Lễ công bố đón tiếp khoảng hơn 200 đại biểu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường; các cơ quan, tổ chức của tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, đại diện các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; các chuyên gia môi trường, đa dạng sinh học đang làm việc trong và ngoại tỉnh.
Buổi lễ được tổ chức vào ngày Môi trường Thế giới (5/6) với chủ đề cho năm 2020 là “Hành động vì thiên nhiên”. Bên cạnh lễ công bố là chuyến thực địa đến khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai và hoạt động thả cá tôm, cua, cá giống tại Vũng Mệ (Khu BVNLTS) để tái tạo nguồn lợi thủy sản, tăng tính đa dạng sinh học vùng đầm phá.
Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai được thành lập theo Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 20/2/2020 của UBND Thừa Thiên- Huế. Đây là một trong 2 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập trong khuôn khổ hỗ trợ của dự án "Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết" (2015 – 2020) do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ. Khu Bảo tồn được thành lập với tổng diện tích là 2.071 ha, bao gồm phân vùng Ô Lâu (1.270 ha), phân vùng Cồn Tè - Rú Chá (187 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614 ha). Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 799 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 1.242 ha; phân khu dịch vụ - hành chính: 29,5 ha.
|
Vùng đất ngập nước hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài 68 km dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên- Huế theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, thuộc địa phận của 5 huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là vùng đầm phá đất ngập nước tiêu biểu cho điều kiện nhiệt đới gió mùa, lớn nhất Đông Nam Á. Đầm phá có giá trị đa dạng sinh học rất cao, theo thống kê được khu hệ thực vật gồm 221 loài thực vật phù du, 46 loài rong, 18 loài thực vật thủy sinh bậc cao gồm có 7 loài cỏ biển và 11 loài cỏ nước ngọt, 31 loài thực vật bậc cao trong đó 7 loài thực vật ngập mặn. Khu hệ động vật tại đây gồm 66 loài động vật phù du, 46 loài động vật đáy, 230 loài cá và 73 loài chim, trong đó có 34 loài di cư và 39 loài định cư.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Phong trào ngày chủ Nhật xanh đã giúp làm sạch đầm phá. Sau lễ công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh sẽ xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh Trằm chim vùng cửa sông ô Lâu và quy hoạch đa dạng sinh học khu vực này, dự kiến ban hành vào cuối tháng 12/2020 và tổ chức trồng thêm 72 ha rừng mặn tại xã Quảng Thái (40 ha), xã Điền Hải (16 ha), xã Điền Hoà 16 ha, trong đó phục hồi khoảng 20 ha vùng trảng cỏ, sình lầy làm các sân chim, nơi kiếm ăn cho các loài chim nước.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế được hình thành có ý nghĩa rất lớn trong bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình và quan trọng tại Việt Nam. Khu bảo tồn ra đời sẽ là cơ hội để triển khai các hoạt động bảo tồn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên, các giá trị đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn lợi sinh vật và các hệ sinh thái đặc thù trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nhất là các thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi giống bãi đẻ, các loài chim hoang dã quý hiếm, chim di trú sẽ tiếp tục được bảo vệ và phục hồi.
Việc thành lập khu bảo tồn sẽ góp phần đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững và hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục trên cơ sở cộng đồng địa phương cùng tham gia quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững các giá trị của khu bảo tồn thông qua việc xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các nhà khoa học, các nhóm người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế nghiên cứu khoa học sinh học, sinh thái học và đề xuất kế hoạch bảo tồn.
Các hoạt động phục hồi hệ sinh thái trong khu bảo tồn
Theo kế hoạch, các hoạt động phục hồi hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn bao gồm: phục hồi hệ sinh thái thảm thủy sinh nước ngọt tại cửa sông Ô Lâu (Phong Điền) như: Dừng hoạt động sản xuất lúa tại các cồn nổi, thực hiện thu gom bèo Nhật Bản tại đập Cửa Lác và xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng chế độ đóng mở các cống xả đập… Nghiêm cấm săn bắt chim, điều tra nghiên cứu tình trạng các loài chim di cứ trú đông, xây dựng chương trình cứu hộ các loài quý hiếm, nguy cấp được ưu tiên. Thực hiện chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu, hỗ trợ người dân địa phương phát triển sinh kế bền vững, bao gồm nghề khai thác truyền thống thân thiện môi trường và mô hình nuôi thủy sản bền vững, trong đó chú trọng đến các loài đặc sản, loài bản địa có giá trị cao và đặc trưng cho đầm phá, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng nhằm giảm áp lực khai thác tài nguyên trực tiếp tại khu vực đất ngập nước tại phân khu phục hồi sinh thái. Sắp xếp lại các lồng nuôi thủy sản, phát triển mô hình nuôi thủy sản bền vững, sắp xếp lại diện tích phục vụ cho nhu cầu chạy mặn khi cần thiết tại phân khu dịch vụ, hành chính.
Đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn tại khu vực Rú Chá (Hương Trà): trồng mở rộng diện tích rừng ngập mặn cho diện tích bãi bồi (Rú trên, Rú dưới, Cồn Miếu và các khu vực phù hợp), xây dựng kênh mương dẫn nước để dẫn nước mặn và lập hàng rào bảo vệ rừng mới trồng tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Chuyển đổi đê bao cứng của các ao nuôi thủy sản sang đê bao bằng lưới nhằm tăng lưu thông nước, tạo điều kiện để ổn định môi trường trong khu vực rừng ngập mặn tại phân khu phục hồi sinh thái. Chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản hiện nay sang nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện môi trường tại phân khu dịch vụ, hành chính.
Đối với hệ sinh thái thảm cỏ biển tại khu vực Cồn Tè (Hương Trà): Nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản, xả rác và nước thải sinh hoạt ra khu vực Cồn Tè tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Chuyển dần các ao nuôi thủy sản có đê bao cứng sang đê bao bằng lưới nhằm tăng lưu thông nước, tạo điều kiện để cỏ biển phát triển trở lại trong các đầm nuôi tại phân khu phục hồi sinh thái.
Ngoài ra, một số hoạt động chung nhằm bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn cũng được thực hiện như: Nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản trên mặt nước tại các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Thực hiện nghiêm cấm khai thác thủy sản bằng hình thức mang tính hủy diệt (lưới mắt nhỏ, te điện hay giã cào và các hình thức tương tự khác) tai các phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ, hành chính và vùng đệm. Tuyên truyền phổ biến tới các cơ quan, người dân về các hoạt động nghiêm cấm không được thực hiện, hoạt động có điều kiện tại các phân vùng của khu bảo tồn, giám sát thực hiện. Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học hàng năm phân bố và xu thế biến động tài nguyên của khu vực đầm phá trong điều kiện biến đổi khí hậu. Lồng ghép quy hoạch khu vực bảo tồn đất ngập nước Tam Giang- Cầu Hai vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và đa dạng sinh học định kỳ theo mùa và hàng năm.
Thu Hiền