Tiền Giang: Không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (20-05-2024)

Để cùng cả nước gỡ "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC), tỉnh Tiền Giang nỗ lực trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nhờ vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Tiền Giang: Không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Ảnh minh họa

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang, tổng số tàu cá của tỉnh là 1.274 chiếc/405.310 kW, với 9.136 thuyền viên hoạt động trực tiếp trên tàu. Loại nghề khai thác phát triển mạnh nhất là nghề lưới kéo và lưới vây kết hợp ánh sáng; tổng sản lượng khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 28.239 tấn.

Tiền Giang có 02 Cảng cá loại II có đủ hệ thống xác nhận nguyên liệu, đáp ứng 100% so với nhu cầu thực tế: Cảng cá Mỹ Tho, diện tích 20.109,3m2, có thể tiếp nhận hàng thủy, hải sản qua cảng khoảng 45.000 tấn/năm; Cảng cá Vàm Láng, diện tích 40.000m2, có thể tiếp nhận hàng thủy, hải sản qua cảng khoảng 40.000 tấn/năm. Ngoài ra, có 01 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh.

Cũng theo số liệu thống kê, tính đến nay, tổng số tàu cá đăng ký là 1.274/1.274 chiếc, đạt tỷ lệ 100%; số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn là 1.070 giấy/1.274 tàu, đạt tỷ lệ 84,0%; tổng số tàu cá từ 12 mét trở lên đăng kiểm còn hạn là 843 lượt/1.232 tàu, đạt tỷ lệ 68,4%, tất cả tàu cá được đăng kiểm đều thực hiện việc đánh dấu tàu cá đúng theo quy định.

Toàn tỉnh số tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá là 937/937 chiếc, đạt tỷ lệ 100%. Số tàu còn lại chưa lắp đặt VMS là 67 tàu do bị chìm, cháy, mục nát nhưng chưa xóa đăng ký do thế chấp ngân hàng; tàu chuyển tỉnh chưa sang tên và tàu đang neo đậu tại bến nhà, đậu bờ, chờ bán, sửa chữa, ngưng hoạt động. Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi và tuyên truyền, vận động ngư dân phải lắp đặt thiết bị VMS trước khi đưa tàu vào hoạt động.

Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá tại cảng cá đã được tổ chức triển khai theo quy định: tàu cá trước khi cập cảng phải thông báo trước khi cập cảng; ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; tổ chức ghi chép, lập hồ sơ kiểm tra tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác bốc dỡ qua cảng. Cụ thể, trong  4 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý cảng cá thực hiện giám sát tàu cập, rời cảng 994 lượt (994 lượt cập cảng, 994 lượt rời cảng). Văn phòng  đại diện, thanh tra, kiểm soát nghề cá đã kiểm tra và lập 429 biên bản. Đồng thời, đã lập 25 biên bản làm việc với chủ tàu cá và đại diện chủ tàu cá để xác định nguyên nhân mất kết nối giám sát hành trình trên biển chuyển Biên phòng xác minh, xử lý 23 biên bản đối với các trường hợp tàu cá vi phạm theo quy định.

Cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện 536 lượt tàu cá xuất cảng và cập cảng trên hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT); trong đó, có 340 lượt tàu cá xuất cảng, 196 lượt tàu cá cập cảng. Công tác xác nhận, chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản 2017, đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC; thực hiện 02 cuộc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; kiểm tra 44 lượt tàu cá; xử phạt vi phạm hành chính 04 cá nhân vi phạm về thiết bị giám sát hành trình với tổng số tiền 100 triệu đồng. Qua công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các tàu cá cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định.

Công tác tập huấn, truyền thông về IUU được đẩy mạnh, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức 02 cuộc tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU cho gần 250 ngư dân là chủ các tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp, tàu thu mua thủy sản trên địa bàn, phát 600 tài liệu tuyên truyền, tặng gần 1.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình 24 bản tin; tuyên truyền trên loa di động tại 02 cảng cá được 39 cuôc/45 giờ; tuyên truyền trực tiếp các văn bản về chống khai thác IUU cho 1.538 lượt phương tiện/11.275 lượt thuyền viên, cấp phát 2.727 tờ rơi,..  Nhờ vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Tiền Giang không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, góp phần cùng cả nước gỡ “Thẻ vàng” của EC.

Xác định tầm quan trọng của việc chống khai thác IUU, do đó, trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung triển khai tốt các giải pháp để cùng cả nước gỡ "Thẻ vàng" của EC, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, của UBND tỉnh,….; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương. Tăng cường công tác truyền thông tuyên truyền, phổ biến cho tất cả các đối tượng là tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản: chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, các nậu, vựa thu mua, chế biến thủy sản,… nắm rõ phạm vi vùng biển Việt Nam, kể cả các vùng biển chồng lấn chưa phân định được.

Thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; xác minh, xử phạt 100% các trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS theo quy định, vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định; tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản. Củng cố, truy tố xét xử hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nuớc ngoài (nếu có); tăng cường hoạt động của lực lượng Kiểm ngư trong việc tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu nguy cơ cao, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm IUU.

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại địa phương; thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, địa phương về nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; các chính sách hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao cuộc sống và chuyển đổi nghề khai thác để cải thiện sinh kế và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác