Ninh Bình không có trường hợp vi phạm quy định của EC (07-10-2024)

Là một trong 28 tỉnh, thành có biển, Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp bà con ngư dân và chủ tàu cá hiểu, tuân thủ quy định để cùng cả nước quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ninh Bình không có trường hợp vi phạm quy định của EC
Ảnh minh họa

Tỉnh Ninh Bình hiện có 65 tàu cá. Trong đó, 8 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đăng ký hoạt động vùng khơi. 23 tàu cá có chiều dài từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động vùng lộng, 34 tàu cá có chiều dài từ 6 mét đến dưới 12 mét chủ yếu hoạt động tại các bãi ngang, các lạch vùng ven bờ. Xác định chung tay gỡ “thẻ vàng” EC là nhiệm vụ chính trị, cấp bách, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra và tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tuân thủ các quy định khai thác hải sản.

Cùng với đó, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng tăng cường hướng dẫn các chủ tàu tuân thủ nghiêm các quy định, khắc phục những thiếu sót trên. Với các tàu cá nằm bờ dài ngày, yêu cầu chủ tàu di dời ngư cụ, trang thiết bị khai thác lên bờ để sửa chữa. Khi đủ điều kiện mới được phép tham gia hoạt động. Đợt thanh tra lần thứ 5 của EC (dự kiến vào tháng 10 này) là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024. Bám sát yêu cầu nhiệm vụ về phòng, chống khai thác IUU, với ý thức trách nhiệm cao, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng.

Đến thời điểm này, các tàu cá của tỉnh Ninh Bình chưa ghi nhận trường hợp nào vi phạm các quy định của Ủy ban châu Âu (EC). Ninh Bình đang cùng cả nước quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU; góp phần phát triển nghề cá bền vững, minh bạch, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Chung tay gỡ “thẻ vàng” EC

Tỉnh Ninh Bình có chiều dài bờ biển gần 20 km. Đến ngày 30/7/2024 toàn tỉnh có 65 tàu cá đã được đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản. Trong đó, 8 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên đăng ký hoạt động vùng khơi. Tuy nhiên chỉ có 6 tàu đang hoạt động; 23 tàu có chiều dài từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động vùng lộng, 34 tàu có chiều dài từ 6 mét đến dưới 12 mét chủ yếu hoạt động tại các bãi ngang ven bờ. Bám sát yêu cầu nhiệm vụ về phòng, chống khai thác IUU, với ý thức trách nhiệm cao nhất, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh xác định tập trung nguồn lực, chung tay quyết tâm gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ chính trị, cấp bách.

Theo Nghị quyết 04/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, với những tàu trên 15 mét đang đánh bắt xa bờ, các lỗi vi phạm nghiêm trọng được xác định là mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển từ 6 giờ trở lên; Vượt ranh giới trên biển và tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Hiện tại, tỉnh Ninh Bình có 2 tàu cá chiều dài trên 24 mét neo đậu tại Cảng Lạch Bạng tỉnh Thanh Hóa, 4 tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét đăng ký neo đậu tại cảng Ninh Cơ tỉnh Nam Định.

Chi cục Thủy sản tỉnh đã tăng cường áp dụng công nghệ, cử cán bộ trực, thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động di chuyển của các tàu cá này, đặc biệt là cảnh báo sớm cho các chủ tàu về đường phân định giữa vùng biển Việt Nam và nước ngoài, tránh xảy ra tình trạng vi phạm ranh giới. Các tàu cá hoạt động trong vùng biển tỉnh Ninh Bình chủ yếu là các tàu cỡ nhỏ, số lượng thuyền viên ít, các chuyến đi biển đa phần là về trong ngày. Những lỗi vi phạm thường gặp là số đăng ký tàu cá bị mờ hoặc không có, thuyền viên làm việc trên tàu không mang theo giấy tờ tùy thân, mua bán tàu không sang tên đổi chủ, sử dụng các dụng cụ kích điện, chất nổ để đánh bắt thủy sản... Vì vậy, các lực lượng chuyên môn, chính quyền các địa phương đã phối hợp chặt chẽ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, cấp phát tài liệu, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định.

Những năm qua, ngành thủy sản tỉnh Ninh Bình luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Nhiều sản phẩm có giá trị cao, đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Năm 2024, ngành phấn đấu đạt tổng sản lượng 70.800 tấn. Giá trị sản xuất trên 2.300 tỷ đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của cộng đồng ngư dân, Ninh Bình đang cùng cả nước quyết tâm gỡ “thẻ vàng”, góp phần đưa ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế.

Ngọc Thúy (nbtv.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác