Hội thảo quốc gia về bảo tồn rùa biển (25-06-2018)

Ngày 15/6/2018, tại Nha Trang, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Tổ chức TRAFFIC International tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia về bảo tồn rùa biển nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển giai đoạn 2016 – 2025.
Hội thảo quốc gia về bảo tồn rùa biển
Ảnh minh họa

Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản, Cục Cảnh sát Môi trường; Cơ quan quản lý CITES Việt Nam; Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu hải sản; Chi cục Thủy sản các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận;  một số vườn quốc gia, khu bảo tồn biển: Côn Đảo, Hòn Cau, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); các tổ chức phi chính phủ: TRAFFIC International Viet Nam, Trung tâm giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV), Tổ chức Human Society International (HSI)…

Tại vùng biển Việt Nam đã ghi nhận được 5 loài rùa biển sinh sống và kiếm ăn dọc vùng ven biển và các đảo xa bờ gồm: Vích (Chelonia mydas), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), Quản đồng (Caretta caretta) và Rùa da (Dermochelys coriacea). Tất cả các loài rùa biển đều đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (2007), là danh sách các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam ở các cấp độ nguy cấp khác nhau.

Ngày 14/3/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động về bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 -2025 với mục tiêu chung là “bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam” tập trung vào 5 nội dung chính như: (1) Giảm thiểu các tác nhân gây tử vong cho rùa biển; (2) Thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển; (3) Nghiên cứu và quan trắc các đặc điểm sinh học, sinh thái học của rùa biển; (4) Nâng cao nhận thức của cộng đồng và đào tạo các cán bộ chuyên trách về bảo tồn rùa biển; (5) Tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế.

Qua hai năm triển khai thực hiện, việc bảo tồn rùa biển đã có những chuyển biến tích cực như: nhận thức của người dân được nâng cao, các vụ vi phạm đã được phát hiện và xử lý; khung pháp lý bảo tồn rùa biển dần được hoàn thiện; nguồn lực bảo tồn rùa biển dần được bổ sung... Cụ thể là các vườn quốc gia, khu bảo tồn biển như Côn Đảo, Núi Chúa, Hòn Cau, Bạch Long Vỹ, Cù Lao Chàm đã có các hoạt động cứu hộ rùa biển, bảo vệ các bãi đẻ, trứng rùa, bảo tồn nguyên vị và chuyển vị các loài rùa biển. Các tổ chức như IUCN, WWF đã có những hoạt động phối hợp với các viện nghiên cứu, các khu bảo tồn biển, ngư dân để triển khai các hoạt động, dự án nhằm nghiên cứu nơi sống, tập tính của rùa biển, giảm thiểu đánh bắt không chủ ý rùa biển trong khai thác thủy sản. Các tổ chức phi chính phủ như TRAFFIC, ENV đã phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Cảnh sát môi trường, các chi cục Thủy sản để phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép rùa biển và các sản phẩm của chúng. Tổng cục Thủy sản cũng đã phối hợp với các địa phương, các tổ chức, cá nhân và các đơn vị có liên quan tiến hành tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn về bảo tồn rùa biển, nhận dạng và cứu hộ rùa biển, đánh giá tác động của các nghề khai thác hải sản xa bờ đến các quần thể rùa biển từ đó đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động từ các hoạt động khai thác thủy sản đến đánh bắt không chủ ý rùa biển. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và bảo tồn rùa biển cũng đang được xây dựng và hoàn thiện.

Hội thảo lần này đã tập trung bàn về các giải pháp thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn rùa biển, một số kết quả nghiên cứu về giảm thiểu đánh bắt không chủ ý đối với rùa biển, các hoạt động bảo tồn rùa biển tại một số Vườn quốc gia, Khu bảo tồn biển, hiện trạng và xử lý các vụ vi phạm trong khai thác, vận chuyển, buôn bán rùa biển, các yêu cầu của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, thị trường nhập khẩu về bảo vệ rùa biển trong khai thác thủy sản. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn rùa biển trong thời gian tới.

Theo đó, các giải pháp đã được đưa ra như hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trong đó có rùa biển; đề xuất bổ sung quy định các khu vực cấm khai thác thủy sản, thời gian cấm khai thác, khu vực hạn chế khai thác thủy sản, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản để bảo vệ rùa biển và các bãi đẻ của chúng.

Tăng cường vai trò và công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Kiểm ngư, thanh tra chuyên ngành, đặc biệt là kiểm ngư địa phương sẽ được hình thành trong thời gian tới, nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác rùa biển trái phép; 

Tăng cường vai trò thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng như Cảnh sát Môi trường, Quản lý thị trường nhằm ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, lưu giữ trái phép rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển;

Xây dựng và thực hiện chương trình truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn rùa biển nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn rùa biển;

Khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn rùa biển thông qua sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong các dự án, hoạt động bảo tồn rùa biển nhằm huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân, các cộng đồng dân cư ven biển, các tổ chức trong và ngoài nước (bao gồm các tổ chức phi chính phủ) để thu thập thông tin, quản lý, bảo vệ, bảo tồn rùa biển...

Hội thảo cũng đã rà soát lại tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên trong giai đoạn 2016 – 2020 và đưa ra giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới. Các tổ chức phi chính phủ tiếp tục cam kết hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để cùng phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm thực hiện thành công Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển giai đoạn 2016 - 2025.

Trong năm 2018, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tổ chức tập huấn về nhận dạng và cứu hộ rùa biển cho các công chức, viên chức Chi cục Thủy sản, cộng tác viên và ngư dân các tỉnh ven biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đồng thời tiếp tục phối hợp với các tổ chức phi chính phủ như IUCN, WWF, TRAFFIC Việt Nam, ENV… tiếp tục mở rộng triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo tồn rùa biển cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Nguyễn Thanh Bình Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản

Ý kiến bạn đọc

Tin khác