Năm 2023, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được đánh giá xếp loại A, B (tăng so với 85% năm 2022); 85% cơ sở nhỏ lẻ được ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (tăng so với 52,4% năm 2022). Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định về ATTP giảm 10% so với năm 2022. Diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản và số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ, VietGAP hoặc tương đương tăng 10% so với năm 2022. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương tăng 10% so với năm 2022.
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, chất lượng, bền vững. Đồng thời đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và truyền thông quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Chủ động kịp thời xử lý sự cố ATTP, mở rộng thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước và quốc tế.
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường; UBND huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch đúng tiến độ, hiệu quả. Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và các cơ sở được chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ, doanh nghiệp, hợp tác xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản trong nước và xuất khẩu.
Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các đợt cao điểm về ATTP trong năm 2023; tập trung vào việc đảm bảo chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn có liên quan phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nông lâm thủy sản và truy xuất nguồn gốc thực phẩm mất an toàn.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh và các đơn vị có liên quan kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản trong và ngoài nước. Kết nối đưa các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử.
Cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan kiểm soát việc lưu thông trên thị trường đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản.
Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn và Công an các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện các tổ chức, cá nhân buôn, bán các sản phẩm nông lâm thủy sản kém chất lượng, mất ATTP và phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang phối hợp, tuyên truyền về tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng và thiệt hại kinh tế khi sử dụng các sản phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo chất lượng về ATTP. Mặt khác, tuyên truyền, phổ biến về các mức xử phạt hành chính, trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về chất lượng, ATTP. Thông tin kịp thời, đầy đủ kết quả điều tra, truy xuất và xử lý các vụ việc vi phạm được phát hiện về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản.
UBND huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023. Chủ động tổ chức triển khai đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các nội dung của Kế hoạch đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023.
Ngọc Thúy - FICen