Cà Mau: Phấn đấu đưa thủy sản thành ngành kinh tế thương mại hiện đại (17-02-2023)

Lĩnh vực thủy sản tiếp tục là “điểm sáng” trong bức tranh tổng quan của ngành nông nghiệp Cà Mau năm 2022. Theo đó, tỉnh tiếp tục đề ra những mục tiêu mới cho năm 2023, đồng thời cũng đưa ra những nhiệm vụ cần thực hiện với quyết tâm đưa thủy sản bứt phá.
Cà Mau: Phấn đấu đưa thủy sản thành ngành kinh tế thương mại hiện đại
Ảnh: Nuôi tôm quảng canh cải tiến ở Cà Mau (ảnh: Hải Đăng)

Ngành kinh tế mũi nhọn

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau. Nhiều năm qua, Cà Mau đã trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Theo báo cáo tổng kết tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2022 và kế hoạch năm 2023 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh năm 2022 là 622.100 tấn, đạt 98,75% so kế hoạch, tăng 2,16% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt 386.000 tấn với diện tích đạt 304.911 ha. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 236.100 tấn. Năm 2022, Cà Mau có 100% số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (1.565 tàu).

Cà Mau hiện có hơn 250 cơ sở dịch vụ cung cấp giống thủy sản, trên 300 cơ sở bán vật tư, thức ăn thủy sản, thuốc và chế phẩm sinh học; 32 nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản và mạng lưới các đại lý, thu mua sản phẩm thủy sản cung cấp cho các chợ đầu mối, các thị trường lớn trong cả nước, là những điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực NTTS.

Bên cạnh đó, Cà Mau còn có 5 công ty chế biến xuất khẩu thủy sản phối hợp với các Ban quản lý rừng phòng hộ và các đơn vị có liên quan mở rộng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm - rừng tăng thêm 9.089 ha và liên kết sản xuất tiêu thụ với 3 hợp tác xã quy mô 700 ha tôm lúa ở huyện Thới Bình nâng tổng diện tích liên kết là 22.337 ha.

Nổi bật với xuất khẩu

Trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021, Cà Mau luôn là địa phương nổi bật trong xuất khẩu chung của ngành thủy sản cả nước với kim ngạch luôn duy trì trên 1 tỷ USD.

Sang năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn, có thể kể đến như biến động thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh hay xung đột vũ trang trên thế giới, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… Tuy nhiên, ngành thủy sản Cà Mau vẫn vững vàng vượt qua thách thức khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,08 tỷ USD, số liệu từ Sở NN&PTNT Cà Mau.

Như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào kết quả lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 11 tỷ USD.

Mục tiêu và nỗ lực

Năm 2023, Cà Mau đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản cao hơn so với năm 2022, đạt 640.000 tấn, tăng 2,9%/năm (sản lượng tôm đạt 243.000 tấn, tăng 6,6%/năm). Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 235.000 tấn, tăng 2,9%/năm (sản lượng tôm đạt 243.000 tấn); sản lượng NTTS đạt 405.000 tấn, tăng 4,9%/năm (sản lượng tôm 233.000 tấn).

Để đạt được mục tiêu, Cà Mau đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với ngành nông, lâm, thủy sản như: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành, đề xuất ban hành các cơ chế chính sách đặc thù tạo sự phát triển cho ngành. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, sản phẩm hàng hóa.

Ngành thủy sản Cà Mau càng thêm vững niềm tin phát triển, khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề xuất Dự án “Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Cà Mau” (tại Công văn số 879/TTg-QHQT ngày 29/6/2021). Theo đó, hướng mục tiêu theo 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm vào phát triển ngành thủy sản bền vững; tập trung cho hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường thông qua xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng; đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực quản lý và tổ chức sản xuất; phát triển liên kết chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất khai thác, nuôi trồng, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu chủ lực…

Tổng mức đầu tư cho dự án này dự kiến khoảng 23,1 triệu USD (tương đương 536 tỷ đồng), trong đó nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) 19,5 triệu USD (tương đương 452 tỷ đồng) và nguồn đối ứng 84 tỷ đồng. Dự án ưu tiên tập trung vào 2 hợp phần chính, gồm phát triển kết cấu hạ tầng khai thác hải sản và NTTS; nâng cao năng lực quản lý, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản và được triển khai trên vùng thuộc các huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển và Trần Văn Thời giai đoạn 2022 - 2025.

Với hướng đi này, việc hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đạt 1,65 tỷ USD là hoàn toàn trong tầm tay. Từ đó, tự tin tầm nhìn đến năm 2045, đưa thủy sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực; góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội; xây dựng làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác