Cơ hội từ tăng trưởng thương mại thủy sản Nam – Nam (01-10-2024)

Thương mại thủy sản toàn cầu đạt mức kỷ lục 186 tỷ USD vào năm 2022, tăng 63% so với mức 114 tỷ USD vào năm 2012. Đặc biệt đáng chú ý là sự gia tăng của thương mại Nam - Nam giữa các quốc gia đang phát triển với mức tăng 200% trong cùng kỳ, từ 19 tỷ USD lên 39 tỷ USD. Sự bùng nổ này làm nổi bật các cơ hội đáng kể giúp tăng trưởng kinh tế bền vững trong lĩnh vực thủy sản, nhưng cũng nhấn mạnh những thách thức cần phải giải quyết, bao gồm các rào cản thương mại, vấn đề đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu.
Cơ hội từ tăng trưởng thương mại thủy sản Nam – Nam
Ảnh minh họa

Theo một phân tích mới của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), thương mại trong lĩnh vực thủy sản biển, nuôi trồng thủy sản, chế biến cá và tàu đánh cá của các nước đang phát triển đang nhanh chóng mở rộng trong thời gian qua. Các quốc gia như Chile, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Peru, Thái Lan và Việt Nam là các quốc gia tiên phong trong phong trào này, chiếm 46% kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn cầu vào năm 2022. Tỷ lệ này đạt 42% vào năm 2012. Ấn tượng hơn nữa, các quốc gia đang phát triển đóng góp 53% kim ngạch xuất khẩu hải sản chế biến có giá trị cao, so với mức 40% đối với các sản phẩm chưa qua chế biến, cho thấy thành công của họ trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu của mình.

David Vivas Eugui, người đứng đầu bộ phận kinh tế tuần hoàn và đại dương của UNCTAD cho biết: “Sự tăng trưởng trong thương mại Nam-Nam này báo hiệu một kỷ nguyên mới, trong đó các nước đang phát triển ngày càng giao thương với nhau nhiều hơn, duy trì các lợi ích kinh tế địa phương trong khi tạo ra việc làm và thúc đẩy đổi mới”. Ông lưu ý rằng sự thay đổi này không chỉ cải thiện an ninh lương thực và cung cấp thực phẩm giàu protein cho người dân ven biển mà còn củng cố các ngành công nghiệp địa phương và tăng khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế.

Theo Phân tích lợi thế so sánh được UNCTAD thực hiện và công bố, một số sản phẩm lợi thế quốc gia được liệt kê như sau:

1. Mozambique: Xuất khẩu tôm hùm đá và tôm càng biển.

2. Argentina: Nổi tiếng với cá tuyết đông lạnh, một loại cá được đánh giá cao trên toàn cầu.

3. Morocco: Chiếm ưu thế với cá mòi chế biến.

4. Peru: Chuyên về cá cơm từ nguồn cá giàu dinh dưỡng ở Dòng hải lưu Humboldt.

Những sản phẩm chuyên biệt này cho phép các nước đang phát triển tận dụng thị trường toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đa dạng hóa danh mục xuất khẩu.

Biến đổi khí hậu, Đánh bắt quá mức và Rào cản thương mại – Những thách thức hiện hữu

Mặc dù tăng trưởng đáng kể, ngành này vẫn phải đối mặt với những rào cản đáng kể. Đánh bắt quá mức vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ngành thủy sản thế giới trong thời gian qua, với trữ lượng bị đánh bắt quá mức tăng gấp 3 lần kể từ năm 1974 và hơn 1/3 nghề cá được đánh giá trên thế giới nằm ở ngưỡng bị đánh bắt quá mức. Những vấn đề này ngày càng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiệt độ nước biển và hệ sinh thái, đe dọa các loài sinh vật biển và sinh kế phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này.

Các biện pháp phi thuế quan (NTM) là các quy tắc và quy định khác ngoài thuế quan cũng đặt ra một thách thức lớn khác cho ngành thương mại thủy sản. Các biện pháp phi thuế quan bao gồm các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) thường làm tăng thêm chi phí đối với các nhà xuất khẩu và hạn chế tiếp khả năng cận thị trường của họ. Một con số đáng kinh ngạc là 93% lượng sản phẩm cá nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp SPS, trong khi 82% phải đối mặt với các rào cản TBT.

Làm mới Hệ thống ưu đãi thương mại toàn cầu (GSTP)

Để thúc đẩy tăng trưởng thương mại thủy sản quốc tế nói chung, thương mại thủy sản Nam – Nam nói riêng, làm mới Hệ thống ưu đãi thương mại toàn cầu (GSTP) giữa các nước đang phát triển trở thành nhu cầu cấp thiết cần phải được thực hiện. Thỏa thuận này thúc đẩy thương mại bằng cách cung cấp chế độ ưu đãi về thuế quan và các rào cản khác. Mặc dù thuế quan theo GSTP thấp hơn, các biện pháp phi thuế quan vẫn tiếp tục cản trở dòng chảy thương mại thủy sản thế giới. Việc điều hòa và giảm các biện pháp phi thuế quan có thể giúp các quốc gia đang phát triển tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và giúp các quốc gia này hội nhập đầy đủ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vào năm 2022, các thành viên GSTP chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước đang phát triển trong lĩnh vực đánh bắt cá biển và nuôi trồng thủy sản. Con số này cho thấy vai trò quan trọng của thỏa thuận trong việc thúc đẩy thương mại Nam-Nam. 42 quốc gia thành viên của GSTP, trải dài từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh, đại diện cho một thị trường 4 tỷ người tiêu dùng, mang lại tiềm năng to lớn cho ngành thủy sản.

Chantal Line Carpentier, người đứng đầu chi nhánh thương mại, môi trường và biến đổi khí hậu của UNCTAD cho biết: “GSTP cung cấp một nền tảng độc đáo để giải quyết các thách thức thương mại bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa các nước đang phát triển”. Việc khôi phục GSTP có thể làm tăng dòng chảy thương mại, cải thiện an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trên khắp thế giới đang phát triển.

UNCTAD kêu gọi cam kết đổi mới đối với GSTP để khai thác tiềm năng chưa được sử dụng đúng mức của thương mại Nam-Nam trong lĩnh vực thủy sản và nuôi trồng thủy sản, mang lại lợi ích cho các quốc gia đang phát triển và giúp thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) quan trọng, chẳng hạn như cải thiện an ninh lương thực (SDG 2) và bảo vệ sinh vật biển (SDG 14).

Hương Trà (theo fishery.news)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác