Nguồn cung: Năm 2019, sản lượng tôm nuôi nước lợ toàn cầu ước tính tăng 17% so với năm 2018, đạt 4,45 triệu tấn. Gần 85% sản lượng thu hoạch tôm nuôi toàn cầu là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với sản lượng tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Ecuador là nhà sản xuất hàng đầu ở Mỹ Latinh, thu hoạch hơn 600.000 tấn tôm thẻ chân trắng nuôi trong năm 2019, cao hơn 13-15% so với năm 2018.
Thương mại quốc tế: Ước tính có khoảng 3,05 triệu tấn tôm tham gia thương mại quốc tế trong năm 2019. Mặc dù giá thấp hơn so với năm 2018, nhưng mức tăng trưởng nhập khẩu thấp, thậm chí là tăng trưởng âm ở một số thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Được khuyến khích bởi nhu cầu tiêu thụ mạnh của Trung Quốc, sản lượng tôm nuôi và xuất khẩu đã tăng ở châu Á và Mỹ Latinh trong suốt 6 tháng cuối năm 2019. Nhập khẩu tôm của thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi (+180%) so với năm 2018.
Xuất khẩu: Năm 2019, trọng tâm của các nhà xuất khẩu tôm trên toàn thế giới là Trung Quốc, nơi nhập khẩu tăng từ 2 đến 3 con số từ nhiều nguồn. Ấn Độ báo cáo xuất khẩu sang Trung Quốc tăng hơn 300%. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng được báo cáo từ Ecuador (+261%), Thái Lan (+58%), Việt Nam (+177%) và nhiều nguồn khác. Ngoại trừ Argentina và Canada, nhập khẩu vào Trung Quốc tăng từ hầu hết các nguồn.
Nhập khẩu: Năm 2019, ba thị trường nhập khẩu hàng đầu là Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Liên minh Châu Âu: Xu hướng thị trường yếu hơn năm 2018 tiếp tục vào năm 2019; Nhập khẩu tôm ở Liên minh châu Âu giảm 3,9% xuống 807.660 tấn vào năm 2019. Tất cả các thị trường hàng đầu của châu Âu đều đã nhập khẩu ít hơn trong năm 2019, trong đó nhập khẩu giảm ở Tây Ban Nha (-1,2%), Pháp (-3,5%), Hà Lan (-9%), Đan Mạch (-1,8%), Ý (-7,5%), Vương quốc Anh và Bắc Ireland (-2,7%). Các nguồn ngoài EU cung cấp gần 73% tổng lượng tôm nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu, ít hơn 2% so với năm 2018. Trong số 6 nguồn hàng đứng đầu về cung cấp cho thị trường EU, nguồn cung giảm ở hầu hết các nguồn, ngoại trừ Ecuador (+27,3%) và Bangladesh (+3,8%).
Trung Quốc: Với việc nhập khẩu mạnh, Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của các nhà xuất khẩu tôm trên toàn thế giới. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm năm 2019 tăng 179% lên 722.000 tấn. Ngoài ra, ước tính có khoảng 90.000 đến 100.000 tấn tôm có thể vào Trung Quốc từ Việt Nam và Myanmar thông qua thương mại biên giới không báo cáo, dẫn đến tổng lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc ước tính đạt 812.000 tấn. Các nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường Trung Quốc là Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Argentina và Ả Rập Saudi. Nhập khẩu tăng từ tất cả các nước, ngoại trừ từ Argentina. Theo Liên minh Tiếp thị và Chế biến Thủy sản Trung Quốc (the China Aquatic Products Processing and Marketing Alliance - CAPPMA), tiêu thụ tôm bình quân đầu người ở Trung Quốc đạt 2 kg vào năm 2019.
Hoa Kỳ: So với năm 2018, nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ tăng nhẹ (+0,4%) lên khoảng 700.000 tấn trong năm 2019. Nguồn cung tăng từ Ấn Độ (282.840 tấn, + 13,7%), Việt Nam (61.000 tấn, + 3,5%) và Ecuador (83.000 tấn, +9,3%). Nhập khẩu tôm nguyên vỏ và tôm bóc vỏ tăng, nhưng giảm đối với tôm chế biến (-19%). Vào tháng 12 năm 2019, đơn đặt hàng nhập khẩu tăng tại thị trường Hoa Kỳ do nhu cầu tiêu dùng tốt trong suốt năm 2019, giảm hàng tồn kho trong nước và giá nhập khẩu giảm, đặc biệt là từ Ecuador trong tháng 12/2019 và được dự đoán là nhu cầu tốt vào mùa xuân năm 2020. Những nguồn cung này tăng, đã đến thị trường vào tháng 1 và tháng 2 năm 2020 với lượng nhập khẩu lũy kế hai tháng đầu năm đạt 117.000 tấn, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
|
Nhật Bản: Năm 2019, Nhật Bản nhập khẩu 221.650 tấn tôm (+1%), trong đó 30% là các sản phẩm giá trị gia tăng. Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc là những nhà cung cấp chính của loại tôm này. Tôm nguyên liệu tăng trưởng chậm do lượng tôm nước lạnh đến thị trường Nhật Bản nhiều hơn.
Châu Á / Thái Bình Dương và những thị trường khác: Trong số các thị trường khác ở Châu Á / Thái Bình Dương, nhập khẩu tôm tăng ở Hàn Quốc, Đài Loan của Trung Quốc, Malaysia, Singapore và New Zealand nhưng giảm ở Hong Kong vào năm 2019. Nhập khẩu tôm đông lạnh tại Việt Nam giảm mạnh (-94%) vào năm 2019 khi chính quyền Trung Quốc tiếp tục kiểm soát nhập khẩu nghiêm ngặt đối với hàng tái xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc. Xuất khẩu tôm trực tiếp sang Trung Quốc từ các nước sản xuất đã tăng lên đáng kể kể từ năm 2018. Nhập khẩu thấp ở thị trường Úc (-10% ở mức 28.500 tấn) do vụ cháy rừng tàn khốc và nền kinh tế suy yếu. Tại Trung Đông và Bắc Phi (the Middle East and North Africa - MENA), nơi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là thị trường lớn nhất, nhập khẩu đã tăng từ Ả Rập Xê Út, Iran và Ấn Độ.
Giá cả: Giá tôm trên thị trường thương mại quốc tế vẫn yếu trong năm 2019, nhưng đã tăng nhẹ trong những tháng cuối năm, từ tháng 8 đến tháng 12/2019. Mặc dù nhập khẩu mờ nhạt, nhưng Hoa Kỳ đã nổi lên như một nước định giá. Giá suy yếu trở lại trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2020 và tiếp tục ở mức thấp cho đến tháng 4 mặc dù dự báo sản lượng trong nửa đầu năm 2020 thấp.
Dự báo: Đại dịch COVID-19 sẽ làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng tôm toàn cầu vào năm 2020, nhu cầu tôm tươi và tôm đông lạnh trên toàn thế giới cũng giảm đáng kể. Ở châu Á, hoạt động nuôi trồng đầu vụ chậm lại với mật độ nuôi giảm và việc thả giống trì hoãn chậm lại ở hầu hết các nước sản xuất. Tính đến đầu tháng 5 năm 2020, lượng thả nuôi ở bang Andhra – vùng sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn nhất của Ấn Độ, đã giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019. Vụ nuôi trồng thủy sản ở châu Á, thường bắt đầu vào tháng 4, nhưng năm nay đã được đẩy sang tháng 6 / tháng 7. Tại Châu Mỹ Latinh, nguồn cung sẽ thấp cho đến tháng 5 / tháng 6. Tình hình này dẫn đến dự báo chung về sản lượng tôm toàn cầu sẽ giảm 30-50% trong năm 2020.
Tình hình cũng khó khăn trong lĩnh vực chế biến - xuất khẩu. Ngoài tình trạng thiếu nguyên liệu thô từ các nước sản xuất, các quy định giãn cách xã hội và các biện pháp kiểm soát khác được áp dụng để chống lại đại dịch COVID-19 tiếp tục cản trở việc chế biến và vận chuyển các đơn hàng nhập khẩu hiện có. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu tôm trong thương mại quốc tế và cả ở lĩnh vực tiêu thụ nội địa kể từ đầu năm 2020. Trong quý đầu tiên của năm 2020, hầu hết các lễ kỷ niệm và họp mặt công chúng đã bị hủy bỏ ở các nước tiêu thụ tôm trên toàn thế giới. Đặc biệt, các tác động của COVID-19 rất nghiêm trọng trong ngành nhà hàng và khách sạn sau các biện pháp bắt đóng cửa.
Trên thế giới, mặc dù có sự gia tăng đáng kể về doanh số bán hàng tạp hóa, bán lẻ và giao hàng tận nơi do phần lớn dân số có xu hướng ở nhà, nhưng tại hầu hết các thị trường doanh số tiêu thụ giảm vì gần như toàn bộ hoạt động thương mại nhà hàng và dịch vụ ăn uống bị đóng cửa. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian còn lại của năm 2020. Xem xét dự báo về suy thoái toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập khả dụng của người tiêu dùng giảm sau đó, nhu cầu tôm năm 2020 có thể sẽ suy yếu đáng kể cả ở các thị trường phát triển và đang phát triển.
Nhu cầu hiện tại ở các thị trường phía Tây của Bắc Mỹ và Châu Âu chủ yếu được nhìn thấy trong thương mại bán lẻ. Do đó, so với các năm trước, nhu cầu về đóng gói bán lẻ / tiêu dùng đối với các sản phẩm đông lạnh sẽ tăng lên bất kể dạng sản phẩm (tôm sống, bóc vỏ, tôm sơ chế và chế biến khác). Dịch vụ ăn uống ở các nhà hàng khó có thể trở lại như cũ trong thời gian tới, điều này sẽ làm giảm nghiêm trọng nhu cầu nhập khẩu tôm cỡ lớn (U15 - 21/25) trong năm 2020.
Các nhà sản xuất và xuất khẩu tôm nuôi cỡ lớn, tôm thẻ chân trắng và tôm sú sẽ bị ảnh hưởng bất lợi do việc kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng / khách sạn đang đi xuống. Tại Nhật Bản, nhu cầu tôm có khả năng tăng với các sản phẩm tôm giá trị gia tăng (như: tôm tempura tẩm bột, tôm hấp chín và các loại tôm chế biến khác) so với tôm nguyên liệu đông lạnh. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu chính của các sản phẩm này (Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc) đã bị ảnh hưởng bởi việc hủy đơn đặt hàng từ Nhật Bản, Bắc Mỹ, Liên minh châu Âu và Australia trong quý đầu tiên của năm 2020.
Điều thú vị là nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2020, tăng 27,6% (176.255 tấn) so với cùng kỳ năm 2019 với nguồn cung cao hơn từ nguồn hàng đứng đầu là Ecuador (+84% đạt 88.700 tấn). Nhập khẩu cũng tăng từ các nguồn chính khác trong giai đoạn này ngoại trừ từ Ấn Độ và Thái Lan. Mặc dù không dễ để đưa ra bất kỳ dự đoán nào, nhưng đây có thể là cơ hội cho thương mại tôm năm 2020. Các nước xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào các thị trường phương Tây truyền thống cần nghiêm túc xem xét lại sức mua của người tiêu dùng tại các thị trường này, nơi tôm không phải là mặt hàng thiết yếu trong giỏ thực phẩm của người phương Tây. Các nước sản xuất tôm có cơ hội bán hàng trong nước sẽ có thể giảm bớt tác động của thương mại xuất khẩu đang bị thu hẹp ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, do GDP trên toàn thế giới giảm, nhu cầu tiêu dùng đối với tôm sẽ nhạy cảm hơn về giá so với các năm trước, ngay cả khi nguồn cung giảm.
Ngọc Thúy (theo FAO)