Theo dự báo của các chuyên gia tại Diễn đàn Tôm Toàn cầu (GSF) ở Utrecht, Hà Lan, lượng tôm nhập khẩu năm 2024 tại hai thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ có xu hướng giảm (mặc dù giá đang ở mức thấp), trong khi nhập khẩu vào EU ổn định hơn.
Trong quý 2, lượng nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 228.889 tấn, trị giá 1,14 tỷ USD, giảm 19% về lượng và giảm 32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, và giảm 7% về lượng và trị giá so với quý trước đó. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Ấn Độ tăng 9% trong nửa đầu năm 2024, nhưng nhập khẩu từ Ê-cu-a-đo giảm 9% về lượng với giá cạnh tranh hơn. Dự kiến, nhập khẩu tôm của Trung Quốc năm 2024 giảm 11% so với năm trước, xuống còn 933.083 tấn.
Với Hoa Kỳ, lượng tôm nhập khẩu được dự báo sẽ giảm 3% xuống còn 764.962 tấn, năm giảm thứ 3 liên tiếp sau khi đạt 896.686 tấn vào năm 2021 trong bối cảnh nhu cầu bán lẻ tăng do COVID. Các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ dự kiến thị trường tôm tại nước này tiếp tục khó khăn trong tháng tới, trước khi nhu cầu tăng lên trong mùa lễ hội cuối năm.
Tại châu Âu, giá tôm trung bình cũng ở mức thấp nhất, lượng hàng nhập khẩu đang tăng lên. Dự báo lượng nhập khẩu tôm của châu Âu sẽ tăng 3% lên 330.337 tấn vào năm 2024. Xu hướng chung là lượng nhập khẩu từ châu Á sẽ giảm và chuyển sang Mỹ Latinh, đặc biệt là từ Ê-cu-a-đo và Vê-nê-xu-ê-na.
Giá cá ngừ vằn nguyên liệu tại Ê-cu-a-đo tăng do lệnh cấm đánh bắt. Giá cá ngừ vằn giao tại Man-ta, Ê-cu-a-đo trong tháng 9 đã tăng so với tháng trước. Ngược lại, giá giao hàng đến Bangkok, Thái Lan đã giảm so với tháng trước. Cụ thể, giá CFR cá ngừ vằn nguyên con cỡ 4-7,5lb (1,8-3,4kg) tại Bangkok đã giảm xuống mức 1.250-1.270 USD/tấn trong tuần cuối cùng của tháng 8 và vẫn duy trì ở mức này đến nay.
Trong khi đó, ở Đông Thái Bình Dương, giai đoạn đầu tiên của “veda” - lệnh đóng cửa đánh bắt theo mùa do Ủy ban Cá ngừ Nhiệt đới Liên Mỹ (IATTC) thực thi - đã làm chậm hoạt động đánh bắt trong những tuần gần đây. Lệnh đóng cửa kéo dài 72 ngày, bắt đầu từ ngày 29/7 và sẽ tiếp tục cho đến ngày 8/10/2024, đã làm giảm đáng kể trong việc đánh bắt. Giá nguyên liệu cá ngừ vằn cỡ 4-7,5 lb (1,8 - 3,4kg) giao tại tàu ở Đông Thái Bình Dương đã tăng trong tháng này, ở mức 1.400 USD/tấn. Dự kiến, giá trong khu vực có thể tiếp tục tăng. Giá cá ngừ ở Đông Thái Bình Dương tăng đã bắt đầu thu hút các tàu đánh cá từ Tây Thái Bình Dương, hiện đang giao sản phẩm đánh bắt trực tiếp đến các thị trường ở Pê-ru, Ê-cu-a-đo và Cô-lôm-bi-a, cùng nhiều quốc gia khác ở Mỹ Latinh. Trong khi đó, giá cá ngừ vằn ở châu Âu, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, vẫn ổn định ở mức 1.550 EUR/tấn (1.713 USD/tấn).
Ở Ấn Độ Dương, giá cá ngừ vằn ở mức khoảng 1.450 EUR/tấn, trong khi ở Đại Tây Dương, một số lô hàng cá ngừ vằn được bán với giá 1.325 EUR/tấn.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN CỦA VIỆT NAM SANG NGA TĂNG TRƯỞNG TỐT
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga đạt 24,92 triệu USD, tăng 123,4% so với tháng 8/2023. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 141,85 triệu USD, tăng 107,9% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024 Việt Nam đã xuất khẩu 25,2 nghìn tấn thủy sản sang Nga, trị giá 116,9 triệu USD, tăng 105,3% về lượng và tăng 105% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Nga là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 9 của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024, chiếm 2,2% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của cả nước. Trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu các mặt hàng lớn sang Nga đều tăng trưởng như: cá khô tăng 71,8% về lượng và tăng 66,7% về trị giá; tôm tăng 179% về lượng và tăng 188,1% về trị giá; cá ngừ tăng 150,8% về lượng và tăng 97,6% về trị giá; cá tra, basa tăng 76,1% về lượng và tăng 76,3% về trị giá; cá đông lạnh tăng 91,3% về lượng và tăng 83,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
|
Dự kiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga trong thời gian tới sẽ tăng trưởng tốt bởi xu hướng tiêu dùng thủy sản của Nga đang tăng. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như trong khâu chế biến, lưu thông, nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng nơi đây… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tận dụng tốt lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN- EAEUFTA) để gia tăng xuất khẩu thủy sản tới Nga.
VIỆT NAM HIỆN LÀ NHÀ CUNG CẤP THỦY SẢN LỚN THỨ 3 TẠI HÀN QUỐC
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, 8 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc (gồm các mã HS 03, 1604, 1605) đạt 857,01 nghìn tấn, trị giá 3,52 tỷ USD, giảm 3,3% về lượng và giảm 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu thủy sản từ các thị trường như: Trung Quốc, Nga, Việt Nam, Na-Uy, Pê-ru, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan… Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, chiếm 12,06% về lượng và chiếm 14,4% về trị giá trong tổng nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc 8 tháng đầu năm 2024, tăng 9,9% về lượng, nhưng giảm nhẹ 0,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trung Quốc là thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm 2024, đạt 243,5 nghìn tấn, trị giá 845,5 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần thủy sản Trung Quốc trong tổng lượng thủy sản nhập khẩu của Hàn Quốc đạt 28,41% trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng so với mức 23,96% trong cùng kỳ năm 2023. Nga là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho Hàn Quốc. Xuất khẩu thủy sản của Nga tới Hàn Quốc 8 tháng đầu năm 2024 đã giảm 17,4% về lượng và giảm 20% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2023.
Dự kiến, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc từ Việt Nam những tháng tiếp sẽ đạt kết quả tốt hơn, thị phần thủy sản của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc sẽ gia tăng hơn nữa.
Ngọc Thúy (/moit.gov.vn)