Đồng quản lý nghề cá góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ (04-08-2015)
Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện nhỏ phát triển quá mức, mang tính tận diệt… làm nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị cạn kiệt. Trước thực trạng đó, nhiều tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đã được xây dựng tại huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) nhằm góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Ảnh minh họa
Tại các vùng biển ven bờ thuộc huyện Tuy An, nguồn lợi thủy sản tầng đáy khá phong phú. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá mú, tôm hùm, cá hồng, cua biển, mực nang, các loài ốc. Nguồn cá nổi ở các vùng biển này cũng khá dồi dào, nhiều nhất là cá cơm, cá nục… Tuy nhiên, những năm qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện đánh bắt nhỏ phát triển quá mức đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi này. Hiện nhiều ngư dân gặp khó khăn vì nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, hiệu quả kinh tế của các nghề khai thác ven bờ ngày càng thấp.
Việc suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ là mối quan tâm lớn nhất của các địa phương ven biển. Dọc bờ biển là nơi tập trung dân cư đông đúc, các tuyến đường bê tông chưa xuống được tới bờ biển, việc thu gom rác thải ở khu vực này cũng gặp nhiều khó khăn. Tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản lại chủ yếu có công suất dưới 20CV. Trong khi đó, một số ngư dân đã khai thác thủy sản bằng phương pháp lặn kết hợp bơm hóa chất vào hang san hô, hoạt động nghề giã cào và sử dụng ngư cụ kích thước nhỏ hơn quy định để khai thác tận thu khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt.
Trước thực trạng này, Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững đã được triển khai tại Phú Yên với tổng mức đầu tư hơn 257 tỉ đồng, được chia làm 4 hợp phần, trong đó có tiểu hợp phần đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ. Đến nay, trên địa bàn huyện Tuy An, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chọn 4 xã gồm An Chấn, An Hòa, An Ninh Đông và An Hải để triển khai kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ với gần 680 hộ ngư dân tham gia.
Nội dung đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ tập trung phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bộ quy tắc nghề cá có trách nhiệm và các văn bản pháp luật liên quan, tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật. Đồng thời tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển nghề cá ven bờ, xây dựng thể chế và chính sách quản lý nghề cá ven bờ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, khắc phục sự ô nhiễm môi trường vùng ven biển.
Ngoài ra, đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ còn nhằm hỗ trợ bổ sung sinh kế cho cộng đồng ngư dân nghèo, hỗ trợ sinh kế ban đầu cho tổ đồng quản lý và phát triển giới, thành lập khu bảo vệ biển như bảo vệ bãi đẻ, bãi sinh trưởng, tôm hùm, rạn san hô…
Các ngư dân sau khi được phổ biến đã thành lập tổ, xây dựng phương án phân khu vực khai thác, nuôi trồng, neo đậu tàu cá và khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời tổ chức thu gom rác thải và vệ sinh môi trường bờ biển, tham gia giám sát các hoạt động khai thác và nuôi trồng tại khu vực biển ven bờ, ngăn chặn và báo cáo kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản bằng chất nổ, hóa chất và vận động ngư dân ở địa phương chuyển đổi sang những nghề khai thác thân thiện với môi trường, không phát triển thuyền công suất nhỏ dưới 20CV.
Theo lãnh đạo huyện Tuy An, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi sinh, môi trường vùng biển ven bờ trên địa bàn huyện là thách thức lớn đối với địa phương. Tỉnh đã quan tâm xây dựng các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ tại 4 xã trên địa bàn huyện là hết sức cấp thiết, nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường vùng ven biển, tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển.
Phương Linh