Siết chặt quản lý, đảm bảo cung ứng thị trường tôm giống chất lượng (21-01-2021)

Ngày 22/01, tại thành phố Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp”. Hội nghị tập trung thảo các vấn đề liên quan hệ thống văn bản quản lý giống tôm nước lợ, công tác nghiên cứu chọn tạo giống, công tác thanh tra trong quản lý, kiểm soát chất lượng con giống và những nội dung, giải pháp thực hiện các mục tiêu, kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2021.
Siết chặt quản lý, đảm bảo cung ứng thị trường tôm giống chất lượng

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản 28 tỉnh/thành phố ven biển, Các Viện, trường nghiên cứu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất giống tôm nước lợ, người dân cùng các phóng viên báo chí đến đưa tin về Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến và ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong các tháng đầu năm 2020, việc triển khai sản xuất tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 kèm theo tình hình xâm nhập mặn tại tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đến sản lượng tôm nước lợ bị ảnh hưởng, đặc biệt ở khu vực nuôi tôm sú quảng canh. Đến các tháng cuối năm 2020, tình hình sản xuất tôm nước lợ đã có sự phục hồi khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế, việc xuất khẩu mặt hàng tôm nước lợ được khôi phục giúp cho chuỗi sản xuất tôm nước lợ tăng trưởng khá. Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nói chung và mặt hàng tôm nước lợ nói riêng thúc đẩy xuất khẩu, tổng sản lượng vượt kế hoạch năm 2020 đã đề ra. Sản lượng tôm nuôi đạt trên 900 nghìn tấn. Trong đó tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tăng 1%; tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn, tăng 8,5%. trong đó xuất khẩu tôm 3,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành hàng xuất khẩu.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm nuôi tôm của cả nước. Năm 2020, diện tích đạt xấp xỉ 681 nghìn ha (chiếm 92% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước), trong đó tôm sú trên 597 nghìn ha (chiếm 95%); tôm thẻ trên 83,3 nghìn (chiếm 74,4%); sản lượng 783 nghìn tấn (chiếm 86,9% sản lượng nuôi tôm nước lợ của cả nước), trong đó tôm sú 271.291 tấn/287.434 tấn (chiếm 94,3%); tôm thẻ chân trắng 511.379 tấn/612.566 tấn (chiếm 83,4%).

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cho rằng một trong những mắt xích quan trọng, đầu tiên góp phần vào sự thành công của ngành tôm đó là con giống. Trong sản xuất nông nghiệp (trong đó có thủy sản) cách đây hơn 10 năm người ta cho rằng “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì ngày nay con giống được đưa lên tầm quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, đối với nuôi tôm nước lợ chỉ cần chọn được con giống tốt thì coi vụ tôm đó đã thành công 50%, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Năm 2020, cả nước có 2.224 cơ sở sản xuất tôm giống, sản xuất được 130 tỷ con tôm giống (trong đó tôm sú là: 32 tỷ con; tôm TCT: 98 tỷ con) bằng 100% kế hoạch. Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ gồm Ninh Thuận và Bình Thuận, hàng năm các cơ sở tại khu vực này cung cấp khoảng 56% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước, số còn lại được sản xuất các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh.

Một vài năm gần đây có sự dịch chuyển sản xuất tôm giống vào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng. Tuy nhiên, phần lớn cơ sở vẫn sản xuất tại các tỉnh Nam Trung Bộ, vận chuyển Nauplius hoặc Postlava cỡ nhỏ để ương thành tôm giống cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân tại khu vực giúp giảm giá thành sản xuất, thích nghi với môi trường, sức khoẻ tôm giống tốt hơn.

Mặc dù, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phát triển sản xuất tôm giống góp phần vào thành công của ngành tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng và khâu sản xuất, vận chuyển tôm giống hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình nuôi tôm nước lợ, đó là kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn rất hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc, không chủ động được nguồn giống. Vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung Bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở không đảm bảo điều kiện, cung cấp con giống ra thị trường guy cơ lây lan dịch bệnh.

Trong số các địa phương đã tham gia ký quy chế phối hợp, thì công tác chia sẻ thông tin giữa các địa phương khác chưa được tốt. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý chung về nuôi trồng thủy sản nhưng không nắm được số lượng giống kiểm dịch là bao nhiêu, nguồn gốc từ đâu, gây khó khăn lớn cho quá trình quản lý…

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, để kiểm soát chất lượng tôm giống, các cấp các ngành, Tổng cục Thủy sản cần phối hợp với địa phương tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giống tôm bố mẹ; hoàn thiện hệ thống cập nhật dữ liệu cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản để các địa phương cập nhật và khai thác dữ liệu; chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống tôm trước khi xuất bán ngoại tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đánh giá cao tỉnh Ninh Thuận là một trong những địa phương đi đầu trong việc tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng tôm giống, cung cấp ra thị trường tôm giống chất lượng. Điều đáng nói, thời gian qua tỉnh Ninh Thuận đã chủ động phối hợp với các tỉnh tiêu thụ tôm giống như: tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Long An, Tp.Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, nhằm kiểm soát chất lượng tôm giống, kịp thời thông tin cung cấp, xử lý thông tin các trường hợp tôm nhập không rõ nguồn gốc, tôm bị bệnh truyền nhiễm. Qua đó, đã từng bước chấn chỉnh các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống của tỉnh từng bước đi vào nề nếp hoạt động, tuân thủ các quy định của nhà nước trong sản xuất, kinh doanh tôm giống.

Theo kế hoạch đặt ra trong năm 2021, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước phấn đấu đạt 740 nghìn ha (tôm sú 625 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng 115 nghìn ha), sản lượng 930 nghìn tấn (tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 650 nghìn tấn), nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con nhu cầu tôm bố mẹ khoảng 250 nghìn con. Vì vậy để thực hiện thành công kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2021, cần tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đối với quản lý và sản xuất giống tôm nước lợ.

Để đạt kế hoạch mục tiên đề ra trong năm 2021, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Tổng cục Thủy sản cùng với các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách sau:

Tập trung nghiên cứu, gia hóa và chọn tạo tôm sú bố mẹ tăng trưởng nhanh, có khả năng kháng một số bệnh thường gặp để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất giống phục vụ vùng nuôi hữu cơ, sinh thái (đến năm 2030 cần 150.000-200.000 con tôm sú bố mẹ).

Nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất giống phục vụ cho các vùng nuôi tôm thâm canh (đến năm 2030 cần 600.000-700.000 con tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ).

Sản xuất giống tôm nước lợ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ cho các vùng nuôi tôm thương phẩm từ đàn tôm bố mẹ được gia hóa, chọn tạo trong nước (đến năm 2030 cần 250-300 tỷ tôm giống).

Đề xuất bổ sung và tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để hoàn thiện quy trình công nghệ trong khâu chọn tạo và sản xuất tôm giống; Khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu hợp tác với các đơn vị nghiên cứu có uy tín để tiếp cận, nhận chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu, đặc biệt là công nghệ chọn tạo giống; Thực hiện khẩn trương các Chương trình, dự án tại Quyết định số 3475/QĐ-BNN-TCTS về: (1) Chương trình gia hoá, chọn tạo đàn tôm bố mẹ; (2) Nghiên cứu, gia hoá, chọn tạo, sản xuất tôm sú bố mẹ chất lượng cao; (3) Nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ chất lượng cao.

Chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc và tự nhiên và nguồn nhập khẩu. Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất tôm giống cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng để cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Cần điều chỉnh các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tập trung nguồn lực, lựa chọn đơn vị đủ năng lực giao nhiệm vụ nghiên cứu lâu dài về chọn tạo giống tôm nước lợ (đặc biệt là tôm sú) phù hợp với mỗi tiểu vùng sinh thái của nước ta. Cần chọn tạo tôm giống theo hướng: sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh, tăng trưởng nhanh.

Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh sản phẩm vào thực tế sản xuất.

Các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn.

Thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo Luật Thuỷ sản và Nghị định hướng dẫn.

Tổng cục Thuỷ sản tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai kiểm tra, thanh tra xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng giống thuỷ sản. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất và chất lượng tôm giống.

Thực hiện tốt Quy chế quản lý giống tôm nước lợ năm 2021. Tổng cục Thuỷ sản phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để quản lý chất lượng tôm giống, thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan giữa các địa phương sản xuất tôm giống và địa phương nuôi tôm thương phẩm.

Các địa phương tiếp tục thông tin cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những phát sinh trong quá trình quản lý, đặt biệt trong việc thực hiện các quy định mới để kịp thời phối hợp quản lý.

Về tổ chức sản xuất: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các vùng tiêu thụ tôm giống để kiểm soát chất lượng tôm giống.

Tại Hội nghị, các địa phương đã tiến hành Lễ ký kết Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ giữa các tỉnh sản xuất con giống và các tỉnh tiêu thụ con giống để đảm bảo việc trao đổi thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý giống, hai bên đã thống nhất nguyên tắc phối hợp tạo thuận lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về hoạt động sản xuất, tiêu thụ giống tôm.

Theo đó, hàng năm, các địa phương sản xuất giống tôm sẽ cung cấp danh sách và thông tin liên quan của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ đủ/không đủ điều kiện trên địa bàn quản lý. Danh sách các cơ sở thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và thông tin về nội dung công bố cho các địa phương tiêu thụ được biết. Trong trường hợp các địa phương tiêu thụ phát hiện tôm giống tại cơ sở nuôi có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng như tôm chậm lớn, tôm bị nhiễm các bệnh nguy hiểm trong gian đoạn đầu thả nuôi… thì thông báo cho các địa phương có cơ sở sản xuất giống để xem xét, xác minh và truy xuất nguồn gốc tôm giống. Ngoài ra, trong quá trình quản lý, các bên phát hiện hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông và chất lượng giống tôm nước lợ thì các bên thông tin cho nhau, phối hợp xử lý theo quy định và báo cáo về Tổng cục Thủy sản. Trong trường hợp không thuộc thẩm quyền quản lý, các bên báo cáo cho Tổng cục Thủy sản để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc