Mục tiêu 100 triệu đô la Mỹ để mở rộng quy mô đánh bắt cá bền vững (22-08-2024)

Mới đây, MSC đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng nhằm bảo vệ đại dương và tăng cường nguồn cung cấp hải sản bền vững trong thập kỷ tới bằng cách huy động 100 triệu đô la Mỹ để phục vụ cho mục đích trên.
Mục tiêu 100 triệu đô la Mỹ để mở rộng quy mô đánh bắt cá bền vững
Ảnh minh họa

Những áp lực từ biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức, phá hủy môi trường sống và quản lý nghề cá kém đã tác động mạnh mẽ lên đại dương, đặt ra thách thức lớn cho các cộng đồng phụ thuộc vào nghề cá để kiếm sống và cung cấp lương thực.

Để ứng phó với những thách thức to lớn này, MSC đã tài trợ cho nghiên cứu sáng tạo và hỗ trợ nghề cá nhằm hướng tới sự bền vững. 100 triệu đô la Mỹ sẽ được chuyển tới Quỹ quản lý đại dương, trong đó 10 triệu đô la được huy động thông qua tiền bản quyền nhãn hiệu MSC và các khoản đóng góp của bên thứ ba.

Bên cạnh đó, việc mở rộng nguồn vốn quỹ cũng rất quan trọng nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nghề cá trên con đường hướng tới sự bền vững, đặc biệt là nghề cá quy mô nhỏ và những nghề cá ở các nền kinh tế mới nổi. Nghề cá quy mô nhỏ sử dụng khoảng 90% lực lượng đánh bắt cá tự nhiên trong khi các nền kinh tế đang phát triển cung cấp tới 50% hải sản được giao dịch trên thị trường hiện nay.

Hiện nay, các đối tượng thụ hưởng quỹ bao gồm các ngành thủy sản Nam Phi đang nỗ lực cải thiện tình trạng đánh bắt nhầm các loài chim biển và ngư dân quy mô nhỏ ở Địa Trung Hải đang thử nghiệm công nghệ mới để bảo vệ cá đuối gai độc.

Một dự án khác cũng nhận được tài trợ từ Quỹ nhằm đánh giá rủi ro của biến đổi khí hậu đối với các ngành thủy sản đánh bắt tự nhiên và giúp họ thích nghi trong tương lai. Nghiên cứu này sẽ phân tích hơn 500 ngành thủy sản tham gia chương trình MSC để xác định những ngành mà tác động của biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ đe dọa khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn MSC về quản lý thủy sản bền vững.

Tại Baja California, Mexico, Quỹ Quản lý Đại dương đang hỗ trợ chiến lược thu hoạch nhằm phát triển các công cụ quản lý chính, để đảm bảo nhím biển không bị khai thác quá mức. Một hệ thống quy tắc cũng đang được xây dựng để theo dõi sự phong phú của nhím biển và tác động của chúng đối với hệ sinh thái.

“Chúng ta phải đoàn kết để cứu nghề cá... nếu không có sự bền vững, sẽ không có nghề cá, không có nhím biển, không có gì cả, chúng ta sẽ phải tìm một cách khác để sống... và điều đó là không thể tưởng tượng được”, Don Artemio Rodriguez Ornelas, một thợ lặn làm việc từ năm 1988 và là một trong số 1.500 người phụ thuộc vào nhím biển để kiếm sống ở Baja California - Mexico, nơi có những khu vực bị suy yếu do đánh bắt quá mức, cho biết.

Sự hỗ trợ từ Quỹ cũng đang thúc đẩy tiến trình hướng tới sự bền vững trong nghề đánh bắt ghẹ xanh của Indonesia. Hơn 250.000 người ở Madura phụ thuộc vào nghề cá, tuy nhiên, sản lượng đánh bắt và kích thước ghẹ xanh đã giảm kể từ năm 2008, khiến cả hệ sinh thái và sinh kế đều gặp rủi ro. Nguồn tài trợ đang giúp nghề cá xây dựng và thực hiện kế hoạch tái thiết đàn ghẹ xanh, cùng với một nghiên cứu để hiểu rõ hơn về tỷ lệ tăng trưởng và tỷ lệ tử vong cũng như phân bổ của chúng.

Được thành lập vào năm 2018, Quỹ được hỗ trợ bởi 5% tiền bản quyền bán hải sản có nhãn hiệu được chứng nhận MSC và mỗi giao dịch mua của người tiêu dùng đều tạo nên sự khác biệt. Từ năm 2022, dự án này đã được hỗ trợ thêm thông qua các khoản đóng góp từ thiện và từ việc huy động thêm nguồn tài trợ trong 10 năm tới sẽ rất cấp thiết để giúp nhiều nghề cá và cộng đồng ứng phó với những thách thức mà họ phải đối mặt và nhận ra những lợi ích của hoạt động đánh bắt cá bền vững.

Hương Trà (theo msc.org)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác