Sóc Trăng: Từ năm 2015 đến nay không xảy ra tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài (10-11-2020)

Thông qua các khuyến nghị của EC đưa ra là hoàn thiện khung pháp lý, theo dõi hệ thống giám sát, thực thi pháp luật, thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và để góp phần vào việc loại bỏ khai thác IUU, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không xảy ra trường hợp tàu cá của tỉnh khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Sóc Trăng: Từ năm 2015 đến nay không xảy ra tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài

Tỉnh Sóc Trăng với chiều dài 72 km đường bờ biển, là vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn có tiềm năng và lợi thế giúp phát triển nghề khai thác hải sản của tỉnh. Thông qua 02 cửa sông lớn Trần Đề và Định An, là nơi thu hút nhiều tàu thuyền khai thác hải sản cập cảng. Cảng cá Trần Đề đã được công nhận là cảng cá loại I, hàng năm Cảng cá Trần Đề tiếp nhận hơn 7.000 lượt tàu cập, rời cảng để chuyển tải thủy sản; đồng thời, tiếp thêm nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho đội tàu khai thác của tỉnh và các tỉnh khác có hoạt động khai thác thủy sản trên Biển Đông.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 1.212 tàu cá, với tổng công suất trên 204.000CV, trong đó, có 366 tàu có chiều dài hơn 15m hoạt động ngoài khơi, sản lượng khai thác 67.200 tấn (năm 2019), mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn. Đồng thời, mỗi năm tại Cảng cá Trần Đề tiếp nhận 90 nghìn tấn – 100 nghìn tấn thủy, hải sản, hàng hóa qua cảng.

Trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện xử lý, ngăn chặn tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp gửi thông báo đến từng chủ tàu về các quy định của IUU. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh giao ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp các ban ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản đến ngư dân khai thác trên biển, phát các tờ rơi, áp phích, kể cả gặp gỡ trực tiếp các chủ tàu để tuyên truyền, hướng dẫn ghi sổ nhật ký khai thác. Ngoài tuyên truyền cho các tàu cá về chống khai thác IUU, ngành nông nghiệp còn thường xuyên tổ chức các cuộc thanh kiểm tra các loại giấy tờ, trang bị, thiết bị trước khi ra khơi của các tàu cá ra.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị chức năng đã triển khai cho 369 chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên ký lại cam kết khai thác hải sản không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không có tàu cá khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, lũy kế từ năm 2015 đến nay tỉnh Sóc Trăng không xảy ra tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân  tỉnh Sóc Trăng tính đến nay, đã có 303 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên lắp thiết bị giám sát hành trình (đạt 82,78%), các đơn vị chức năng của tỉnh đang tiếp tục yêu cầu chủ tàu cá lắp đặt máy giám sát hành trình theo đúng lộ trình đã được quy định.

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 27 cuộc tuần tra trên biển, kiểm tra 378 phương tiện, nhắc nhở 46 trường họp vi phạm (thiếu trang thiết bị cứu sinh, không mang theo bản chính hoặc bản sao giấy tờ tùy thân, không trình Trạm kiểm soát IUU); qua đó, phát hiện 27 trường họp vi phạm, tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 85.050.000 đồng (trong đó, 02 trường hợp xử phạt theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về hành vi không nộp nhật ký khai thác, không đánh dấu tàu cá).

Ngoài ra, Tổ kiểm tra IUU đã thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá ra, vào cảng. Từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng tàu cá được kiểm tra, kiểm soát là 2.083 lượt tàu cập, rời bến. Lũy kế từ năm 2018 đến nay là 5.614 lượt đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên cập cảng và rời cảng.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành cấp 117 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác với tổng khối lượng 9.538 tấn; thực hiện chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu với 280 giấy và tổng khối lượng là 4.418 tấn cho 11 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Việc thực hiện chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu được gắn với công tác kiểm tra, giám sát hành trình chuyến biến của tàu cá trên dữ liệu xác nhận nguyên liệu của cảng cá thông qua hệ thống máy giám sát hành trình trên tàu cá.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm công tác cấp phép khai thác thủy sản cho các tàu cá theo đúng quy định và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu tàu cá về đăng ký, đăng kiểm và cấp phép tàu cá của tỉnh; các dữ liệu này được kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia nghề cá.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác