Trong những năm gần đây, Australia được đánh giá là thị trường tiềm năng của mặt hàng tôm Việt; quốc gia này đứng thứ 6 trong danh sách thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam (chiếm khoảng 6% tổng kim ngạch tôm xuất khẩu). Mặt hàng tôm Việt thường chiếm trên 70% tổng trị giá nhập khẩu tôm của Australia, đặc biệt, tỷ trọng mặt hàng tôm đông lạnh mã HS 030617 chiếm tới 80% trong tháng 2/2024; các sản phẩm tôm mã HS 160521, 160529 đều chiếm tỷ trọng trên 50%; Thị phần cá tra các loại của Việt Nam cũng chiếm gần 100% tổng trị giá nhập khẩu của Australia.
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Trước đó, vào năm 2018, Australia từng là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ 9 của Việt Nam, nhưng sau 5 năm thực thi CPTPP, Australia đã trở thành thị trường đơn lẻ đứng thứ 5 của thủy sản Việt Nam (sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc). Thị trường mở rộng cửa nhờ thuận lợi hóa thương mại và ưu đãi thuế quan từ CPTPP đã tạo cú huých để xuất khẩu thủy sản sang Australia có bước nhảy vọt.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Australia tăng trưởng liên tục tới mức đỉnh 365 triệu USD năm 2022, sau đó giảm xuống 312 triệu USD năm 2023, trong bối cảnh sụt giảm chung của cả thế giới. 6 tháng đầu năm 2024, nếu tính ở khối CPTPP, Australia là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2, chiếm 3,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tôm, cá tra và một số loài cá biển là các mặt hàng thủy sản chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Trong đó, tôm chiếm 72% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang Australia; cá tra chiếm trên 12%, còn lại các mặt hàng cá chẽm, mực, cá trích, cá mú…
Việt Nam đang là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho Australia, chiếm 19,8% về lượng và chiếm 21% về trị giá trong tổng nhập khẩu thủy sản của Australia trong năm 2023. Do cơ cấu mặt hàng thủy sản của Australia và Việt Nam không tương đồng, nên mặc dù Australia cũng là quốc gia có tiềm năng về thủy sản, nhưng nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn có chỗ đứng tại thị trường này.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Australia dù không phải là thị trường quá lớn, song là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, việc xuất khẩu tôm nói riêng và thuỷ sản nói chung vào Australia sẽ tạo điều kiện để xuất khẩu mạnh sang nhiều thị trường khác ngoài Australia. Cùng với tôm, Hiệp định RCEP có hiệu lực đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực. Đồng thời giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Động lực gia tăng xuất khẩu thuỷ sản sang Australia
Tôm là sản phẩm thuỷ sản được thị trường Australia ưa chuộng. Trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia tăng trưởng liên tục từ 127 triệu USD năm 2019 lên 272 triệu USD năm 2022 với tỷ trọng trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng từ 3,7% năm 2019 lên 6,3% năm 2022.
Tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sản phẩm tôm của Việt Nam xuất sang Australia, chiếm 95%, tôm sú chiếm tỷ trọng nhỏ 0,2%, còn lại là tôm loại khác chiếm 4,8%. Trong tổng các sản phẩm tôm xuất khẩu sang Australia, tôm chế biến giá trị gia tăng (mã HS 16) chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm sang thị trường này. Các sản phẩm tôm chế biến xuất đi thị trường này chủ yếu như há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh… Người Australia ngày càng ưa dùng tôm Việt Nam, từ nhà hàng cho hệ thống siêu thị lớn của Australia cho đến các cửa hàng, siêu thị tiện ích… Thế mạnh của tôm Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường này không chỉ ở chất lượng, khả năng cung ứng, mà còn do trình độ chế biến hàng giá trị gia tăng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Australia cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc - các đối thủ chính của tôm Việt Nam trên thị trường này. Hiện Australia nhập nhiều các sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng trong khi trình độ chế biến của Thái Lan chưa cao bằng Việt Nam. Không giống như những thị trường khác, thị trường Australia chỉ nhập khẩu tôm từ khoảng hơn 10 nước trên thế giới. Australia có xu hướng thu hẹp thị trường và tập trung nhập khẩu từ các thị trường chính. Đây là một trong những lợi thế cho các nước cung cấp tôm hàng đầu cho Australia trong đó có Việt Nam.
Nâng cao thị phần thuỷ sản tại Australia
Tuy có nhiều điểm thuận lợi, song Australia là thị trường có các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ và EU. Do đó, để khai thác hiệu quả thị trường Australia, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng nuôi trồng, hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã số vùng nuôi trồng, chế biến. Cùng đó, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông thủy sản xuất khẩu sang Australia.
Ngoài ra, theo bà Thu, khoảng cách địa lý dẫn đến giá thành logistics cao, thời gian vận chuyển dài cũng là một thách thức với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Bởi vậy, doanh nghiệp phải có sự chủ động trong khai thác, phát triển thị trường, có kế hoạch kinh doanh dài hơi để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Australia.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, để đảm bảo xuất khẩu thủy sản vào quốc gia này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nhiều quy chuẩn, quy định riêng của thị trường Australia. Thủy sản nhập khẩu vào Australia cần phải đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về an toàn sinh học, tuân thủ các quy định về an toàn sinh học trong đạo luật An toàn sinh học 2015.
Đồng thời, mặt hàng thủy sản cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo Luật kiểm soát thực phẩm nhập khẩu năm 1992 và bộ luật tiêu chuẩn thực phẩm của Australia-Newzealand. Trong đó, có các yêu cầu cụ thể về nhãn mác, bao bì, các yêu cầu đối với chất phụ gia và gia vị thực phẩm, các yêu cầu về các chất tồn dư và các chất gây ô nhiễm thực phẩm, các yêu cầu về chế biến và hạn mức sinh học...
Đáng chú ý, nhu cầu các sản phẩm tôm chế biến của thị trường Australia khá cao. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường này cần chú trọng xây dựng thương hiệu, cung cấp các sản phẩm với xuất xứ rõ ràng liên tục đổi mới và có giá trị gia tăng cao.
Ngọc Thúy (moit.gov.vn)