Phân công kiểm soát ATTP
Theo phân công hiện hành, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chịu trách nhiệm kiểm soát ATTP trong khâu sản xuất (cơ sở sơ chế, chế biến), cơ quan thẩm quyền tại các Bang chịu trách nhiệm kiểm soát ATTP trong khâu phân phối (cơ sở bán buôn, bán lẻ).
Hiện tại, FDA đã ủy quyền cho Cơ quan quốc gia về khí quyển và đại dương thuộc Bộ Thương mại (NOAA) thực hiện kiểm tra, chứng nhận thủy sản xuất nhập khẩu. Hiện nay NOAA đang triển khai Chương trình thanh tra thủy sản. Đây là Chương trình không mang tính bắt buộc, cơ sở sản xuất thủy sản có thể đăng ký tham gia tự nguyện (trả phí) để được các chuyên gia của NOAA tư vấn triển khai áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo HACCP và giám sát định kỳ điều kiện bảo đảm ATTP của các cơ sở chế biến thủy sản, bao gồm cả các cơ sở nuôi thủy sản hoặc cơ sở cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến này (tần suất tối thiểu 4 lần/năm tùy thuộc vào mức rủi ro của sản phẩm và lịch sử tuân thủ của cơ sở sản xuất).
Quy định chung về ATTP
- Tại Hoa Kỳ, Luật ban hành để đảm bảo sự an toàn của nguồn cung cấp thực phẩm và thiết lập mức độ bảo vệ của quốc gia, thể hiện rõ sự phân chia quyền lực, dựa trên cơ sở khoa học và mang cách tiếp cận dựa trên rủi ro phòng ngừa.
- Một số luật và các quy định quan trọng liên quan đến ATTP thủy sản bao gồm: “bộ Luật liên bang CFR”, " Luật Liên bang về thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm", “Luật sửa đổi về An toàn thực phẩm” và gần đây là Đạo luật Nông trại (Farm Bill) ban hành năm 2014:
+ Bộ Luật liên bang CFR, mục 21 (Thuốc và thực phẩm): quy định cụ thể về kiểm soát ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của FDA.
+ Luật Liên bang Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm (Federal Food, Drug, and Cosmetic Act- FFDCA): được quốc hội thông qua từ năm 1938, theo đó trao quyền cho FDA thực hiện giám sát ATTP, thuốc và mỹ phẩm. Luật đưa ra các định nghĩa về thực phẩm, thuốc, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, thực phẩm biến đổi gen,…Luật cũng quy định các hành vi bị cấm và các hình thức xử phạt có liên quan.
+ Luật sửa đổi về An toàn thực phẩm (FDA Food Safety Modernization Act): tập trung vào các quy định về tăng cường năng lực để ngăn ngừa các vấn đề về ATTP, tăng cường năng lực để phát hiện và phản ứng đối với các vấn đề về ATTP, nâng cao chất lượng của thực phẩm nhập khẩu.
+ Đạo luật Nông trại (Farm Bill) năm 2014: Theo đạo luật này, chương trình kiểm tra cá da trơn sẽ được chuyển từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Theo qui định của USDA thì các nước xuất khẩu cá da trơn (như Việt Nam) vào Hoa Kỳ sẽ phải đáp ứng yêu cầu phải về chương trình giám sát ATTP trong quá trình nuôi cũng như việc sản xuất và kiểm tra, chứng nhận lô hàng trước khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Chương trình/biện pháp giám sát tại công đoạn nuôi
Hệ thống chương trình giám sát được xây dựng và tổ chức triển khai hàng năm, giám sát tồn dư và vi sinh vật gây bệnh. Chỉ tiêu chỉ định phân tích căn cứ vào đánh giá rủi ro tùy theo loại sản phẩm và điều kiện thực tế sản xuất.
Biện pháp kiểm soát đối với thủy sản nuôi nhập khẩu vào Hoa Kỳ
Như vậy, với thủy sản nuôi của các nước (như Việt Nam,…) xuất khẩu vào Hoa Kỳ cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Đối với cá da trơn: Phải có chương trình giám sát ATTP trong quá trình nuôi; quá trình sản xuất phải bảo đảm ATTP; lô hàng xuất khẩu phải được kiểm tra, chứng nhận đạt yêu cầu trước khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ; các lô hàng này cũng sẽ được kiểm tra theo quy định hiện hành khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
- Đối với sản phẩm thủy sản khác: Lô hàng xuất khẩu được kiểm tra, chứng nhận theo quy định hiện hành khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Quy định hiện hành của Hoa Kỳ (FDA) về kiểm tra lô hàng nhập khẩu cụ thể như sau: Từ năm 1974 đến nay, FDA áp dụng chính sách giữ hàng tự động (Automatic detention) đối với các thực phẩm nhập khẩu, cụ thể: Thay vì kiểm tra từng lô hàng khi nhập cảng, FDA sẽ dựa theo hồ sơ thông tin lưu trữ “sổ đen” để tự động giữ hàng của một công ty, một sản phẩm nào đó của quốc gia đã từng bị cảnh báo trước đó để kiểm tra. Với biện pháp này, FDA chuyển trách nhiệm chứng minh sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn cho các nhà sản xuất nước ngoài.
Cơ cấu tổ chức/ phân công, phân cấp
- Các cơ quan hoạch định chính sách nói chung và chính sách về ATTP nói riêng của EU bao gồm: Hội đồng Bộ trưởng của EU (là cơ quan lãnh đạo tối cao của Liên minh châu Âu); Nghị viện Châu Âu; Uỷ ban Châu Âu.
- Cơ quan thẩm quyền chịu trách nhiệm thực thi chính sách để bảo đảm ATTP cho Cộng đồng là Tổng vụ sức khỏe và tiêu dùng (DG-SANCO) trực thuộc Ủy ban Châu Âu (European Commission).
Việc xây dựng và thực thi chính sách tại cấp quốc gia:
- Các nước thành viên đảm bảo việc thực hiện luật pháp về ATTP, kiểm tra sự tuân thủ của các cơ sở sản xuất kinh doanh đối với các qui định được của luật pháp về ATTP ở tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.
- Các nước thành viên duy trì một hệ thống kiểm soát chính thức và các biện pháp phù hợp khác, bao gồm cả việc chia sẻ thông tin về mức độ an toàn của các loại hàng hoá thực phẩm, các biện pháp giám sát an toàn hàng hoá thực phẩm và các biện pháp kiểm soát khác.
- Các nước thành viên quy định các biện pháp và hình phạt áp dụng trong trường hợp vi phạm pháp luật về thực phẩm.
- Các nước thành viên sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp cần thiết nào nhằm đảm bảo rằng sản phẩm thực phẩm được vận chuyển tới một quốc gia thành viên khác có mức độ kiểm soát tương tự như đối với các sản phẩm được đưa ra thị trường trong phạm vi lãnh thổ của mình.
Quy định chung về ATTP
Hệ thống văn bản về ATTP của EU gồm:
- Qui định (Regulation): là những đạo luật chung về tất cả các vấn đề. Qui định được gửi đến tất cả mọi nơi (Chỉ thị chỉ gửi đến các quốc gia thành viên; Quyết định chỉ gửi đến những nơi nhận cụ thể). Qui định được áp dụng trực tiếp ở tất cả các quốc gia thành viên giống như luật pháp của quốc gia và không có sự can thiệp của các nhà chức trách quốc gia.
- Chỉ thị (Directive): đề ra các qui tắc và mục tiêu mà các quốc gia thành viên của EU phải đưa vào trong hệ thống luật pháp của quốc gia (chuyển thành luật quốc gia).
- Quyết định (Decision): là các đạo luật ràng buộc hoàn toàn về mặt luật pháp về các nội dung liên quan.
(Tất cả các văn bản kể trên đều công bố trên Công báo của EU - Official Journal of the European Union)
Hiện nay bộ văn bản pháp lý mới của EU về ATTP (còn gọi là những công cụ của pháp lý mới) bao gồm 6 Qui định (các Qui định EC số 178/2002; 852/2004; 853/2002; 854/2004; 882/2004 và 183/2005) và 2 Chỉ thị (2002/99/EC và 2004/41/EC). Đây là các văn bản quy định đối với toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm, từ sản phẩm sơ chế (động vật và thực vật) đến người tiêu dùng, và bao gồm cả sản xuất, cung cấp thực phẩm, vận chuyển và phân phối; có nghĩa là ‘từ trang trại đến cái dĩa’ (‘from Farm to Fork approach’= từ trang trại, tàu cá đến bàn ăn).
Cụ thể:
- Qui định EC số 178/2002 (Luật chung về ATTP): Gồm 3 nội dung chính: 1/ Các nguyên tắc và yêu cầu chung của hệ thống pháp luật thực phẩm; 2/ Thành lập Cơ quan thẩm quyền Châu Âu về An toàn Thực phẩm, và 3/ Qui định những thủ tục liên quan đến ATTP.
- Qui định EC số 852/2004: Chủ yếu đưa ra những qui định chung về vệ sinh dành cho các nhà kinh doanh thực phẩm tại mọi công đoạn của chuỗi sản xuất thực phẩm.
- Qui định EC số 853/2004: Đưa ra các yêu cầu về vệ sinh phải tuân thủ đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật ở tất cả các công đoạn của chuỗi sản xuất thực phẩm, bổ sung cho các Qui định 178/2002 và Qui định 852/2004.
- Qui định EC số 854/2004: Qui định cụ thể tổ chức kiểm tra chính thức các sản phẩm có nguồn gốc động vật dùng làm thực phẩm cho người.
- Qui định EC số 882/2004: Qui định về kiểm tra chính thức nhằm xác nhận sự tuân thủ với luật thức ăn chăn nuôi và thực phẩm, các qui định về sức khỏe động vật và an sinh động vật.
- Chỉ thị 2002/99/EC: Qui định liên quan tới sức khỏe động vật (bao gồm thủy sản) có chi phối đến hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối và giới thiệu các sản phẩm có nguồn gốc động vật dùng làm thực phẩm cho người.
- Qui định EC số 2076/2005: Quy định này chuyển tiếp việc thực hiện các Qui định 853/2004, 854/2004 và 882/2004 và sửa đổi các Qui định 853/2004 và 854/2004.
- Qui định (EC) số 2073/2005: Quy định về chỉ tiêu vi sinh đối với thực phẩm và đã được bổ sung, sửa đổi bằng các quy định sau: Quy định (EC) số 1441/2007, Quy định (EC) số 365/2010, Quy định (EU) số 1086/2011, Quy định (EU) số 209/2013.
- Chỉ thị số 2000/13/EC: Qui định chi tiết về nhãn mác hàng thực phẩm cung cấp đến người tiêu dùng cuối cùng, cũng như cả với những hàng thực phẩm cung cấp với số lượng lớn.
Chương trình/biện pháp giám sát tại công đoạn nuôi
Chương trình Giám sát dư lượng:
Các nước EU phải giám sát dư lượng các chất độc hại trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Các quy định về thiết lập và thực hiện kế hoạch giám sát dư lượng như sau:
-Chỉ thị96/23/EC-cơ sở lý luậncho việc thiết lậpkế hoạch giám sátdư lượng, tần suấtlấy mẫu và phạm vicủa các chấtđược kiểm nghiệm (hiện nay chỉ thị này được sửa đổi và bổ sung bằng Quy định (EU) số 37/2010, và (EU) số 489/2013).
Chương trình kiểm soát ATVS vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ:
Chương trình này được yêu cầu thiết lập theo quy định tại Phần VII, Quy định 853/2004.
- Các quy định về phân loại vùng thu hoạch và các biện pháp triển khai thực hiện Chương trình được nêu cụ thể tại Quy định (EC) số 853/2004 và 854/2004.
- Bên cạnh Qui định 853/2004 và 854/2004, có một số văn bản quy định khác như sau:
+ Quyết định số 2002/226/EC ngày 15/3/3002 về “kiểm tra an toàn vệ sinh đặc biệt đối với hoạt động thu hoạch và chế biến một số nhuyễn thể hai mảnh vỏ có mức độ độc gây mất trí nhớ (ASP) vượt quá giới hạn đã qui định tại Chỉ thị của Hội đồng Châu Âu 91/492/EEC”.
+ Quyết định số 2006/766/EC ngày 6/11/2006 về “danh sách các nước thứ ba và vùng lãnh thổ được phép xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ, động vật da gai, động vật có túi bao, động vật chân bụng ở biển và các sản phẩm thủy sản”, trong đó có Việt Nam.
4. Biện pháp kiểm soát đối với thủy sản nuôi nhập khẩu
Yêu cầu đối với thực phẩm nhập khẩu từ nước thứ 3 (bao gồm thủy sản nuôi nhập khẩu):
- Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu phải được EU công nhận tương đương, bao gồm:
+ Hệ thống văn bản pháp lý phải tương đương (bao gồm cả các quy định, văn bản hướng dẫn về các chương trình giám sát; kiểm tra công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản,…);
+ Năng lực kiểm tra, kiểm soát ATTP phải tương đương (trong đó bao gồm cả việc triển khai thực hiện các chương trình giám sát dư lượng, chương trình kiểm soát an toàn vệ sinh trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ).
- Doanh nghiệp chế biến lô hàng xuất khẩu vào EU phải có tên trong danh sách doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào EU
- Lô hàng phải kèm theo chứng thư do Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp theo đúng mẫu do EU quy định.
Kiểm tra thực phẩm nhập khẩu không có nguồn gốc từ động vật:
- Kiểm tra hồ sơ tài liệu và kiểm tra cảm quan nếu cần thiết.
- Tần suất kiểm tra lô hàng nhập khẩu phụ thuộc vào:
+ Rủi ro liên quan đến loại thực phẩm;
+ Lịch sử tuân thủ của nước thứ ba và cơ sở xuất xứ; lịch sử tuân thủ của cơ sở nhập khẩu;
+ Hoạt động kiểm soát mà cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu đã thực hiện;
+ Các cam kết/bảo đảm mà cơ quan chức năng của nước xuất xứ đã đưa ra.
- Chỉ tiêu phân tích: Tùy thuộc vào bản chất và mức độ rủi ro của sản phẩm mà Cơ quan thẩm quyền EU quyết định chỉ tiêu và tần suất kiểm tra đối với các lô hàng từ nước thứ 3 xuất khẩu vào EU.
Mô hình tổ chức/phân công, phân cấp
- Cơ quan hoạch định chính sách về ATTP: Là Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản được giao trách nhiệm quản lý ATTP toàn bộ quá trình sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu (thông qua kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu và cấp giấy chứng nhận ATTP đối với các sản phẩm xuất khẩu căn cứ theo thỏa thuận song phương), lưu thông, tiêu dùng,
- Cơ quan thực thi chính sách về ATTP:
+ Cấp khu vực: có 7 Cơ quan Y tế và Phúc lợi vùng (Regional Bureau of Health and Welfare) chịu trách nhiệm quản lý ATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm gồm: tư vấn, đánh giá cơ sở; thanh tra cơ sở; phê duyệt, gia hạn, thu hồi phê duyệt cơ sở. Ngoài ra, Cơ quan Y tế và Phúc lợi còn thanh tra và phê duyệt phòng kiểm nghiệm có thẩm quyền để thực hiện các thử nghiệm kiểm tra riêng của cơ sở.
+ Cấp địa phương: các Cơ quan địa phương (Prefectural and municipal Goverments) chịu trách nhiệm: Thanh tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, cấp giấy phép kinh doanh, thu hồi giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, tại Nhật Bản còn có 549 Trung tâm Y tế cộng đồng (Public Health Centers) dưới sự giám sát của Cơ quan địa phương có trách nhiệm thanh tra, hướng dẫn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thực hiện theo các quy định ATTP.
Hệ thống văn bản quy định
- Quản lý ATTP tại Nhật Bản được dựa trên Luật An toàn thực phẩm cơ bản, Luật Vệ sinh thực phẩm,Luật về Tiêu chuẩn và Ghi nhãn đúng Sản phẩm Nông nghiệp và lâm nghiệp (Luật JAS) và các luật khác có liên quan.
- Danh mục dư lượng hóa chất nông nghiệp trong thực phẩm: Ngày 29/05/2006, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Ban hành Danh mục dư lượng hóa chất nông nghiệp trong thực phẩm. Danh mục quy định mức giới hạn tối đa cho phép (MRL) của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và phụ gia thức ăn cho động vật (gồm 758 chất) trong thực phẩm. Đối với các hoá chất nông nghiệp chưa quy định MRL trong thực phẩm (loại thực phẩm cụ thể) sẽ áp dụng mức giới hạn mặc định (uniform limit) là 0,01ppm.
- Danh mục phụ gia thực phẩm: Từ năm 1947, sau khi ban hành Luật Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế lao động và Phúc lợi đã ban hành Danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng. Danh mục thường xuyên được diều chỉnh và cập nhật dựa trên đánh giá nguy cơ của Ủy ban An toàn thực phẩm. Hiện nay trong Danh mục có 436 chất phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Chương trình/biện pháp giám sát tại công đoạn nuôi
Hiện tại, Nhật Bản mới chỉ có Chương trình giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh và vi sinh vật mới chỉ được triển khai thực hiện tại khâu lưu thông, chưa thực hiện tại khâu sản xuất ban đầu (như công đoạn nuôi,...).
Biện pháp kiểm soát thủy sản nuôi nhập khẩu
- Kiểm tra giám sát (Mornitoring inspection):
Việc kiểm tra giám sát được thực hiện tại các trạm kiểm dịch của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đối với thực phẩm và các hàng hóa chưa biết chắc là có tuân thủ Luật vệ sinh thực phẩm hay không. Hàng năm, hệ thống kiểm tra giám sát nêu rõ loại hàng hóa phải kiểm tra giám sát dựa trên số lượng nhập khẩu hàng năm và thông tin thu thập được về những vi phạm trong quá khứ đối với mỗi loại hàng hóa (tỷ lệ lô hàng lấy mẫu giám sát là khoảng 5%).
Mục đích của hệ thống kiểm tra giám sát là nhằm thu thập dữ liệu thông tin về tình trạng vệ sinh của những thực phẩm khác nhau được đưa vào Nhật Bản. Trong khi các giám sát viên vệ sinh thực phẩm của Bộ thực hiện việc kiểm tra mẫu, thủ tục nhập khẩu vẫn có thể tiếp tục thực hiện mà không cần đợi kết quả kiểm tra.
Kiểm tra giám sát sẽ tăng lên khi phát hiện có 01 lô vi phạm, khi đó 50% lô hàng sẽ bị lấy mẫu kiểm tra chỉ tiêu vi phạm. Khi không vi phạm nào bị phát hiện trong vòng một năm, kiểm tra tăng sẽ trở lại thành kiểm tra thông thường.
- Kiểm tra 100% theo lệnh kiểm tra(Inspection Order):
Khi việc kiểm tra hồ sơ và thông tin về tình trạng vệ sinh tại nước xuất khẩu, bản chất của thực phẩm và các hàng hóa có liên quan, hoặc hồ sơ về sự không phù hợp của hàng hóa tương tự trong quá khứ cho thấy thực phẩm có nguy cơ vi phạm Luật Vệ sinh Thực phẩm cao (ví dụ: khi kiểm tra giám tăng cường 50% mà vẫn phát hiện vi phạm) thì Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sẽ ban hành Lệnh kiểm tra 100% cho đến khi chứng minh được thực phẩm đó đảm bảo an toàn vệ sinh theo qui định.
- Lệnh cấm nhập khẩu toàn diện:Khi thực phẩm nhập khẩu được sản xuất ở quốc gia hay khu vực cụ thể, hoặc bởi nhà kinh doanh cụ thể, nếu số lượng thực phẩm nhập khẩu vi phạm luật lớn hơn xấp xỉ 5% tổng số lượng hàng được kiểm tra, và nếu có nhiều khả năng việc nhập khẩu các thực phẩm vi phạm vẫn sẽ tiếp diễn do những nguyên nhân đã được đưa ra, ví dụ như tình trạng kiểm soát vệ sinh thực phẩm ở nước xuất khẩu, Bộ Y tế sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu loại sản phẩm này.
- Các biện pháp khẩn cấp dựa trên thông tin về các vấn đề liên quan từ nước ngoài:Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi sẽ thu thập thông tin về các vấn đề vệ sinh thực phẩm từ nước ngoài. Khi nhận thấy thực phẩm có vấn đề có thể nhập khẩu vào Nhật Bản, Bộ sẽ kiểm tra tình trạng nhập khẩu vào Nhật của các thực phẩm này. Nếu những thực phẩm như vậy đang hay thực tế đã nhập khẩu vào Nhật, Bộ sẽ yêu cầu các trạm kiểm dịch và/ hoặc các quận có liên quan điều tra quá trình phân phối và tình trạng tồn kho của loại thực phẩm này; yêu cầu nhà nhập khẩu thu hồi khi cần thiết và hướng dẫn các trạm kiểm dịch tăng cường kiểm tra những các loại thực phẩm này.
Như vậy, chế độ kiểm soát thủy sản nhập khẩu của Nhật Bản dựa theo việc kiểm tra lô hàng nhập khẩu theo tỷ lệ nhất định. Các lô hàng tôm nuôi của Việt Nam hiện nay xuất khẩu vào Nhật Bản phải chịu sự kiểm tra 100% đối với các chỉ tiêu: Chloramphenicol, Furazolidone, Enrofloxacin, Oxytetracycline. Đối với các sản phẩm thủy sản nuôi khác xuất khẩu vào Nhật Bản chỉ phải kiểm tra theo chế độ lấy mẫu giám sát (khoảng 5%) như ở trên.
Phân công kiểm soát ATTP
Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS)thuộc Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga là đơn vị tổ chức thực hiện việc kiểm tra ATTP, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu và lưu thông trong nước.
Các đơn vị thực hiện việc kiểm tra, kiểm dịch thủy sản xuất nhập khẩu là các Trung tâm kiểm dịch động thực vật tại các vùng trên cả nước.
Một số văn bản quy định chủ yếu:
- Quyết định số 317 của Ủy ban Liên minh hải quan ngày 18/6/2010: Quy định các yêu cầu về vệ sinh vàthú y.
- Quyết định số 299 của Ủy ban Liên minh hải quan ngày 28/5/2010: Quy định các yêu cầu vệ sinh.
- SanPiN 2.3.4.050-96: Quy định về việc sản xuất và bán sản phẩm thủy sản.
- Quyết định số 881 ngày 09/9/2011 của Ủy ban các nước thuộc Liên minh Hải quan về ghi nhãn thực phẩm.
- SanPiN 2.3.2.1078-01: Quy định các yêu cầu vệ sinh đối với an toàn và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm; quy định và tiêu chuẩn vệ sinh-dịch tễ.
- Quyết định số 834 ngày 18/11/2011 của Hội đồng Liên minh hải quan: Quy định về trình tự thống nhất tiến hành kiểm tra chung các đối tượng và lấy mẫu hàng hóa (sản phẩm) thuộc diện kiểm tra (giám sát) thú y”.
- Nghị định số 1009 ngày 14/12/2009: Quy định về giám sát chất lượng và ATTP.
- Nghị định số 36 ngày 14/11/2001 về các quy định vệ sinh, mức giới hạn của các vi sinh vật và các chất ô nhiễm.
Chương trình/biện pháp giám sát tại công đoạn nuôi
Hiện tại, Liêng bang Nga không triển khai các chương trình giám sát ATTP đối với thủy sản nuôi (chỉ có chương trình giám sát đối với thủy sản khai thác về các chỉ tiêu ATTP như: TVB-N, Histamine, thuốc trừ sâu, kim loại nặng, benzo(a)pyrene, phóng xạ và dioxin).
Biện pháp kiểm soát đối với thủy sản nuôi nhập khẩu vào Liêng bang Nga
Hiện tại, thủy sản xuất khẩu vào Liên bang Nga phải được sản xuất từ các cơ sở được VPSS kiểm tra, công nhận (bao gồm điều kiện bảo đảm ATTP, vệ sinh-thú y của cơ sở chế biến và cả cơ sở nuôi – nếu nguyên liệu là thủy sản nuôi); đồng thời, các lô hàng khi nhập khẩu vào Nga phải được kiểm tra đáp ứng yêu cầu của Liên bang Nga. Thủy sản nuôi của Việt Nam xuất khẩu vào liên bang Nga cũng phải đáp ứng các quy định chung như trên, các quy định này được cụ thể hóa tại Quyết định số 1393/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/5/2009 của Bộ NN & PTNT
Nguyễn Nam