Phát triển kinh tế xanh nhờ Blue Carbon (22-10-2024)

Blue Carbon là lượng carbon được lưu trữ trong các hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các khu vực có rong biển. Blue Carbon đang trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Ứng dụng Blue Carbon vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã và đang được triển khai tại nhiều quốc gia, giúp tăng cường khả năng hấp thụ carbon, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.
Phát triển kinh tế xanh nhờ Blue Carbon
Ảnh: Nuôi tôm trong rừng ngập mặn đang là xu thế tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng bỏng toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia và tổ chức quốc tế phải tìm kiếm nhiều giải pháp khác nhau nhằm giảm thiểu tác động của lượng khí nhà kính. Trong bối cảnh đó, khái niệm "Blue Carbon" nổi lên như một trong những hướng đi quan trọng. Blue Carbon không chỉ giúp hấp thụ và lưu trữ CO₂ từ khí quyển mà còn tạo ra hệ sinh thái ven biển và các dịch vụ sinh thái có giá trị, như bảo vệ bờ biển, cung cấp môi trường sống cho động vật và phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.

Rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái ven biển khác đều có khả năng lưu trữ lượng carbon lớn dưới dạng hữu cơ, giúp giảm bớt lượng khí CO₂ trong khí quyển. Nhiều quốc gia như Indonesia, Bangladesh, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhận ra tiềm năng của việc kết hợp các hệ sinh thái này với ngành nuôi trồng thủy sản để thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Blue Carbon và các mô hình ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản trên thế giới

Indonesia là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng mô hình kết hợp nuôi tôm và bảo tồn rừng ngập mặn. Với đường bờ biển dài và khu vực rừng ngập mặn phong phú, Indonesia nhận ra rằng rừng ngập mặn không chỉ cung cấp lợi ích môi trường mà còn hỗ trợ sự phát triển của ngành nuôi tôm, một ngành công nghiệp chủ lực của quốc gia này.

Mô hình này được áp dụng tại nhiều tỉnh ven biển của Indonesia, mang lại những kết quả đáng kể. Rừng ngập mặn hấp thụ carbon và đóng vai trò là vùng đệm tự nhiên, giúp ngăn chặn xói mòn bờ biển và giảm thiểu thiệt hại từ bão lụt. Đồng thời, hệ sinh thái phong phú tại khu vực này tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi tôm, giảm nhu cầu sử dụng phân bón và các hóa chất nuôi trồng. Tuy nhiên, theo các báo cáo, mô hình này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có áp lực về nhu cầu đất đai từ các hoạt động kinh tế khác và sự phá rừng ngập mặn vì mục đích thương mại.

Bangladesh rất dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, nhưng cũng là nơi có tiềm năng lớn trong việc phát triển Blue Carbon thông qua bảo tồn rừng ngập mặn. Khu vực rừng ngập mặn Sundarbans, lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của bão và nước biển dâng.

Chính phủ Bangladesh đã tích cực triển khai các chương trình kết hợp nuôi trồng thủy sản với bảo tồn rừng ngập mặn, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi tôm và cá. Các dự án này không chỉ giúp duy trì nguồn sinh kế cho người dân địa phương mà còn tăng cường lượng carbon được lưu trữ, đồng thời bảo vệ các bờ biển khỏi xói mòn và lũ lụt. Mặc dù tiềm năng là rất lớn, nhưng Bangladesh vẫn cần sự hỗ trợ về nguồn lực và công nghệ để đảm bảo tính bền vững lâu dài của các dự án này.

Trung Quốc đã tiên phong trong việc phát triển các dự án Blue Carbon thông qua các chương trình thương mại carbon và nuôi trồng thủy sản. Một trong những bước tiến đáng chú ý của Trung Quốc là việc triển khai dự án giao dịch tín chỉ Blue Carbon đầu tiên tại tỉnh Quảng Đông vào năm 2021. Đây là dấu mốc quan trọng cho thấy Trung Quốc đang mở rộng chiến lược của mình bằng cách kết hợp các phương thức mới nổi như nuôi trồng động vật vỏ cứng (như hàu, trai) và rong biển.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc áp dụng các phương pháp này như một giải pháp lưu trữ carbon hiệu quả. Có nhiều lo ngại về việc liệu nước này có đang quá vội vàng trong việc triển khai các dự án nuôi trồng rong biển và động vật thủy sinh để hấp thụ carbon mà chưa đánh giá đầy đủ tiềm năng lưu trữ carbon dài hạn của các phương pháp này. Mặc dù chúng mang lại cơ hội hứa hẹn, nhưng khả năng lưu trữ carbon của chúng vẫn cần được theo dõi và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Một vấn đề khác liên quan đến Trung Quốc là việc sử dụng tín chỉ Blue Carbon để làm công cụ bồi thường cho các hành vi khai thác đại dương gây hại. Việc gắn liền các khoản phạt cho việc khai thác tài nguyên biển với tín chỉ carbon có thể tạo ra lỗ hổng, khiến những cá nhân tổ chức gây hại nghiêm trọng cho môi trường có thể mua tín chỉ như một cách “trốn tránh trách nhiệm”. Để ngăn chặn điều này, các chuyên gia kêu gọi Trung Quốc cần có các quy định pháp lý rõ ràng, đảm bảo tín chỉ carbon chỉ được sử dụng khi việc khôi phục trực tiếp hệ sinh thái bị tổn thương không khả thi hoặc không đủ để khắc phục hoàn toàn tổn thất.

Một vấn đề khác là thiếu cơ sở pháp lý quốc gia nhất quán cho việc quản lý tín chỉ Blue Carbon. Hiện tại, phần lớn các sáng kiến này đang được thử nghiệm ở cấp độ địa phương, với sự thiếu giám sát và hướng dẫn từ chính quyền trung ương, điều này có thể dẫn đến rủi ro trong việc quản lý và phát triển tín chỉ Blue Carbon một cách hiệu quả.

Nhật Bản là nước tiên phong tích hợp rong biển và cỏ biển vào tính toán lượng carbon quốc gia. Nước này đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển Blue Carbon, đặc biệt là việc tích hợp các hệ sinh thái ven biển vào báo cáo kiểm kê khí nhà kính của quốc gia. Một trong những dấu ấn quan trọng nhất của Nhật Bản là việc công nhận khả năng hấp thụ carbon của các loại rong biển và cỏ biển tự nhiên vào trong các tính toán carbon quốc gia. Đây là một bước đi đột phá, giúp Nhật Bản không chỉ gia tăng khả năng lưu trữ carbon mà còn tạo ra một tiền đề vững chắc để phát triển các dự án Blue Carbon.

Năm 2022, chính phủ Nhật Bản đã báo cáo lượng carbon lưu trữ được từ các thảm cỏ biển và rong biển là khoảng 350.000 tấn CO₂. Hành động này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và tạo điều kiện cho Nhật Bản tiếp tục mở rộng chiến lược phát triển Blue Carbon, từ đó tiến gần hơn đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Đồng thời, Nhật Bản cũng phát triển hệ thống tín chỉ carbon mang tên "J Blue Credit", một sáng kiến giúp chứng nhận và hỗ trợ các dự án bảo tồn hệ sinh thái biển. Sáng kiến này cho phép các tổ chức và doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon, giúp gia tăng nguồn thu cho các dự án bảo tồn và phát triển hệ sinh thái ven biển. Một trong những ví dụ điển hình là dự án trồng rong biển tại Nhật Bản, dự kiến sẽ nhận được chứng nhận J Blue Credit vào cuối năm 2025.

Những sáng kiến này không chỉ giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu về khí hậu mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản của quốc gia này, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ sinh thái biển.

Các dự án Blue Carbon tại Việt Nam có thể mang lại điều gì?

Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển các dự án Blue Carbon, đặc biệt ở các tỉnh ven biển miền Nam như Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Các mô hình nuôi tôm kết hợp bảo tồn rừng ngập mặn đã được triển khai tại một số địa phương, giúp bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho người dân. Nhờ vào việc giảm thiểu sử dụng phân bón và hóa chất, chi phí sản xuất được giảm đáng kể trong khi hiệu quả nuôi trồng tăng lên.

Giảm thiểu biến đổi khí hậu là một trong những cơ hội lớn nhất mà Blue Carbon cung cấp. Các hệ sinh thái như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rong biển có khả năng hấp thụ và lưu trữ một lượng lớn CO₂, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu lượng khí nhà kính trong khí quyển. Đối với Việt Nam, quốc gia ven biển với hơn 3.260 km đường bờ biển, việc tận dụng những hệ sinh thái tự nhiên này để đối phó với biến đổi khí hậu không chỉ có ý nghĩa môi trường mà còn có tác động tích cực đến sinh kế bền vững của cộng đồng dân cư địa phương.

Tăng trưởng kinh tế bền vững cũng là một cơ hội lớn mà Blue Carbon mang lại. Việc phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với bảo tồn hệ sinh thái không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất nhờ hạn chế sử dụng phân bón và hóa chất mà còn tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Các hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn cung cấp môi trường lý tưởng cho sự phát triển của các loài thủy sản có giá trị như tôm, cá, cua. Ngoài nuôi tôm, Việt Nam cũng có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng rong biển, tương tự như mô hình đã thành công ở Hàn Quốc. Rong biển không chỉ là nguồn thực phẩm có giá trị mà còn là một giải pháp hấp thụ carbon hiệu quả. Ngành công nghiệp rong biển ở Việt Nam có thể được phát triển mạnh mẽ nếu có sự đầu tư đúng mức và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ.

Ngoài ra, các chương trình tín chỉ carbon từ các dự án bảo tồn và phát triển Blue Carbon có thể mở ra nguồn thu nhập mới từ thị trường carbon, tạo động lực cho các doanh nghiệp và nông dân.

Một cơ hội quan trọng khác là bảo vệ bờ biển và hệ sinh thái. Các hệ sinh thái Blue Carbon không chỉ giúp lưu trữ carbon mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn và thiên tai. Rừng ngập mặn, chẳng hạn, hoạt động như một lớp chắn tự nhiên trước các tác động của bão lụt, giúp bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển và cơ sở hạ tầng. Việc kết hợp nuôi trồng thủy sản với bảo tồn rừng ngập mặn không chỉ duy trì đa dạng sinh học mà còn cải thiện chất lượng môi trường nước, từ đó tạo ra môi trường sống tốt cho các loài thủy sản.

Cần có kế hoạch bài bản

Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng thiếu nguồn lực tài chính và công nghệ là một trong những thách thức lớn trong việc phát triển Blue Carbon tại Việt Nam. Việc triển khai các dự án nuôi trồng thủy sản kết hợp bảo tồn hệ sinh thái cần đầu tư lớn về tài chính và công nghệ. Nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thiếu các nguồn lực cần thiết để thực hiện các dự án quy mô lớn, đặc biệt trong việc giám sát và đánh giá lượng carbon được lưu trữ. Các hệ thống nuôi trồng hiện đại cũng đòi hỏi công nghệ tiên tiến để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững dài hạn.

Một thách thức khác là sự cạnh tranh về đất đai và tài nguyên. Tại nhiều khu vực ven biển, nhu cầu về đất đai cho các hoạt động khác như phát triển du lịch, công nghiệp và đô thị hóa đang gia tăng, tạo áp lực lớn lên các hệ sinh thái ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn. Việc mở rộng các dự án nuôi trồng thủy sản thường đòi hỏi diện tích lớn, dẫn đến xung đột lợi ích giữa việc bảo tồn hệ sinh thái và phát triển kinh tế.

Việc thiếu cơ chế hỗ trợ và khung pháp lý cũng gây khó khăn cho việc triển khai các dự án Blue Carbon. Để phát triển hiệu quả các dự án này, cần có khung pháp lý rõ ràng và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, các cơ chế này vẫn còn thiếu hoặc chưa hoàn thiện, dẫn đến việc thực hiện các dự án gặp khó khăn. Cần phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy định và cơ chế giám sát để đảm bảo tính minh bạch và bền vững trong các dự án Blue Carbon.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác