Giai đoạn khó khăn đối với cá mú, cá tráp (25-11-2020)

Cuối năm 2019, triển vọng đối với cá mú và cá tráp Địa Trung Hải đang được cải thiện khi nguồn cung có vẻ giảm dần, giá dự kiến ​​sẽ tăng. Tuy nhiên, sự bùng phát COVID-19 và những tác động kinh tế có liên quan đã ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực này, và nhu cầu được dự đoán có thể sẽ suy yếu nghiêm trọng.
Giai đoạn khó khăn đối với cá mú, cá tráp

Sản xuất: Tăng trưởng trong thu hoạch cá mú và cá tráp nuôi ở Địa Trung Hải đã chậm lại đáng kể vào năm 2019 do lượng cá giống thả nuôi giảm mạnh. Nông dân đã thận trọng hơn nhiều trong việc lập kế hoạch sản xuất sau khi nguồn cung đi lên bắt đầu tác động tiêu cực đến thị trường. Các ước tính trong năm đưa ra sản lượng thu hoạch kết hợp của cả hai loài cá mú, cá tráp vào khoảng 450.000 tấn, trong đó cá tráp chiếm hơn một nửa tổng số này. Hai nhà sản xuất lớn nhất, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, đã giảm sản xuất, mặc dù số liệu xuất khẩu cho thấy tăng trưởng vẫn khả quan. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giá thị trường giảm và các điều kiện kinh doanh hạn chế trong một nền kinh tế trì trệ đã làm chậm tốc độ mở rộng so với trước. Sau một quá trình hợp nhất kéo dài, ngành công nghiệp cá mú và cá tráp nuôi ở Hy Lạp đã trải qua sự chuyển đổi đáng kể, dẫn đến một cấu trúc hợp nhất rõ ràng. Người ta hy vọng rằng việc tăng cường hiệu quả sản xuất và các nỗ lực tiếp thị phối hợp sẽ giúp ổn định một khu vực Hy Lạp lâu nay vẫn phải vật lộn với vấn đề lợi nhuận.

Thương mại và thị trường: Mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng đối với cả hai loài trong năm 2019, nhưng giá xuất khẩu giảm khiến doanh thu tăng không đáng kể. Tính theo đồng euro, giá trị xuất khẩu của Hy Lạp tăng 3,7% lên 466 triệu EUR trong khi giá trị của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 9% lên 363 triệu EUR. Tuy nhiên, những con số này không bao gồm sản phẩm cá mú và cá tráp philê, đang chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trên thị trường, đặc biệt là trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số hai loài, cá tráp chiếm phần lớn doanh thu, một phần do giá trị tương đối cao hơn cá mú. Về mặt thị trường, cho đến nay, Ý là nhà nhập khẩu lớn nhất, đạt 343 triệu EUR giá trị nhập khẩu trong năm 2019, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 28% tổng giá trị nhập khẩu. Tây Ban Nha là nhà nhập khẩu lớn thứ hai, với mức tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 13% tổng giá trị nhập khẩu. Năm 2019, giá trị nhập khẩu của Tây Ban Nha đã tăng lên, đạt 160 triệu EUR.

Giá cả: Trước tình hình COVID-19, giá của hai mặt hàng cá mú và cá tráp đều từ từ tăng lên sau khi được thúc đẩy bởi thiệt hại do cơn bão mạnh Gloria ở Tây Ban Nha gây ra. Tuy nhiên, trong quý 2 năm 2020, các động lực về giá đã thay đổi hoàn toàn do doanh số bán hàng giảm mạnh, chi phí dịch vụ hậu cần tăng đột biến và sản lượng nuôi tăng lên tại các trang trại.

Dự báo: Triển vọng có phần sáng sủa hơn đối với ngành cá mú, cá tráp vào cuối năm 2019 nhưng một lần nữa lại xấu đi vào năm 2020. Đầu tiên, cơn bão Gloria ở Tây Địa Trung Hải đã khiến khu vực Tây Ban Nha mất gần 50% lượng cá trong các trại nuôi bị thất thoát ra ngoài. Mặc dù điều này có thể dẫn đến nguồn cung thắt chặt hơn và giá tăng, nhưng tác động thị trường rộng lớn bởi dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhu cầu giảm sút và nhanh chóng đẩy ngành công nghiệp dễ bị tổn thương của Hy Lạp vào lĩnh vực tài chính nguy hiểm. Cá mú và cá tráp là những món ăn phổ biến trong các nhà hàng châu Âu, đặc biệt là ở các nước Địa Trung Hải, và việc thực thi đóng cửa tất cả các nhà hàng và quán bar ở những thị trường này đã lấy đi một nguồn doanh thu rất quan trọng. Việc hạn chế các chuyến bay cũng ảnh hưởng đến nguồn cung cá tươi cho kênh bán lẻ. Trong số các tác động gây hại khác là sự co lại của ngành du lịch châu Âu và chi phí dịch vụ hậu cần xuyên biên giới tăng thêm. Khu vực Hy Lạp đã cảnh báo rằng họ sẽ cần hỗ trợ khi tình hình thị trường trở nên xấu đi. Với khối lượng lớn tích trữ và tình hình phục hồi kinh tế không chắc chắn, khả năng ngành cá mú, cá tráp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác