Các địa phương: Tăng cường chỉ đạo, thực hiện chống khai thác IUU (03-07-2018)

Ngày 27/6/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn số 4903/BNN-TCTS gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển nhằm chỉ đạo các địa phương tăng cường chỉ đạo, thực hiện chống khai thác IUU. 
Các địa phương: Tăng cường chỉ đạo, thực hiện chống khai thác IUU
Ảnh minh họa

Trong các ngày từ 16-24/5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (EC) đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện 09 khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); Đã tiến hành kiểm tra, làm việc với các cơ quan liên quan của Việt Nam (như: Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng IV, Chi cục Thú y vùng VI); Kiểm tra thực địa và làm việc kỹ thuật với các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật nghề cá tại 02 tỉnh Kiên Giang, Bình Định và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Đoàn Thanh tra đã ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cơ quan Trung ương trong việc chống khai thác IUU, đặc biệt là việc hoàn thiện Luật Thủy sản 2017; trong Luật đã nội hóa các quy định của quốc tế, các khuyến nghị của EC và sự phối hợp chặt chẽ với EC trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản 2017.

Tuy nhiên, hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam tại các địa phương chưa được cải thiện đáng kể, triển khai trên thực tế còn yếu. công tác chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn sai sót; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp; mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa tạo được sự răn đe, chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế.

Theo đoàn công tác, tháng 01/2019, Đoàn tiếp tục sang kiểm tra, đánh giá và xem xét cụ thể việc khắc phục "thẻ vàng" của Việt Nam.

Chính vì vậy, các địa phương (nhất là các tỉnh, thành phố ven biển) cần thực hiện nghiêm công tác tuyên truyền, giáo dục, đảm bảo ngư dân, cán bộ, các tổ chức/cá nhân có liên quan hoạt động trong lĩnh vực thủy sản phải có được thông tin đầy đủ về việc cảnh báo "thẻ vàng" của EC, phải nắm được những nội dung cơ bản của quy định về khai thác IUU (nhất là đối với cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu hải sản khai thác).

Tập trung nguồn lực và áp dụng các biện pháp cụ thể, cấp bách để quản lý, kiểm soát đội tàu của địa phương: Tăng cường kiểm soát tàu cá xuất bến và tàu cá tại cảng; Thực hiện tốt cơ chế phối hợp và xử lý giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển (khi phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài); Xử lý quyết liệt (như: rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình).

Thu hồi tất cả thiết bị Movimar đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24m; Lắp đặt các thiết bị đã được thu hồi cho các tàu cá có chiều dài 24m trở lên. Trường hợp, còn thừa thiết bị thì bàn giao cho Cục Kiểm ngư để điều chuyển cho các tỉnh có tàu chiều dài 24m trở lên nhưng chưa được lắp thiết bị.

Đối với các chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu cá đã được lắp thiết bị Movimar: Yêu cầu mỏ máy 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển. Thực hiện xử lý nghiêm những tàu cá không mở máy theo quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tổ chức nâng cấp thiết bị VX-1700 lắp đặt trên tàu và trạm bờ nhằm đảm bảo báo cáo tự động từ tàu về bờ.

Để nỗ lực khắc phục "thẻ vàng", Việt Nam phải nghiêm túc khắc phục các tồn tại, thiếu sót, bất cập; Thực hiện các khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC trong đợt kiểm tra và đánh giá tháng 5 vừa qua. Các địa phương ven biển tập trung khẩn trương, triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tạo sự chuyển biến thực sự của toàn hệ thống quản lý khai thác thủy sản, nhất là trên thực tiễn.

 Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác