Cá mú được định giá cao ở khắp châu Á và theo truyền thống thường được đánh bắt bằng lưới, bẫy và móc mồi, nhưng việc đánh bắt quá mức đã dẫn đến sự suy giảm nguồn cung cá mú tự nhiên trên toàn thế giới. Kết quả là, trong thập kỷ qua, con người đã nỗ lực phối hợp nhằm phát triển các phương tiện nuôi cá mú, vừa giúp giảm bớt áp lực đối với trữ lượng tự nhiên, vừa cung cấp số lượng thường xuyên cá chất lượng cao cho thị trường.
Một trong những khó khăn chính hạn chế sự tăng trưởng của ngành nuôi cá mú là thiếu cá giống chất lượng cao. Tình trạng này là do hai vấn đề chính: nguồn trứng chất lượng tốt còn hạn chế và kích thước ấu trùng cá mú mới nở cực kỳ nhỏ. Những tiến bộ gần đây về kỹ thuật bảo quản lạnh để lưu trữ tinh trùng cá mú cọp ở Việt Nam có thể giúp giải quyết vấn đề đầu tiên. Đối với vấn đề thứ hai, kích thước nhỏ khiến ấu trùng cá mú trở nên mỏng manh và cần những con mồi sống nhỏ có giá trị dinh dưỡng đầy đủ.
Trường hợp luân trùng giảm
Mặc dù việc cho cá ăn luân trùng trong thời kỳ ấu trùng đầu tiên đã cho phép nuôi nhiều loài cá mú khác nhau, nhưng tỷ lệ sống thường thấp và tốc độ tăng trưởng và chất lượng của ấu trùng cũng khác nhau. Để đảm bảo luân trùng có thành phần dinh dưỡng đầy đủ là điều không đơn giản, chúng thường thiếu các chất dinh dưỡng chính như taurine, vitamin A, Iốt và các axit béo như DHA và EPA. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp thay thế nguồn thức ăn là vấn đề được ưu tiên.
Trước tình hình đó, một số nghiên cứu đã cho thấy tiềm năng từ việc sử dụng giáp xác chân chèo làm thức ăn cho ấu trùng cá mú. Đối với ấu trùng cá mú chấm (Plectropomus leopardus), ngoài việc cá phát triển nhanh hơn, tỷ lệ sống tăng gấp 10 lần. Việc bổ sung giáp xác chân chèo vào chế độ ăn cũng làm tăng gấp bốn lần tỷ lệ sống của cá mú cọp (Epinephelus fuscoguttatus) (Rimmer, et al., 2011). Ngoài ra, các thông số tăng trưởng như tổng chiều dài, độ dầy cơ thể và chiều dài gai lưng và xương sống đều theo hướng tích cực, tất cả đều tạo ra ấu trùng khỏe hơn.
|
Mặc dù có những kết quả này, việc thiết lập các đơn vị sản xuất giáp xác chân chèo không phải là một lựa chọn cho hầu hết các trại giống, vì chúng đòi hỏi nhiều công sức và không phải lúc nào cũng tạo ra nguồn cung cấp ổn định. Tuy nhiên, do các công ty như CFEED hiện đang cung cấp cho thị trường châu Á, nên trứng của giáp xác chân chèo có thể được lấy và ấp theo yêu cầu theo cách tương tự như trứng Artemia. Những ấu trùng của loài giáp xác mới nở có chiều dài chỉ dưới 100 µm, là kích thước lý tưởng cho ấu trùng cá mú non. Điều này đã dẫn đến một số trại giống thương mại bắt đầu đưa giáp xác chân chèo vào thức ăn nuôi thủy sản. Một trong số đó, Eco Aquatology Asia ở Thái Lan, báo cáo rằng việc đưa các giáp xác chân chèo vào thức ăn cho trại giống của họ đã dẫn đến việc sản xuất ra cá con khỏe hơn và phát triển nhanh hơn, cuối cùng giúp tăng sản lượng.
Lợi ích dinh dưỡng của giáp xác chân chèo
Một lợi ích từ việc cho ăn giáp xác chân chèo là khả năng kích thích hoạt động của enzym trong ruột của ấu trùng cá mú. Đối với cá mú cọp, sự gia tăng đáng kể phản ứng với enzym (protease) đã được chứng minh khi bổ sung nauplii trong khẩu phần ăn, làm tăng hoạt tính enzym lên 25,8% so với thức ăn sống truyền thống như luân trùng và Artemia (Rimmer, et al., 2011). Ngay cả việc bổ sung một tỷ lệ nhỏ giáp xác chân chèo cũng đủ để kích thích sự gia tăng này. Một kết quả tương tự cũng được thấy đối với ấu trùng cá mú đỏ, trong đó việc đưa vào thức ăn toàn bộ hay một phần của giáp xác chân chèo đều làm tăng đáng kể hoạt động của các enzym tiêu hóa protease, amylase và lipase (Melianawati, Pratiwi, Puniawati, & Astuti, 2015).
Một yếu tố khác được coi là quan trọng đối với ấu trùng cá mú là thành phần axit béo của con mồi sống. Ngoài ARA và EPA, axit béo DHA đã được xác định là có tầm quan trọng thiết yếu đối với ấu trùng cá mú cọp (Rimmer, et al., 2011). Khi bị bỏ đói, ấu trùng bảo tồn chất này ở mức độ cao hơn so với các axit béo khác, điều này cho thấy nó cần thiết như thế nào đối với sự tăng trưởng và phát triển ban đầu của ấu trùng.
Điều này có thể cung cấp một lý do khác tại sao giáp xác chân chèo thúc đẩy sự sống, tăng trưởng và phát triển của ấu trùng cá mú, vì chúng chứa mức độ cao của các axit béo này, thường đạt trên 25% tổng hàm lượng lipid (van der Meeren, Olsen, Hamre, & Fyhn, 2008). Giáp xác chân chèo cũng được biết là có hàm lượng cao tự nhiên của taurine, astaxanthin, vitamin C và i-ốt, và chứa 60-70% protein.
Trong tự nhiên, giáp xác chân chèo được coi là nhóm động vật phù du quan trọng nhất, tạo thành một liên kết quan trọng giữa giai đoạn đầu tiên và giai đoạn ấu trùng cá. Các nghiên cứu về đường ruột ở ấu trùng của các loài cá nhiệt đới ven biển cho thấy rằng phần lớn các loài cá này dựa vào động vật chân đốt làm nguồn thức ăn chính (Sampey, Mckinnon, Meekan, & Mccormick, 2007).
Việc cung cấp giải pháp để các nhà sản xuất cá cho ấu trùng cá ăn chế độ ăn mà cá thích trong tự nhiên là một trong những mục tiêu của công ty CFEED trụ sở tại Na Uy. Với việc sản xuất trong nhà, an toàn về mặt sinh học đối với loài giáp xác chân chèo Acartia tonsa, công ty có thể cung cấp nguồn trứng thương mại ổn định cho các trại giống trên khắp thế giới. Những quả trứng này có thể được nở theo yêu cầu, cung cấp một lựa chọn thức ăn sống với dinh dưỡng cân bằng cho ấu trùng cá. Kích thước nhỏ của nauplii mới nở khiến chúng trở thành thức ăn lý tưởng trong giai đoạn nhạy cảm nhất đối với ấu trùng cá mú. Kết hợp với thành phần dinh dưỡng lý tưởng cho lần cho ăn đầu tiên, giải pháp đưa giáp xác chân chèo vào nuôi thương phẩm cá mú có thể cải thiện đáng kể năng suất của các trại giống trong tương lai.
HNN (Theo Thefishsite)