An Giang: Khuyến khích nuôi trồng thủy sản gắn với các hoạt động giáo dục, du lịch, tham quan (01-03-2023)

Đó là 1 trong 6 mục tiêu mà tỉnh An Giang đặt ra cho ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) đến năm 2030. Theo đó, An Giang cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể để “song hành” với những mục tiêu này.
An Giang: Khuyến khích nuôi trồng thủy sản gắn với các hoạt động giáo dục, du lịch, tham quan
Trại sản xuất giống tôm càng xanh (ảnh: Hải Đăng)

Tốc độ tăng trưởng cao

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long có diện tích tự nhiên 3.536,7 km2, với 2 con sông lớn chảy qua là sông Tiền (87 km chiều dài) và sông Hậu (100 km chiều dài), hình thành nên nhiều hệ thống sông nhánh tự nhiên với chiều dài từ vài km đến 30 km, tạo điều kiện thuận lợi cho NTTS

Những năm qua, ngành thủy sản An Giang luôn có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao, khoảng 8 - 9 %/năm và tỷ trọng giá trị tăng thêm của thủy sản trong khu vực I khoảng 12 - 15%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm đạt hơn 280 triệu USD, trong đó chủ yếu là xuất khẩu cá tra. Cụ thể quy mô ngành NTTS tỉnh An Giang, như sau:

Tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang khoảng 2.344 ha, 4.354 cái lồng bè với khoảng 5.990 hộ nuôi ao hầm, 1.261 hộ nuôi lồng bè vèo, 1.793 hộ nuôi các đối tượng khác, hàng năm sản lượng thu hoạch đạt trên 500.000 tấn/năm.

Ước tổng sản lượng thu hoạch các loại thủy sản của An Giang năm 2022 đạt 542.000 tấn, tăng 6,35% (tương đương 32.600 tấn) so với năm 2021. Trong đó, sản lượng cá tra đạt gần 439.000 tấn, tăng 30.000 tấn; sản lượng cá lóc đạt 31.700 tấn, tăng 1.400 tấn; sản lượng giống cá tra đạt hơn 2 tỷ con, tăng 10,3% (tương đương 183 triệu con).

Đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND về “Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 tỉnh An Giang”, tập trung tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, là điều kiện để người dân, doanh nghiệp yên tâm sinh sống và sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, An Giang phấn đấu tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,2 - 3,5%.

Mục tiêu đến năm 2030

Ngành NTTS An Giang đã đặt ra 6 mục tiêu phát triển đến năm 2023. Cụ thể

(1) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt trên 5% năm.

(2) Phát triển diện tích nuôi thủy sản 3.500 ha, trong đó diện tích nuôi cá tra xuất khẩu là 1.550 ha, diện tích nuôi tôm càng xanh là 1.500 ha, tổng thể tích nuôi cá lồng, bè là 1.057.000 m3, trong đó thể tích nuôi cá rô phi, điêu hồng là 350.000 m3. Tổng sản lượng thủy sản nuôi đạt 621.180 tấn/năm, trong đó sản lượng sản cá tra là 482.755 tấn/năm, sản lượng tôm càng xanh là 1.500 tấn/năm, cá rô phi, điêu hồng là 34.000 tấn/năm.

(3) Các vùng nuôi đối tượng chủ lực đều được đăng ký mã số nuôi trồng và 80% được chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng (GAP, ASC, BAP...).

(4) Phát triển vùng nuôi thủy sản sinh thái, nuôi hữu cơ, nuôi lồng bè, nuôi kết hợp. Phát triển NTTS mục đích làm cảnh, giải trí ở các thành phố, khu đô thị, khu du lịch. Khuyến khích phát triển NTTS gắn với các hoạt động giáo dục, du lịch, tham quan.

(5) Phát triển NTTS thông qua hệ thống hồ trữ nước (hồ tự nhiên, hồ nhân tạo), ở vùng xâm nhập mặn mới hình thành do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích phát triển nuôi 1.000 ha.

(6) Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống thủy lợi đáp ứng được trên 50% nhu cầu ở các vùng NTTS tập trung.

Đồng thời, An Giang cũng đưa ra 5 nội dung phát triển gồm: Phát triển cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống NTTS chất lượng cao đối với các đối tượng nuôi chủ lực, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế.

Phát triển sản xuất NTTS áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, để nâng cao năng suất, thân thiện môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Khuyến khích đầu tư phát triển NTTS ở các khu vực đất nông nghiệp canh tác không hiệu quả, bị xâm nhập mặn, các khu vực có mặt nước lớn (hồ tự nhiên, hồ nhân tạo...) với các loài thủy sản nuôi phù hợp, hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập cho lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Phát triển các hình thức sản xuất NTTS theo liên kết chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và các công nghệ mới trong quản lý, tổ chức sản xuất thủy sản.

Phát triển nuôi thủy sản sạch, nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, nuôi lồng bè, nuôi làm cảnh theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu thụ nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Để hoàn thành được những mục tiêu và nội dung đã đề ra, tỉnh An Giang cũng đã đưa ra 8 giải pháp “song hành”, gồm:

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ảnh: Hải Đăng)

Một là, tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án theo Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/3/2018.

Hai là, phát triển hệ thống cơ sở sản giống tôm càng xanh, các loài giống thủy sản có giá trị kinh tế.

Ba là, phát triển NTTS ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ ương, nuôi bể nổi, công nghệ Biofloc, Semi-Biofloc, công nghệ tuần hoàn, nhà kín...) đối tượng chủ lực, kinh tế của tỉnh: Cá tra, tôm càng xanh, cá lóc, cá thác lác cườm, cá rô phi (điêu hồng), lươn, cá ét, cá cóc, cá heo đuôi đỏ, cá chạch lấu, cá bông lau... Góp phần tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất - nước, giảm xả thải ô nhiễm môi trường, giảm sử dụng hóa chất, kháng sinh trong NTTS, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế.

Bốn là, phát triển các vùng nuôi đối tượng chủ lực (cá tra, tôm càng xanh) theo liên kết chuỗi có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng nuôi, gắn với thị trường tiêu thụ. Đảm bảo các vùng nuôi đối tượng chủ lực đều được đăng ký mã số nuôi trồng, chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng (GAP, ASC, BAP...).

Năm là, phát triển các vùng nuôi thủy sản sinh thái, nuôi hữu cơ, nuôi lồng bè, nuôi kết hợp thân thiện môi trường, sản xuất sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Sáu là, phát triển NTTS mục đích làm cảnh, giải trí ở thành phố, khu đô thị, khu du lịch. Khuyến khích phát triển NTTS gắn với các hoạt động giáo dục, tham quan, du lịch.

Bảy là, phát triển NTTS kết hợp canh tác nông nghiệp tại hệ thống hồ chứa (hồ tự nhiên, hồ nhân tạo...), ở các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các vùng này không còn lợi thế để duy trì sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.

Tám là, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong bảo quản nguồn gen, nhân giống thủy sản, nhằm bảo tồn và phát triển các giống loài thủy sản bản địa, đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế cao của tỉnh và tiến tới phát triển nuôi thương phẩm.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác