Sử dụng khí CO2 phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản (21-02-2020)

Skretting đã cam kết đầu tư 2 triệu USD trong năm 2020 để phát triển một phương pháp cải tiến nhằm chuyển khí CO2 thành protein trong nguyên liệu thức ăn dành cho nuôi trồng thủy sản.
Sử dụng khí CO2 phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản
Skretting có kế hoạch sản xuất thức ăn thủy sản từ khí CO2 (Nguồn: TheFishSite)

Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng từ nuôi trồng thủy sản sẽ tăng 30 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với nhu cầu tăng 45 triệu tấn nguyên liệu thô để sản xuất thức ăn thủy sản. Để đảm bảo ngành nuôi trồng thủy sản có thể đóng góp tối đa việc cung cấp lương thực ổn định cho 10 tỷ người trên thế giới vào năm 2050, cần phải khắc phục sự phụ thuộc vào các loại thức ăn tổng hợp do sự hạn chế nguyên liệu.

Vì sứ mệnh “Nuôi dưỡng tương lai”, Skretting tập trung vào việc tăng tính linh động của các thành phần đa lượng và vi lượng trong thức ăn nuôi trồng thủy sản. Một khía cạnh quan trọng của sứ mệnh này là phát triển và hỗ trợ một nền kinh tế sinh học tuần hoàn, nơi các thành phần hoặc chất dinh dưỡng được đánh giá thấp hoặc được sử dụng chưa đúng mức trước đây có thể được tái nhập vào chuỗi thức ăn.

Thực hiện tham vọng trên, Skretting đang hợp tác với những công ty phát triển các nguyên liệu protein thay thế. Trong số đó là Kiverdi, một công ty có trụ sở tại California sử dụng công nghệ chuyển đổi carbon độc đáo từ NASA để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Giải pháp “Thức ăn thủy sản từ CO2” của Kiverdi chuyển đổi CO2 thành protein để sử dụng trong thức ăn thủy sản bằng phương pháp xử lý sinh học đơn bào. Công ty Kiverdi đang hợp tác chặt chẽ với Nutreco, là công ty mẹ của Skretting, thông qua bộ phận đổi mới NuFrontiers và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ sau giai đoạn thử nghiệm.

Các loại protein được sản xuất bằng quy trình này được cô đặc và lý tưởng cho các loài cá ăn thịt. Công nghệ sản xuất “Thức ăn thủy sản từ CO2” của Kiverdi sử dụng các lò phản ứng sinh học độc quyền, CO2, nitơ, hydro, nước và các dưỡng chất được kết hợp với các chất xúc tác sinh học trong một quy trình khí gas, từ đó chúng được chuyển đổi thành sinh khối giàu protein. Khí CO2 có thể đến từ bất kỳ nguồn công nghiệp nào mà đã được làm sạch để dùng trong thực phẩm, giống như CO2 có trong thức uống có gas. Năng lượng tái tạo được sử dụng cho qui trình trên nhằm tăng cường hơn nữa niềm tin về tính bền vững của công nghệ.

Tiến sĩ Lisa Dyson, Giám đốc điều hành và người sáng lập của Kiverdi cho biết: “Thức ăn thủy sản từ CO2” cung cấp một giải pháp thức ăn protein có thể so sánh về mặt dinh dưỡng với bột cá truyền thống, có thể được thu được một cách nhanh chóng, hiệu quả mà không cần đến các loại thủy sản được đánh bắt từ tự nhiên. Công nghệ này thu CO2 từ không khí và đưa carbon trở lại chuỗi thức ăn, thúc đẩy nền kinh tế sinh học tuần hoàn và giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên hữu hạn, chẳng hạn như thủy sản khai thác từ tự nhiên. Tại Kiverdi, chúng tôi chia sẻ tầm nhìn về một ngày mai sạch hơn, an toàn hơn và hoàn toàn bền vững.

Sử dụng các thành phần mới có tính bền vững trong thức ăn thủy sản (thông qua thay thế và trao đổi) được công nhận là biện pháp khả thi để khắc phục sự phụ thuộc vào bất kỳ thành phần đơn lẻ nào. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với sự đổi mới này là việc đưa vào sản xuất với quy mô thương mại.

Đại diện Nutreco cho rằng, “Thức ăn thủy sản từ CO2” là một loại protein hoàn hảo nếu xét theo quan điểm bền vững, đòi hỏi ít đất đai và có thể sản xuất để đáp ứng gần với nhu cầu tiêu thụ. Hành tinh của chúng ta đang ấm lên, phần lớn là do dư thừa CO2 trong khí quyển. Bên cạnh đó, một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ xảy ra khi dân số thế giới tiếp tục tăng. Do vậy, công nghệ này có rất nhiều cơ hội để trở thành một trong những giải pháp cho những thách thức trên.

Anh Chi (Theo The Fish Site)

Ý kiến bạn đọc