Đây là sự ghi nhận nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, và bảo tồn rùa biển nói riêng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, thông qua sự kiện này, khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong lộ trình bảo vệ loài thuỷ hải sản nguy cấp, quý hiếm, chống khai thác IUU và hướng tới khai thác hải sản bền vững và có trách nhiệm.
Tại Côn Đảo, công tác bảo tồn Rùa biển đã được thực hiện có hệ thống và liên tục từ năm 1994 đến nay, các hoạt động nghiên cứu bảo tồn rùa biển như: đeo thẻ cho rùa mẹ để ghi nhận các thông tin số lần đẻ trong mùa sinh sản, chu kỳ đẻ trứng của rùa mẹ, địa điểm di cư của rùa mẹ; cứu hộ trứng rùa biển; đeo máy theo dõi qua vệ tinh; nghiên cứu ảnh hưởng nhiệt độ trong tổ trứng đến giới tính của rùa con; nghiên cứu sự tác động của biến đổi bờ biển đến sự sinh sản của rùa biển và nghiên cứu cấu trúc ADN của quần thể rùa biển tại Côn Đảo.
Nơi thả rùa con về biển nhiều nhất Việt Nam
Vườn quốc gia Côn Đảo được thành lập theo Quyết định 135/TTg ngày 31/3/1993 của Thủ Tướng Chính phủ, bao gồm 14 hòn đảo và vùng biển xung quanh các đảo, thuộc vùng biển phía Đông Nam của tổ quốc. Diện tích của Vườn quốc gia Côn Đảo là 19.990,7 ha, trong đó: diện tích trên các đảo 5.990,7 ha và vùng biển xung quanh các đảo 14.000 ha; ngoài ra còn có diện tích vùng đệm biển là 20.500 ha.
Vườn quốc gia Côn Đảo đang lưu giữ và bảo tồn các hệ sinh thái điển hình của vùng hải đảo nhiệt đới bao gồm: hệ sinh thái rừng trên vùng đồi núi thấp, hệ sinh thái rừng trên đồi cát ven biển, hệ sinh thái rừng ngập nước phèn, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển và hệ sinh thái rạn san hô. Số loài thực vật rừng bậc cao có mạch đã được thống kê và định danh là 1.077 loài, số loài động vật có xương sống trên cạn là 160 loài và hơn 1.700 loài sinh vật biển, các yếu tố đặc hữu, quý, hiếm đã làm nổi bật hệ động, thực vật hoang dã tại Côn Đảo. Tiềm năng đa dạng sinh học Vườn quốc gia Côn Đảo có ý nghĩa quốc gia và toàn cầu, có chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phòng hộ bảo vệ môi trường là tiềm năng, thế mạnh để Côn Đảo phát triển bền vững theo quan điểm và định hướng phát triển của Chính phủ.
|
Rùa biển là loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và đang được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có các nước Đông Nam Á. Các loài rùa biển đều được đưa vào sách đỏ của Việt Nam và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Nhận thức được những lợi ích to lớn về văn hoá, kinh tế - xã hội và đa dạng sinh học của việc bảo vệ rùa biển và nơi sinh sống của chúng ở Việt Nam và theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Quần thể rùa Xanh - Chelonia mydas về các bãi biển ở Côn Đảo để làm tổ hàng năm có số lượng lớn nhất Việt Nam, theo số liệu nghiên cứu của Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo có khoảng 500 cá thể rùa mẹ về làm tổ hàng năm và đây cũng là vùng tìm thức ăn quan trọng của một quần thể rùa Xanh khác có kích thước nhỏ hơn. Vườn quốc gia Côn Đảo được xác lập kỷ lục quốc gia “Vườn quốc gia thả rùa con về biển nhiều nhất Việt Nam” được trao chứng nhận vào ngày 31 tháng 01 năm 2009.
Côn Đảo là nơi đầu tiên (từ 1994) thực hiện thành công và có hệ thống chương trình bảo tồn rùa biển, là nơi nghiên cứu các đặc tính sinh học và mô hình - phương pháp bảo tồn rùa biển hiệu quả không những cho Côn Đảo mà còn là nơi chia sẻ các mô hình - phương pháp bảo tồn rùa biển trên các bãi biển toàn quốc. Vườn quốc gia Côn Đảo đã đeo thẻ cho trên 4.853 rùa mẹ và 10 máy theo dõi đường di cư bằng tính hiệu vệ tinh (2008-2018). Côn Đảo thật sự là sinh cảnh làm tổ an toàn nhất Việt Nam hiện nay và là nơi thích hợp cho các hợp tác nghiên cứu và bảo tồn rùa biển. Thống kê 25 năm (1994 đến 2018) có 9.012 cá thể rùa mẹ về làm tổ đẻ trứng; đẻ 25.345 tổ với 2.288.127 trứng; đã ấp nở thả về biển 1.761.832 cá thể rùa con.
Trong thời gian tới, Vườn Quốc gia Côn Đảo tiếp tục thực hiện Dự án Di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020 với một số nội dung chính bao gồm di dời trứng vào hồ ấp trứng; Quản lý, giám sát, theo dõi rùa mẹ lên đẻ trứng, trứng nở và rùa con thả về biển hàng năm; Vệ sinh, san lấp bãi tạo điều kiện cho rùa mẹ lên bãi đẻ trứng; Thực hiện tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn rùa biển và đa dạng sinh học biển.
Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong và ngoài nước, trao đổi thông tin về bảo tồn rùa biển, kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác, tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính cho công tác quản lý bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo.
Văn Thọ