Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư hiệu quả, an toàn, bền vững (06-08-2019)

Ngày 17 tháng 7 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP nêu các Giải pháp khuyến khích, thúc đẩy Doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.
Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư hiệu quả, an toàn, bền vững
Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 27/8/2018, Hội nghị "Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp" đã đánh giá tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt khá; năng suất, chất lượng và hiệu quả không ngừng nâng cao. Việt Nam đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ (trong đó có 06 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ đô la Mỹ). Trên cơ sở lấy ý kiến của các Thành viên Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về các Giải pháp khuyến khích, thúc đẩy Doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.   

Tại Nghị quyết số 53/NQ-CP, Chính phủ đã nhận định: Đạt được những thành tựu quan trọng nói trên là nhờ Chính sách đúng đắn, hiệu quả của Đảng và Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ. Doanh nghiệp đang là “trụ cột”, là “đầu tàu” trong việc thúc đẩy phát triển Chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng “Sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu Nông sản Việt Nam”.

Hiện nay, nhiều Doanh nghiệp/Tập đoàn lớn đã quan tâm và triển khai Dự án đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, lúa gạo, cà phê... Hệ thống doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn đã hình thành với trên 50.000 Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển - Doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực Nông nghiệp chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước (trong đó số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản chiếm 1%). Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ với quy mô rất nhỏ (quy mô các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 96% số các Doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp). Trình độ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ và các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế còn hạn chế (chỉ có gần 5% số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương). Thị trường tiêu thụ không bền vững. Số doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít...

Để khuyến khích, thúc đẩy Doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu rõ trong Nghị quyết 53/NQ-CP.

Cụ thể là: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; Sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; Cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống nông dân; Xây dựng nông thôn văn minh hiện đại. Đến năm 2030, Nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành Chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Doanh nghiệp Nông nghiệp đóng vai trò “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển Nông nghiệp Việt Nam theo hướng “Sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6-8%/năm; khoảng 80.000-100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Nông nghiệp hiệu quả (trong đó, khoảng 3.000-4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 6.000-8.000 doanh nghiệp quy mô vừa).

Giải pháp thúc đẩy Doanh nghiệp đầu tư hiệu quả, an toàn, bền vững

Để tạo sức hấp dẫn cho Doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đôn đốc các Bộ ngành, địa phương thực hiện Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp, nông thôn. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trên cơ sở lợi thế tự nhiên của địa phương để đưa ra các Chính sách khuyến khích Doanh nghiệp khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên như: đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước và tài nguyên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì rà soát, nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển ngành mang tính bền vững, ổn định và hiệu quả; Ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm chủ lực theo 03 trục sản phẩm chính (Sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia; Sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; Sản phẩm đặc sản địa phương) và nghiên cứu xây dựng đề án phát triển 03 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong số 05 nước hàng đầu thế giới về: rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ sau thu hoạch, khắc phục tổn thất sau thu hoạch, gia tăng giá trị sản phẩm và tạo ra những ưu thế so sánh cho sản phẩm Nông nghiệp Việt Nam.

Về phía Bộ Ngoại giao, chỉ đạo mạng lưới các Cơ quan đại diện ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu nông sản, thu hút đầu tư chất lượng cao và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 53/NQ-CP cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện Chính sách tín dụng cho các Dự án nông nghiệp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh Chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp, đảm bảo ổn định chính sách vĩ mô; triển khai hiệu quả Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về Bảo hiểm nông nghiệp.

Các Bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Công Thương) xây dựng, hoàn thiện chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong Nông nghiệp; khai thác tối đa các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển Nông nghiệp vượt trội, hiệu quả và bền vững.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế hoạt động cho thị trường quyền sử dụng đất, tạo cơ chế đồng bộ để thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp trong Nông nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý An toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh nông sản thực phẩm theo hướng "tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm"; Xử lý nghiêm tổ chức/cá nhân sản xuất thực phẩm vi phạm pháp luật An toàn thực phẩm.

Ủy ban nhân dân các cấp tập trung triển khai thực hiện các chính sách cụ thể của trung ương phù hợp với thực tế tại địa phương để xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Chịu trách nhiệm về bảo đảm An toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; xác định việc bảo đảm An toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo, điều hành; ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm An toàn thực phẩm.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác