Kết quả hoạt động quản lý hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam giai đoạn 2010-2020, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030 (28-01-2021)

Việt Nam có diện tích biển khoảng 1 triệu km2, có bờ biển trải dài trên 3.260km, với 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bình quân 100km2 lãnh thổ có 1km bờ biển. Đây là chỉ số cao hàng đầu của thể giới góp phần khẳng định Việt Nam thực sự là một quốc gia biển và có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển.
Kết quả hoạt động quản lý hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam giai đoạn 2010-2020, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030
Ảnh minh họa

Tổng quan khu bảo tồn biển Việt Nam

Số liệu thống kê đến nay cho thấy, biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có ĐDSH cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện. Trong số đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước (trên 100 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô. Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Các đặc trưng nêu trên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng.  

Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản đạt 8,6 tỷ USD năm 2019. Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác 3,77 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn. Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển. Trong đó, ĐDSH biển, trọng tâm là các hệ sinh thái biển có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, việc bảo vệ các hệ sinh thái biển là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia, vùng lãnh thổ mà đã trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng, là nhiệm vụ chung của toàn thế giới.

Thực tế đã chứng minh khu bảo tồn biển giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn ĐDSH biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp tự nhiên của biển; bảo tồn các loài thủy sản có giá trị khoa học, kinh tế; bảo vệ các dải đất ven biển, ven đảo chống xói lở bờ biển; góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai đối với vùng ven bờ, ven đảo. Ngoài ra, khu bảo tồn biển có tác dụng làm hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường biển, tạo ra không gian xanh cho ngành du lịch biển và một số ngành kinh tế khác phát triển, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế biển như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành kinh tế biển nói chung và ngành Thủy sản nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: tình trạng ô nhiễm môi trường biển, suy thoái các HST biển, suy giảm nguồn lợi thủy sản diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh mà nguyên nhân chính là do chưa quản lý, kiểm soát có hiệu quả các hoạt động kinh tế ven biển, ven đảo, việc xả thải nước thải chưa qua xử lý, chất thải sinh hoạt trực tiếp ra biển còn khá phổ biến; chưa kiểm soát được tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, việc sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất cấm, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra; phát triển du lịch biển một cách tràn lan thiếu kiểm soát, không theo quy hoạch, chưa quan tâm đến công tác vệ môi trường và bảo tồn ĐDSH biển, tất cả những yếu tố đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh ĐDSH biển, nguồn lợi thủy sản và suy thoái các HST biển. Thực trạng đó đã đặt ra yêu cầu cấp bách với các Bộ, ngành, các địa phương ven biển phải có những hành động quyết liệt, kịp thời để từng bước khắc phục hạn chế trên, tiến tới xây dựng ngành kinh tế biển phát triển bền vững.

Nhận thức sâu sắc được vai trò của khu bảo tồn biển đối với công tác bảo tồn ĐDSH biển, ngày 26 tháng 5 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái, các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học; góp phần phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển.

 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thủy sản 2017 với những quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bao gồm bảo tồn biển theo quan điểm phát triển thủy sản bền vững và hội nhập quốc tế.

Ngày 22 tháng 10 năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn ĐDSH, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước” và mục tiêu cụ thể là “Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia”.

Công tác thiết lập hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam

Về số lượng, hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 gồm 16 khu (Theo quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010).

 Đến nay, Bộ NNNPTNT cùng với các địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu bảo tồn biển: KBTB Bạch Long Vĩ/Hải Phòng, Cồn Cỏ/Quảng Trị, Cù Lao Chàm/Quảng Nam, Lý Sơn/Quảng Ngãi, Vịnh Nha Trang (Hòn Mun)/Khánh Hòa, Hòn Cau/Bình Thuận; Phú Quốc/Kiên Giang (KBTB Phú Quốc hiện nay đã sát nhập vào VQG Phú Quốc), Cô Tô - Đảo Trần/Quảng Ninh (gộp 02 KBTB Cô Tô và Đảo Trần thành một KBTB Cô Tô – Đảo Trần); Vườn quốc gia Bái Tử Long/Quảng Ninh, Cát Bà/Hải Phòng, Núi Chúa/Ninh Thuận, Côn Đảo/Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bộ NNPTNT đã xây dựng quy hoạch chi tiết, bàn giao cho UBND các tỉnh để phê duyệt thành lập 04 KBTB: Hòn Mê/Thanh Hóa, Nam Yết/Khánh Hòa, Phú Quý/Bình Thuận, Hải Vân - Sơn Chà/Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm bàn giao, UBND các tỉnh chưa phê duyệt thành lập mặc dù Bộ NNPTNT đã tổ chức đoàn công tác để kiểm tra, hướng dẫn và có nhiều văn bản chỉ đạo, nhắc nhở.

Ngoài ra, kết quả điều tra nguồn lợi hải sản biển Việt Nam thuộc nhiệm vụ số 8 thuộc Đề án 47 đã xác định thêm được 08 khu vực có tiềm năng bảo tồn biển để bổ sung vào hệ thống KBTB Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các địa phương và các cơ quan nghiên cứu tiếp tục mở rộng điều tra, khảo sát, thu thập số liệu các khu vực biển có ĐDSHĐDSH cao, quan trọng đối với bảo tồn biển để mở rộng hệ thống KBTB Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu về bảo tồn biển đã được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Về diện tích, tổng diện tích các khu bảo tồn biển Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg là: 270.271 ha, trong đó diện tích biển là 169.617 ha.

Tính đến thời điểm tháng 9/2020, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn đạt 213.400 ha chưa đạt so với mục tiêu đến năm 2015 có 270.271 ha vùng biển, đảo được bảo tồn. Tuy nhiên, nếu tính riêng diện tích biển được bảo tồn đạt 185.000 ha đã vượt mục tiêu đến năm 2015 là 169.617 ha). Tỷ lệ diện tích vùng biển được bảo tồn đạt 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, chưa đạt được mục tiêu 0,24% được đề ra tại Quyết định số 742/QĐ-TTg đến năm 2020.

Hoạt động nghiên cứu khoa học trong KBTB

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại các KBTB, VQG đang ngày được quan tâm nhiều hơn, số lượng đề tài nghiên cứu có liên quan đến bảo tồn biển tăng hằng năm. Kết quả của các đề tài nghiên cứu đã hỗ trợ khá hiệu quả cho công tác quản lý, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn tại các ban quản lý. Một KBTB đã chủ động phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tiến hành thử nghiệm mô hình nhân giống san hô và bước đầu mang lại kết quả khả quan để tiếp tục nhân rộng.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học tại các KBTB, VQG được triển khai thực hiện trong thời gian qua vẫn còn rất hạn chế. Tại một số KBTB, VQG hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được quan tâm đầu tư kinh phí thực hiện. Nguyên nhân chính là do trang thiết bị, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu tại các KBTB còn rất hạn chế. Một số KBTB, VQG đã triển khai khá tốt và thường xuyên như: Cù Lao Chàm (15 đề tài nghiên cứu đã và đang triển khai, với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng) thực hiện khảo sát, đánh giá biến động ĐDSH hằng năm, nuôi trồng san hộ, cỏ biển, phát triển sinh kế cho người dân và bảo tồn chuyển vị rùa biển (chuyển từ Côn Đảo);  Hòn Mun (9 đề tài nghiên cứu đã và đang triển khai, tổng kinh phí 1,043 tỷ đồng) thực hiện khảo sát ĐDSH, trồng, phục hồi san hô, bảo vệ bãi đẻ của rùa biển; VQG Núi Chúa (3 đề tài nghiên cứu đang triển khai).

Các hoạt động nghiên cứu khoa học tại các KBTB, VQG nhìn chung còn mang tính nhỏ lẻ, không thường xuyên nên kết quả rất hạn chế, số liệu gián đoạn, giá trị sử dụng không cao.

Công tác xây dựng mô hình và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng

Xây dựng các mô hình chuyển đổi sinh kế cho các hộ dân sống phụ thuộc vào khai thác nguồn lợi tự nhiên từ KBTB luôn được Bộ NNPTNT và BQL KBTB quan tâm thực hiện. Một số mô hình chuyển đổi sinh kế được thử nghiệm và áp dụng thành công tại các KBTB đã góp phần nâng cao đời sống của người dân sống trong và xung quanh các KBTB, giảm áp lực khai thác nguồn lợi tự nhiên tại các KBTB điển hình như: mô hình homestay, cải hoán tàu cá khai thác hải sản ven bờ thành tàu chở khách du lịch tại KBTB Cù Lao Chàm; hỗ trợ tài chính cho chi Hội Phụ nữ để phát triển nghề thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch tại KBTB Hòn Mun (Vịnh Nha Trang), nuôi nhông cát tại Núi Chúa...

So với nhu cầu thực tế, hoạt động phát triển sinh kế thay thế cho người dân sống trong và xung quanh các KBTB vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là tính bền vững của mô hình. Nhiều mô hình chỉ hoạt động hiệu quả khi có dự án hỗ trợ, khi dự án kết thúc đã không thể duy trì được và đổ vỡ, nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí để duy trì hoạt động.

Công tác tập huấn nâng cao năng lực, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng

Ở trung ương, Bộ NNNPTNT hết sức coi trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư. Công tác này được xem là một trong những yếu tố quyết định thành công của công tác bảo tồn biển. Với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, hằng năm Bộ NNPTNT tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh KBTB, một số kết quả cụ thể: Tổ chức 25 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi,  Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang với khoảng 1.500 người được tập huấn. Tổ chức 8 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ từ Trung ương đến địa phương, với gần 500 lượt cán bộ được tập huấn. Tổ chức 3 lớp kỹ năng lặn cho 30 cán bộ làm công tác bảo tồn biển. Tổ chức 4 chuyến thăm quan, khảo sát, học tập, chia sẻ kinh nghiệm ở nước ngoài cho các Ban quản lý KBTB và lãnh đạo các tỉnh: 01 chuyến tại Hoa Kỳ, 01 chuyến tại Australia, 01 chuyến tại Nhật Bản và 01 chuyến tại Indonesia. Tổ chức nhiều sự kiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dưới các hình thức đa dạng như: thi tìm hiểu về ĐDSH biển, tìm hiểu về tiềm năng nguồn lợi tại các KBTB. Tổ chức các chuyến thăm quan chia sẻ kinh nghiệm quản lý bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Côn Đảo, Phú Quốc cho các cán bộ làm công tác quản lý tại các địa phương chuẩn bị hình thành KBTB giúp cho đội ngũ cán bộ trên có những kiến thức thực tế.

Ở địa phương, ngoài những lớp tập huấn, hoạt động tuyên truyền được Bộ NNPTNT chủ trì tổ chức, hằng năm các KBTB cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền riêng cho cộng đồng dân cư tại địa phương. Một số kết quả cụ thể như sau:

Từ năm 2007 đến nay, BQL KBTB Phú Quốc đã tổ chức trên 10 lớp tập huấn kỹ năng cho công chức, viên chức của Ban quản lý và các sở, ban ngành liên quan cấp tỉnh, huyện, xã; tham dự trên 30 khóa tập huấn, hội thảo về giám sát ĐDSH, tài chính bền vững, quy hoạch không gian biển, thực thi pháp luật, kỹ năng truyền thông, kỹ năng lãnh đạo, tham quan học tập kinh nghiệm quản lý các Khu bảo tồn biển trong và ngoài nước; xây dựng và phát triển 3 Tổ tình nguyện cộng đồng về bảo tồn biển ở 3 xã trong KBTB: Hòn Thơm, Bãi Thơm, Hàm Ninh với tổng số thành viên khoảng 30 người, chủ yếu là ngư dân tình nguyện làm công tác bảo tồn; thành lập và đưa vào hoạt động 6 câu lạc bộ về bảo tồn biển trong học đường ở 6 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện đảo với hơn 250 học sinh tham gia; thành lập 2 nhóm giám sát ĐDSH san hô, cỏ biển; đào tạo nghiệp vụ lặn biển bằng khí tài cho khoảng 20 cán bộ và ngư dân trong KBTB để phục vụ công tác quan trắc, giám sát ĐDSH hàng năm; lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống phao phân vùng và phao neo, vệ sinh rạn san hô, trồng san hô dưới đáy biển…

Từ nằm 2011 đến nay, BQL KBTB Hòn Cau đã tổ chức 68 lớp tuyên truyển phổ biến kiến thức pháp luật về bảo tồn biển với sự tham gia của 3.440 ngư dân và đối tượng có liên quan; phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền về các hành vi bị cấm trong khu bảo tồn biển.

Ban quản lý Vịnh Nha Trang (KBTB Hòn Mun) đã triển khai các chương trình giáo dục môi trường cho các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn; tổ chức nhiều đợt phát tờ rơi tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường cho khách du lịch và cộng đồng dân cư sống xung quan KBTB Hòn Mun; vận động các doanh nghiệp chung tay thu gop rác thải tại KBTB; thả giống một số loài hải sản vào KBTB nhằm tái tạo nguồn lợi, tăng quần đàn...

Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức nhiều lớp tuyên truyền đến cư dân địa phương các xã ven biển; thường xuyên hợp tác với các cơ quan truyền thông địa phương tổ chức phát thanh, tăng cường tin bài đăng trên các tạp chí, trên mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá đến cộng đồng, du khách về công tác bảo vệ môi trường, ĐDSH trong khu bảo tồn biển.

Ngoài ra, một số KBTB, VQG đã xây dựng chương trình xuyên suốt như: Chương trình bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo; “Chiến dịch nói không với túi ni lông” tại Cù Lao Chàm, Lý Sơn; “Lặn thân thiện” ở Vịnh Nha Trang và Cù Lao Chàm, Di sản thiên nhiên Thế giới tại Vịnh Hạ Long, Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, “Thăm quan Công viên đá” tại VQG Núi Chúa; “Ủng hộ Nhà Thạch tạ” tại KBTB Hòn Cau.

Nhìn chung, công tác tập huấn và tuyên truyền được duy trì thường xuyên và đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: hiểu biết của người dân sống trong và xung quang các KBTB được nâng lên rõ rệt; tại một số khu bảo tồn biển, người dân đã tự nguyện tham gia các hoạt động thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, phối hợp với BQL trong việc cung cấp thông tin các vụ vi phạm đến cơ quan quản lý để xử lý; nhận thức về vai trò của bảo tồn biển của cán bộ lãnh đạo các cấp tăng lên đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các KBTB hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, đối tượng là cơ sở kinh doanh du lịch – dịch vụ, khách du lịch tăng nhanh tại các KBTB đã gây ra áp lực lớn lên môi trường, tài nguyên biển; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã xả thải trực tiếp chất thải ra biển gây ô nhiễm môi trường (điển hình tại khu vực Hàm Ninh, Phú Quốc); nhiều khách du lịch ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, còn tình trạng vứt bỏ rác ở khắp nơi gây nên sự bức xúc cho cộng đồng địa phương. Đây là đối tượng cần được quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong thời gian tới.

Hoạt động hợp tác quốc tế

Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển đã được quan tâm triển khai khá thường xuyên và hiệu quả. Có thể khẳng định, kết quả đạt được của các KBTB Việt Nam từ trước đến nay có sự đóng góp, hỗ trợ rất lớn về tài chính và kỹ thuật của Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, cụ thể: Trong giai đoạn từ 2001 đến nay, hệ thống KBTB Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Chính phủ Đan Mạch (DANIDA), Chính phủ Hoa Kỳ (NOAA) và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam như: IUCN, UNDP, WB, GEF, WWF, TRAFFIC, HSI, ENV, MCD… Chính phủ Đan Mạch và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ tổ chức các đoàn công tác đi thăm quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm tại một số quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo tồn như: Australia, Indonesia, Malaysia, Hoa Kỳ… Tổ chức IUCN Việt Nam đã hỗ trợ Bộ NNPTNT tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn biển từ Trung ương đến địa phương, các hội thảo, hội nghị, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo tồn biển giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là Hội nghị giao ban các KBTB và VQG tổ chức hàng năm.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác