TP.Hồ Chí Minh tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2017 (03-04-2017)

Nhằm cải thiện an toàn thực phẩm năm 2017 trên địa bàn thành phố và khắc phục các hạn chế nhằm đảm bảo các sản phẩm nông, lâm, thủy sản lưu thông thực sự an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2017 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
TP.Hồ Chí Minh tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2017
Ảnh minh họa

Theo đó, đến hết năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đạt các chỉ tiêu: 80% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 80% người quản lý về an toàn thực phẩm, 60% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm; 100% cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô tập trung áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm như GMP, HACCP, ISO 9001, ISO 22000; 55% cơ sở chế biến nông sản, 85% cơ sở chế biến thủy sản thực phẩm quy mô công nghiệp áp dụng quản lý chất lượng theo HACCP, GMP, GHP đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân và tổng sản lượng sản phẩm tham gia chuỗi đạt trung bình 25% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thực phẩm cùng loại trên thị trường.

Để thực hiện hóa các mục tiêu trên, Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm đưa ra một số giải pháp thực hiện.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị, dụng cụ cho các phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, tổ chức giám sát tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm như đầu tư trang thiết bị kiểm nghiệm tại chợ, lấy mẫu giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, tiến hành triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc, hệ thống cảnh báo các sản phẩm không an toàn.

Về thông tin, truyền thông, tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh trong sản xuất thực phẩm an toàn, và ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn. Ngoài ra, kiểm soát quản lý chặt chẽ việc cấp phép quảng cáo và kiểm tra để đảm bảo đơn vị quảng cáo phải tuân thủ đúng nội dung đã được cấp phép, tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tập trung cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm trong nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông sản thực phẩm thông qua việc tăng cường kiểm soát việc sử dụng phụ gia, chất cấm trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ nguồn nông sản thực phẩm từ các tỉnh chuyển về thành phố. Đồng thời, tham mưu cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh về quy hoạch các vùng nuôi tập trung và triển khai kịp thời, hiệu quả các dự án, đề án, chương trình liên quan đến an toàn thực phẩm. Ngoài ra, sẽ phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, tư vấn và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến như GMP, GHP, HACCP; và tiến hành triển khai xây dựng các phòng xét nghiệm nhanh tại 03 chợ đầu mối. Đồng thời, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, tập trung vào các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao sử dụng phụ gia thực phẩm, chất cấm như rau, thịt, thủy sản,… và xử lý triệt để tận gốc khi phát hiện các sản phẩm không an toàn; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các phòng xét nghiệm để kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất.

Công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất cũng được Ban chỉ đạo tăng cường nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các sai phạm, ngăn chặn các sản phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường; ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, các hóa chất, phụ gia cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát triển “chuỗi thực phẩm an toàn” thông qua các hoạt động như khảo sát, hỗ trợ các cơ sở nông sản, thực phẩm cung cấp sản phẩm cho thành phố có đủ năng lực tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn”; tổ chức thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn” cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất nông sản, thực phẩm đủ điều kiện đúng quy định; tổ chức các hoạt động thông tin truyền thông  nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm chuỗi như phóng sự, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, triển lãm nhằm giới thiệu sản phẩm chuỗi cho người tiêu dùng; yêu cầu và khuyến khích các đơn vị được chứng nhận tham gia chuỗi in logo chuỗi trên bao bì sản phẩm đề người tiêu dùng nhận biết.

Giáng Hương

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác