Đối mặt và vượt khó
EU từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt đỉnh 511 triệu USD vào năm 2010, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Cá tra Việt Nam cũng từng chiếm 22% thị phần cá thịt trắng nhập khẩu vào EU vào thời điểm đó. Cá tra thực sự bị coi là đối thủ cạnh tranh của một số loài cá thịt trắng phổ biến ở châu Âu. Nhưng trong những năm sau đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này giảm mạnh do chiến dịch truyền thông bôi nhọ cá tra ở một số nước châu Âu.
Tuy nhiên, trong năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU tăng trưởng đột phá do nhu cầu tăng mạnh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đặc biệt, ưu đãi từ Hiệp định EVFTA phát huy lợi thế trong khi xung đột Nga - Ukraine cùng hàng loạt lệnh trừng phạt của các nước với kinh tế và thương mại của Nga, đã làm tăng nhu cầu của EU về nhập khẩu cá thịt trắng từ Việt Nam.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2022, nhu cầu của các thị trường bùng nổ sau 2 năm kìm nén, sản xuất nội địa không đủ đáp ứng. Đặc biệt bối cảnh địa chính trị thế giới là xung đột Nga - Ukraine dẫn đến hàng loạt lệnh trừng phạt của các nước với kinh tế và thương mại của Nga. Thiếu nguyên liệu cá thịt trắng giữa bối cảnh lạm phát tăng kỷ lục tại EU, đó là cơ hội lớn cho sản phẩm cá tra Việt Nam. Thuế quan ưu đãi EVFTA càng phát huy thêm lợi thế cho cá tra Việt Nam sang EU trong năm 2022.
Theo số liệu từ VASEP, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2022 đạt hơn 2,44 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 206 triệu USD, tăng 93,9%. Thị trường EU đứng ở vị trí thứ 3 trong số các thị trường nhập khẩu đơn lẻ hàng đầu của cá tra Việt Nam, sau Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ.
Dần trở lại “đường đua”
Tính đến hết tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU đạt 60 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tăng 70% so với cùng kỳ 2021 và chiếm 11% tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam. Chỉ tính riêng tháng 4/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 15 triệu USD, giảm 21% so với tháng trước và giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam chứng kiến hầu hết các thị trường trong khối EU giảm nhập khẩu mặt hàng này, mức sụt giảm thấp nhất là 13%, cao nhất là giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Top 3 thị trường chính trong khối giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam là: Hà Lan giảm 22%, Bỉ giảm 13%, Tây Ban Nha giảm 30%. Trong khi đó, thị trường Đức khả quan hơn, vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 78% trong 4 tháng đầu năm nay.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU 4 tháng đầu năm nay có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng so với cùng kỳ những năm trước đó, đây cũng là con số đáng ghi nhận trong nỗ lực từng bước đưa cá tra Việt Nam trở lại đường đua sau hàng chục năm bị “mờ nhạt”.
Tuy nhiên, việc từng thị trường trong khối thị trường EU có những kiểm soát riêng lại là một trong những trở ngại đối với thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU, trong đó có cá tra. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ, để có thể tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan, cũng như áp dụng tốt nhất các quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu cá tra vào thị trường EU.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với VASEP và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam diễn ra vào tháng 4/2023, bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thủy sản Cửu Long An Giang đã có bài phát biểu về một số giải pháp để khơi thông và phát triển thị trường xuất khẩu cá tra.
Thông tin về thị trường EU, bà Loan chia sẻ: “EU từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng cá tra. Nhưng vì nhiều lý do cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá bán, giảm chất lượng, hình ảnh con cá tra Việt Nam bị bôi nhọ làm sụt giảm đáng kể thị phần. Hiện nay, xuất khẩu sang thị trường EU chỉ còn chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam”.
EU vẫn là thị trường có tính định hướng và chi phối trên thế giới. Do vậy, bà Loan kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương quan tâm việc xây dựng thương hiệu và hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường EU.
Trong những năm vừa qua, ngành cá tra Việt Nam đã liên tục chủ động nâng cao kỹ thuật và năng lực kiểm soát chất lượng, chú trọng vấn đề truy xuất nguồn gốc, quản lý tác động môi trường và trách nhiệm xã hội trong suốt toàn bộ chuỗi cung ứng với việc đạt hàng loạt chứng nhận quốc tế về thực hành nuôi tốt. Qua đó, những nhận thức sai về hình ảnh cá tra Việt Nam được xóa bỏ, thương hiệu cá tra Việt Nam dần củng cố vị thế tại thị trường EU nói riêng và các thị trường nước ngoài khó tính khác nói chung.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU còn nhận được trợ lực từ việc thuế GSP 5,5% sẽ giảm về 0% đối với sản phẩm cá tra đông lạnh theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cá tra Việt Nam tăng tốc trên hành trình chinh phục thị trường EU nói riêng, thế giới nói chung.
Hải Đăng