Nam Định: từ năm 2020 đến nay không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ (19-07-2021)

Thời gian qua, việc triển khai các giải pháp cấp bách về khắc phục “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), đã được tỉnh Nam Định đặc biệt chú trọng. Do vậy, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương vào cuộc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đến nay trên địa bàn tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
Nam Định: từ năm 2020 đến nay không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, để triển khai công tác chống khai thác IUU hiệu quả, năm 2018 thực hiện Quy chế phối hợp số 18/QCPH-TCTS-BTLBP ngày 18/9/2018 giữa Tổng cục Thủy sản với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và PTNT, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 1152/KHPH-BCHBP-SNN ngày 28/11/2018 với mục đích tăng cường công tác quản lý hoạt động nghề cá, công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, khai thác IUU; phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, quản lý, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển của tỉnh; thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và quản lý các hoạt động nghề cá trên vùng biển của tỉnh, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển của Tổ quốc.

 Theo đó, để triển khai Kế hoạch phối hợp đã ký kết, các đơn vị thường xuyên trao đổi, thông báo tình hình, phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến các lĩnh vực như: Phát hiện, xử lý tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam; tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; tàu cá Việt Nam bị nước ngoài kiểm soát, xua đuổi, bắt giữ, xử lý; công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp phép khai thác thủy sản; số liệu cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho các phương tiện nghề cá; quy định về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển.

 Năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện ven biển xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, với mục đích phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu cá, đơn vị cung cấp thiết bị VMS triển khai lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá theo quy định.

Ngoài ra, thường xuyên chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các quy định của pháp luật liên quan đến khai thác IUU bằng hình thức tổ chức các lớp tập huấn, in và phát hàng nghìn tờ rơi, bản đồ ranh giới các vùng biển Việt Nam, vận động các chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm ranh giới các vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.

 Tổ chức quán triệt nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ngăn chặn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đến các ngành, các cấp chính quyền cơ sở, như: Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ; Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU; Công điện số 1275/CĐ-TTg ngày 19/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện một số giải pháp cấp bách, trọng tâm chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn thanh tra EC; Công văn số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác chống khai thác IUU, trong đó quy định trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện nếu để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài trên địa bàn huyện quản lý,…

Ngư trường hoạt động khai thác hải sản của tàu cá tỉnh Nam Định chủ yếu là vùng biển Vịnh Bắc bộ đã được phân định bằng Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ Việt Nam - Trung Quốc, đa số ngư dân đã nắm được và chấp hành tốt quy định vùng biển được phép khai thác hải sản, chỉ hoạt động ở vùng biển phía Tây của đường phân định. Từ năm 2020 đến nay, không có trường hợp tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm ranh giới vùng biển bị nước ngoài bị bắt giữ.

Cũng theo báo cáo, tính đến ngày 08/6/2021, trên địa bàn tỉnh Nam Định, tổng số tàu cá đã lắp thiết bị VMS là 456/533 chiếc, đạt tỷ lệ 85,5%, còn lại 77 tàu cá chưa lắp đặt chủ yếu đang nằm bờ sửa chữa. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc giám sát quá trình lắp đặt, kẹp chì, kiểm tra tín hiệu thiết bị VMS theo quy định; các cán bộ đầu mối thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin với đại diện đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị VMS để kịp thời nắm bắt thông tin khi tàu cá thay đổi thông tin thiết bị gặp sự cố, bảo trì sửa chữa, duy trì thuê bao cước phí vệ tinh.

Công tác khai thác, vận hành hệ thống giám sát tàu cá, xử lý mất kết nối được Chi cục Thủy sản tổ chức thường trực hệ thống giám sát tàu cá, thông báo chủ tàu cá, yêu cầu thuyền trưởng bật tín hiệu thiết bị VMS trở lại đối với tàu cá mất tín hiệu, yêu cầu thuyền trưởng đưa tàu cá quay trở lại vùng biển được phép khai thác đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kết quả từ năm 2020 đến nay, như sau: Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét bị mất tín hiệu thiết bị VMS từ 10 ngày trở lên là 553 lượt; Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên bị mất tín hiệu thiết bị VMS dưới 10 ngày là 190 lượt, từ 10 ngày trở lên là 10 lượt.

Việc xử lý vi phạm ranh giới vùng biển nước ngoài được hệ thống giám sát tàu cá thường xuyên cảnh báo những tàu cá vi phạm ranh giới vùng biển nước ngoài, trong đó có một số tàu cá của tỉnh Nam Định. Khi có vụ việc xảy ra, Chi cục Thủy sản thông báo bằng điện thoại nhắc nhở chủ tàu cá và yêu cầu thuyền trưởng cho tàu cá quay trở lại vùng biển được phép khai thác, các chủ tàu, thuyền trưởng đa số chấp hành tốt quy định này. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp cố tình vi phạm và một số trường hợp do thả trôi lưới đã vượt quá vùng biển cho phép khai thác.

Đối với việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời cảng, cập cảng cá, Ban quản lý Cảng cá Nam Định thực hiện công tác kiểm soát đối với tất cả các tàu cá rời cảng và cập cảng cá Ninh Cơ, giám sát sản lượng và thu Sổ nhật ký khai thác, Báo cáo khai thác theo quy định và bố trí lực lượng thực hiện công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác khi chủ tàu cá có nhu cầu. Trong 06 tháng đầu năm 2021 đã kiểm soát được 52 lượt tàu cá rời cảng, 40 lượt tàu cá cập cảng, sản lượng giám sát là 62,7 tấn, thu 52 Sổ nhật ký khai thác.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản đều được xây dựng kế hoạch theo hàng năm, trong đó có công tác thanh tra chuyên ngành thủy sản; lực lượng chính thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển là Thanh tra Sở, phương tiện gồm: 01 tàu Kiểm ngư, 01 xuồng máy. Ngoài ra, còn có sự phối hợp của các lực lượng khác như: Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng.

 Mặt khác, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Hải đội 2, các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực biên giới biển. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản: năm 2020 xử lý 74 vụ, phạt vi phạm hành chính là 517 triệu đồng, từ đầu năm 2021 đến nay xử lý 46 vụ, phạt vi phạm hành chính là 369 triệu đồng.

Nhìn chung, việc thực hiện chống khai thác IUU được các sở ngành và địa phương phối hợp triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Công tác theo dõi, kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển góp phần hạn chế tàu cá trong và ngoài tỉnh vi phạm khai thác IUU.

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU, thời gian tới tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quy định chống khai thác IUU, như hướng dẫn, phổ biến các văn bản pháp luật, các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND tỉnh Nam Định về chống khai thác IUU. Đặc biệt, không để tàu thuyền và ngư dân đi khai thác vùng biển nước ngoài, nếu cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm để góp phần hiệu quả trong công cuộc chống khai thác IUU năm 2021.

Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình hoạt động trên các vùng biển, tình hình vi phạm khai thác IUU của tàu cá và ngư dân, tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; chỉ đạo điều tra, xử lý, lập danh sách tàu cá khai thác IUU, đặc biệt là tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tăng cường điều tra, nắm bắt tình hình tại các địa bàn trọng điểm về khai thác IUU; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài trái pháp luật; theo dõi tình hình khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác có nguồn gốc từ khai thác IUU.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác