Cuộc họp do ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng, Cục Thủy sản (DOF), Việt Nam và ông Isidro M. Velayo, Jr., Phó Cục trưởng phụ trách kỹ thuật Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản (BFAR) của Philippines đồng chủ trì.
Hội nghị Nhóm công tác chung trong lĩnh vực thủy sản giữa Việt Nam và Philippines là Hội nghị thường niên được tổ chức theo cơ chế luân phiên tại hai nước để triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong lĩnh vực thuỷ sản giữa Việt Nam và Philippines ký ngày 28/6/2010. Hội nghị lần thứ 10 Nhóm công tác chung trong lĩnh vực thủy sản giữa Việt Nam và Philippines (sau đây gọi tắt là Hội nghị) từ ngày 23 -24/11/2023 tại Phú Quốc, Kiên Giang.
Tại Hội nghị lần này, hai bên đã trao đổi về tình hình hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản; Hợp tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); Hợp tác xây dựng Hướng dẫn khu vực về bộ chỉ số thích ứng đối với biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với khai thác và nuôi trồng thuỷ sản và các nội dung liên quan khác.
Giải cứu đại dương thông qua nuôi trồng rong biển
Về Nuôi trồng thủy sản, hai bên đã chia sẻ hiện trạng phát triển nuôi trồng thủy sản tại mỗi nước, đặc biệt là chương trình phát triển nuôi rong biển. Phía Philippines đã chia sẻ Chương trình phát triển rong biển của Tổng cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản (BFAR) bao gồm các vùng sản xuất chính, xu hướng sản xuất rong biển, giá trị xuất khẩu rong biển, các vấn đề và thách thức trong quá trình phát triển rong biển.
Phía Philippines cũng chia sẻ kinh nghiệm về biện pháp cải thiện chất lượng rong biển theo đề nghị của phía Việt Nam và nhấn mạnh phát triển nuôi trồng rong biển hữu cơ nhằm thúc đẩy sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và có khả năng phân hủy sinh học. Phát triển rong biển cũng là nột trong các biện pháp tạo sinh kế cho ngư dân.
Phía Philippines cho biết hiện đang nâng cấp hệ thống đăng ký và chứng nhận rong biển theo Tiêu chuẩn Quốc gia Philippine về Thực hành Nuôi trồng thủy sản tốt thông qua Cục Tiêu chuẩn Nông nghiệp và Thủy sản.
Tại Hội nghị, Việt Nam đã đề nghị phía Philippines hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng rong biển. Phía Philippines đồng ý hỗ trợ kỹ thuật thông qua thỏa thuận song phương và đề nghị tiếp tục trao đổi thông tin về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng rong biển và tổ chức các chuyến tham quan thực địa ở cả hai nước.
Ngoài ra, phía Philippines cũng chia sẻ tiến độ triển khai dự Dự án “Chân trời xanh: Giải cứu đại dương thông qua nuôi trồng rong biển” sử dụng vốn ODA của GEF. Hiện phía Philippines đã triển khai 02 hợp phần tại tỉnh Palawan và bán đảo Zamboanga – 02 địa điểm được chọn của Dự án.
Hợp tác chia sẽ kinh nghiệm trong gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC
Về lĩnh vực chống khai thác IUU, tại Hội nghị, phía Việt Nam đã chia sẻ Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 và Chương trình quốc gia phát triển thủy sản hiệu quả và bền vững giai đoạn 2022 – 2025; Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý khai thác thủy sản bao gồm quản lý đội tàu khai thác, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng, xác nhận, chứng nhận sản lượng thủy sản, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, thực thi pháp luật thủy sản và xử lý vi phạm. Đồng thời, phía Việt Nam đã đề xuất các nội dung hợp tác bao gồm: (i) Gia hạn Bản Thoả thuận về sử dụng đường dây nóng để trao đổi thông tin nhằm giải quyết khai trác IUU và các tình huống nghề cá khác trên biển giữa hai nước để tăng cường phối hợp, giám sát và thông báo cho các Cơ quan Chính phủ liên quan về việc theo dõi hoạt động của tàu cá; (ii) Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về Dự án về Thủy sản và Phục hồi vùng ven biển Philippine (FISHCORE) vừa được Ngân hàng Thế giới phê duyệt: (iii) Ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên của WCPFC; (iv) Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và thực hiện Chương trình Quan sát viên nghề cá trên tàu. Tại Hội nghị, phía Philippines chia sẻ về nỗ lực chống khai thác IUU bao gồm tiến hành các hoạt động theo dõi, kiểm tra và kiểm soát (MCS) thông qua các hoạt động thực địa cả trên biển và trên đất liền, duy trì Hệ thống giám sát tàu thuyền thông qua Hệ thống giám sát môi trường biển tích hợp (IMEMS), thực hiện giám sát các cơ sở và sản phẩm thủy sản để kiểm tra và kiểm soát chất lượng thủy sản. Hơn nữa, các hoạt động kiểm dịch, đăng ký tàu cá và cấp phép được thực hiện thông qua Hệ thống đăng ký tàu thuyền (BoatR) và Hệ thống cấp phép điện tử nghề cá (FeLiS). Một trong những nỗ lực chống khai thác IUU của Philippines là triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDTS), một hệ thống số hóa quy trình ghi chép đánh bắt thủy sản và đơn giản hóa việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và quản lý tốt hơn nghề cá và nguồn lợi thủy sản.
|
Philippines cũng đề cập đến việc thực hiện Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) và các Quy tắc và quy định quản lý việc cập bến và trung chuyển thủy sản và các sản phẩm thủy sản chưa được cập bến trước đây và các dịch vụ cảng khác ở Philippines đối với các hãng tàu mang cờ nước ngoài. Philippines chia sẻ việc thành lập các Khu quản lý nghề cá như là ngư trường chính, tích hợp khuôn khổ dựa trên cơ sở khoa học và cơ chế quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản để chấm dứt khai thác thủy sản quá mức và chống khai thác IUU.
Tại Hội nghị lần này, hai bên thống nhất gia hạn “ Bản Thỏa thuận về sử dụng đường dây nóng để trao đổi thông tin nhằm giải quyết các hoạt động khai thác IUU cũng như các tình huống nghề cá/hàng hải khác”. Phía Philippines cho biết hiện nay Bộ phận Pháp lý của Tổng cục Nghề cá và Nguồn lợi thuỷ sản đang rà soát Bản Thoả thuận và sẽ bổ sung nội dung về sử dụng các nền tảng kỹ thuật số vào Bản Thoả thuận và xác định phương thức liên lạc giữa hai nước tại Bản Thoả thuận.
Ngoài ra, Phía Philippines cũng đã chia sẽ kinh nghiệm trong gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC của Philippines cho Việt Nam. Hai bên đã nhất trí ủng hộ lẫn nhau tham gia vào các tổ chức quốc tế, các tổ chức đa phương trong lĩnh vực thủy sản như: Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC)... Kết thúc hội nghị, Trưởng đoàn của hai nước đã thống nhất và ký vào biên bản chung.
Văn Thọ