Bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển tỉnh Kiên Giang (09-11-2016)

Kiên Giang có hơn 200km bờ biển và 137 hòn đảo với ngư trường rộng hơn 63.000km², mỗi năm trên vùng biển Kiên Giang có khả năng khai thác trên 450.000 tấn hải sản các loại. Tuy nhiên, việc khai thác tràn lan đang diễn ra dẫn tới nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản ở tỉnh này.
Bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển tỉnh Kiên Giang
Ảnh minh họa

Nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi

Ở Kiên Giang, nghề khai thác thủy sản đã trở thành cuộc sống mưu sinh của đa số bà con vùng ven biển và hải đảo. Với việc sử dụng tàu thuyền loại nhỏ tập trung khai thác ở vùng nước ven bờ, cùng sự gia tăng số lượng tàu đánh bắt ven bờ, vùng sinh sản chủ yếu của nhiều loài hải sản đã khiến nguồn lợi và môi trường sinh thái bị đe dọa. Nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao đang giảm dần; cùng với đó, việc đánh bắt tôm cá bằng loại lưới kích cỡ nhỏ cũng là nguyên nhân làm cho nguồn lợi hải sản suy giảm nhanh.

Theo số liệu thống kê, nếu như năm 2005, tổng số tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn Kiên Giang là 7.700 chiếc, với tổng công suất 1.170.446CV, đạt tổng sản lượng khai thác 305.565 tấn; đến năm 2010 tăng lên 11.904 chiếc, tổng công suất cũng tăng lên 1.425.733CV, nhưng tổng sản lượng chỉ đạt 375.687 tấn; năm 2015 số tàu giảm còn 10.322 chiếc, nhưng tổng công suất tăng lên 2.077.887CV, tổng sản lượng khai thác đạt gần 494.000 tấn. So sánh con số như vậy cho thấy, năng suất khai thác mỗi tấn/CV đã giảm rõ rệt: năm 2005 là 0,26 tấn/CV; năm 2010 dù số lượng tàu tăng nhưng chỉ đạt trung bình 0,26 tấn/CV; đến năm 2015 số công suất tàu đánh bắt tăng, nhưng giảm còn 0,24 tấn/CV.

Việc gia tăng cường lực khai thác tốc độ như hiện nay, đặc biệt sự mất cân đối giữa hai lực lượng khai thác ven bờ và xa bờ đã khiến môi trường sinh thái, bãi sinh sản các loài thủy sản đang bị phá hủy và đe dọa. Tính đến hết tháng 6/2016, toàn tỉnh hiện có 10.444 tàu thuyền làm nghề khai thác thủy sản, trong đó nghề lưới kéo chiếm 31,5% về số lượng và sản lượng khai thác nghề lưới kéo chiếm khoảng 80% tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh. Cũng chính các tàu hành nghề lưới kéo (kéo đôi và kéo đơn) là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản. Do mật độ tàu thuyền tập trung đánh bắt gần bờ cao, cạnh tranh khai thác và dùng công cụ mang tính hủy diệt như cào bay, xung điện… đã làm cho ngư trường biển bị hủy hoại nghiêm trọng. Trong tương lai, nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Kiên Giang, nhất là nhóm cá nổi, cá tầng đáy có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều phương tiện hành nghề lưới kéo đưa tàu vào vùng ven bờ, ven đảo đánh bắt tôm cá khiến nơi cư trú cung cấp dinh dưỡng, bãi sinh sản của các loài thủy sản bị đe dọa.

Theo ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng khai thác ven bờ phát triển quá nhanh. Trong khi đó, một số ngư dân bất chấp quy định không tiến hành đăng ký, đăng kiểm; sử dụng phương tiện khai thác theo tính hủy diệt mà không quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra trên biển, qua đó phát hiện và xử lý nhiều phương tiện sử dụng các loại công cụ không đúng theo quy định, như khai thác thủy sản kích thước nhỏ, khu vực cấm, nghề cấm, sử dụng điện, sai tuyến... với số tiền xử phạt trên 17 tỉ đồng. Trong đó, đáng kể nhất là việc dùng cào bay trong vùng cấm khai thác .

Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn lợi

Trước tình trạng khai thác thủy sản tràn lan dẫn đến nguy cơ suy giảm nguồn lợi thủy sản, từ cuối năm 2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành quy định tạm thời không cho đăng ký loại nghề lưới kéo trong phạm vi cả nước. Mục đích là giảm áp lực trong khai thác thủy sản những vùng biển ven bờ, trong đó có vùng biển Kiên Giang. Riêng Kiên Giang cũng đã xây dựng chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương thực hiện khoanh vùng phục hồi, bảo tồn các hệ sinh thái, quy định các vùng cấm khai thác; nghiêm cấm các hành vi khai thác bằng xung điện, chất nổ; cấm các loại tàu cào bờ, xiệp mé hoạt động trong vùng biển ven bờ; tuyên truyền, vận động ngư dân hạn chế đánh bắt gần bờ nhằm bảo vệ và phục hồi nguồn lợihải sản vùng gần bờ; vận hành hiệu quả khu bảo tồn biển Phú Quốc. Đồng thời ổn định cơ cấu tàu thuyền khai thác phù hợp với ngư trường hướng đến mục tiêu khai thác ổn định và bền vững. Cùng với đó, tiến hành tổ chức sắp xếp lại nghề khai thác trên cơ sở cơ cấu lại nghề nghiệp phù hợp; tăng cường đầu tư mở rộng nâng cấp các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên các tuyến hải đảo; tiếp tục đóng mới các tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Riêng với các tàu có công suất nhỏ, vận động chuyển dần sang làm nghề câu, kéo tôm, chụp…

Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường biện pháp quản lý nguồn lợi thủy sản. Ngoài việc tuần tra, kiểm soát, Kiên Giang cũng đang thưc hiện dự án cải thiện nghề ghẹ xanh thực hiện từ năm 2010 và đang tiến hành đề án quản lý nghề lưới kéo; thực hiện dự án sắp xếp lại nghề cá ven bờ… UBND tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020. Theo đó, sẽ sắp xếp lại việc khai thác ven bờ, vùng lộng. Ngoài ra, Sở NN-PTNT Kiên Giang cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản xây dựng đề án làm căn cứ khoa học để khoanh vùng khai thác cụ thể, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ áp dụng thực hiện. Trước mắt, ngành nông nghiệp tạm thời phân ra từng tọa độ, vị trí cho các địa phương. Để thực hiện việc này, các huyện, thị nên có sự thống nhất chung để cùng nhau tuyên truyền để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất an ninh trật tự trên biển.

Ngoài ra, để tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở. Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, do không nắm bắt được từ cơ sở, nên khi tàu đánh bắt gần bờ xong thì họ kéo nhau đi; từ đó không thể xác định được tàu nào vi phạm để xử phạt. Vì vậy, lực lượng kiểm ngư, thanh tra bảo vệ nguồn lợi và Biên phòng là chủ chốt, nên bố trí phương tiện tuần tra, kiểm soát để các tàu đánh bắt hải sản hoạt động đúng qui định. Tới đây, ngành nông nghiệp thành lập trạm kiểm ngư ở Phú Quốc; xác định lại tọa độ cho từng vùng khai thác phù hợp; xác định ranh giới các huyện trên vùng biển để khi xảy ra tình trạng đánh bắt trong vùng cấm, có biện pháp cứng rắn với các chủ tàu.

Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát toàn vùng biển Kiên Giang về các loại hình khai thác hiện nay; phân định lại từng vùng đánh bắt cho từng loại nghề. Cùng với đó giảm dần tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ và nghề lưới cào gây tổn hại nguồn lợi thủy sản; bám biển tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời các vụ tranh chấp, xung đột trên biển…

Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang tập trung tuyên truyền để ngư dân hiểu và thực hiện tốt việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Song để nghề khai thác hải sản vùng ven bờ bền vững thì cần có những giải pháp hữu hiệu để vừa giảm tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi hải sản, vừa không tác động đến cuộc sống của ngư dân. Điều quan trọng là ngành chức năng phải có đội ngũ quản lý nghề cá đủ năng lực và số lượng để quản lý tốt về mặt nhà nước trong tương lai.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác