tồn biển hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong đó có sự bất cập trong chỉ đạo điều hành, thiếu tính kịp thời, thẩm quyền và hiệu quả quản lý không cao. Vai trò tham mưu quản lý Nhà nước về bảo tồn biển của Sở NN&PTNT tại các tỉnh, thành còn mờ nhạt; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý khu bảo tồn biển, vườn quốc gia còn hạn chế; thiếu nguồn lực, nhân lực việc đầu tư cho các khu bảo tồn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, người dân, doanh ngiệp về vị trí, vai trò của các KBTB đối với sự phát triển bền vững ngành kinh tế chưa đầy đủ, chưa cao…
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản cho biết: “Bảo tồn là nhiệm vụ rất quan trọng, tuy nhiên, nhiều khu bảo tồn hiện nay vẫn trong tình trạng 4 không - không tiền, không có thẩm quyền, không phương tiện, không cơ sở vật chất. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm, xử lý dứt điểm”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói: Bảo tồn biển là một trong 3 trụ cột của ngành thủy sản. Nếu không thực hiện bảo tồn thì sẽ không có khai thác bền vững. Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Nhưng thời gian vừa qua, công tác bảo tồn chưa được quan tâm, khi phát triển kinh tế, du lịch chưa chú trọng phát triển đồng bộ với các khu bảo tồn.
Thứ trưởng đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Đồng thời, đề nghị Tổng cục Thủy sản tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện báo cáo trình Bộ NN&PTNT.
Để công tác bảo tồn biển đạt hiệu quả hơn, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu của KBTB; chính sách hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các ngư dân hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trong KBTB sang các nghề thân thiện với môi trường.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo tồn biển để đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của các địa phương trong công tác bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thành lập mới các KBTB, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, tái tạo, phục hồi môi trường sống cho các loài sinh vật biển nói chung, nguồn lợi thủy sản nói riêng. Kết nối các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển với các địa phương nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy việc mở rộng thành lập mới các KBTB, ven biển.
Hải Đăng