Định mức tiêu hao năng lượng (ĐM THNL) áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn là 1.050kWh/tấn sản phẩm cá tương đương và 2.050 kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương giai đoạn đến hết năm 2025; ĐM THNL áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn là 900 kWh/tấn cá tương đương và 1.625 kWh/tấn tôm tương đương giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030. Trong trường hợp Cơ sở chế biến thủy sản có suất tiêu hao năng lượng cao hơn ĐM THNL, Cơ sở đó sẽ phải lập và thực hiện Kế hoạch Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để đảm bảo ĐM THNL như trên. Thông tư 52/2018/TT-BCT áp dụng với các Cơ sở chế biến cá da trơn và tôm có quy mô từ 300 tấn sản phẩm/năm trở lên và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Một số Nhóm giải pháp Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong chế biến
Theo hướng dẫn của Thông tư 52/2018/TT-BCT, Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng trong cơ sở chế biến thủy sản và thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quản lý năng lượng; Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư thấp (thay thế các thiết bị đơn lẻ có hiệu suất năng lượng cao hơn);Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư cao (thay thế một, vài cụm thiết bị có hiệu suất năng lượng cao hơn hoặc thay đổi công nghệ để cải thiện hiệu suất năng lượng). Đồng thời, khuyến khích Cơ sở chế biến thủy sản áp dụng các Nhóm giải pháp cải thiện, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong chế biến như sau:
Nhóm giải pháp hoàn thiện quy trình sản xuất, quản lý sử dụng năng lượng: (1)Hạn chế các băng chuyền IQF chạy không tải, non tải. Trong trường hợp phải chạy non tải cần có giải pháp điều chỉnh năng suất hệ thống lạnh; (2)Sử dụng hợp lý các thiết bị cấp đông; (3)Quản lý chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng nước đá; (4)Quản lý việc sử dụng kho lạnh, đóng cửa kho khi không có người hay xe đi qua; (5)Duy trì nhiệt độ kho lạnh ở mức cần thiết; (6)Quản lý chặt chẽ việc sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ; (7)Thay đổi cách thức sử dụng thiết bị phù hợp khi công suất chế biến thấp.
Nhóm giải pháp hoàn thiện qui trình vận hành thiết bị lạnh: (1)Không để các máy nén chạy non tải; (2)Không vận hành kho lạnh, đá vẩy với thiết bị cấp đông trên cùng 1 nhiệt độ sôi; (3)Duy trì áp suất hút ở mức hợp lý; (4)Xả tuyết kho lạnh đúng quy trình, không để tuyết bám nhiều trên dàn lạnh.
Nhóm giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh: (1)Kiểm tra, khắc phục việc suy giảm công suất của các băng chuyền IQF; (2)Xác định công suất lạnh máy nén trục vít đã chạy lâu năm; (3)Lập hồ sơ theo dõi cho từng máy nén trục vít; (4)Kiểm tra, sửa chữa kịp thời các thiết bị hỏng hóc hoặc bị xuống cấp; (5)Thường xuyên kiểm tra, xử lý hiện tượng bám cáu cặn trên dàn ngưng.
Nhóm giải pháp thiết kế, lắp đặt lại hệ thống lạnh: (1)Thiết kế hệ thống lạnh trung tâm sử dụng môi chất NH3 thay thế các thiết bị đơn lẻ; (2)Thiết kế lại hệ thống lạnh để đảm bảo máy nén không vận hành non tải và ở nhiệt độ sôi thấp; (3)Qui hoạch lại các kho lạnh, hệ thống điều hòa nhiệt độ; (4)Cấp nước lạnh vào máy chế biến đá vẩy; (5)Cấp NH3 lỏng từ bình hạ áp kho lạnh vào bình hạ áp của băng chuyền IQF; (6)Chuyển đổi một số thiết bị lạnh sử dụng môi chất R22 sang NH3; (7)Thay máy nén có hiệu suất phát lạnh thấp bằng máy nén có hiệu suất phát lạnh cao hơn; (8)Lắp đặt hầm đông lạnh để cấp đông cá nguyên con; (9)Kiểm soát áp suất ngưng trôi nổi; (10)Lắp biến tần cho máy nén trong trường hợp cần thiết.
Nhóm giải pháp sử dụng thiết bị ngoại vi nâng hiệu suất phát lạnh: (1)Lắp thêm áp kế chân không cho các hệ thống cấp đông để theo dõi áp suất hút; (2)Lắp cảm biến CO2 và quạt thu hồi nhiệt cho các phòng chế biến để tăng hiệu suất phát lạnh và giảm lượng điện tiêu thụ cho hệ thống điều hòa nhiệt độ; (3)Lắp thêm van điện từ xả khí không ngưng lần lượt từng dàn ngưng nhằm giảm áp suất ngưng, giảm lượng điện tiêu thụ của máy nén; (4)Lắp thêm thiết bị tách khí, tách nước cho hệ thống lạnh.
Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
Mục đích của việc ban hành các quy định về Định mức tiêu hao năng lượng cũng như giới thiệu, hướng dẫn các Nhóm giải pháp Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là để định hướng cho các Cơ sở chế biến cá da trơn và tôm của Việt Nam hướng đến mục tiêu “Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững”. Theo quy định của Thông tư 52/2018/TT-BCT, trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, những Cơ sở chế biến thủy sản chưa xác định được ĐM THNL (theo quy định của Thông tư) có trách nhiệm lắp đặt đầy đủ đồng hồ đo đếm năng lượng để đảm bảo tính toán chính xác Suất tiêu hao năng lượng của Cơ sở.
Đây được đánh giá là một nội dung mới và rất quan trọng đối với các doanh nghiệp thủy sản. Để giúp các Cơ sở chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn và tôm (có quy mô từ 300 tấn sản phẩm/năm trở lên) có thể quản lý hiệu quả năng lượng tại Cơ sở cũng như thực hiện tốt các quy định của Thông tư 52, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) sẽ tổ chức Chương trình tập huấn “Xác định Suất tiêu hao năng lượng và Sử dụng hiệu quả năng lượng tại Nhà máy chế biến cá da trơn và tôm” (dự kiến tổ chức vào ngày 27/3/2019 tại Cần Thơ).
Với sự nỗ lực của các Bộ ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan, ngành công nghiệp chế biến cá da trơn và tôm của Việt Nam hy vọng sẽ nhanh chóng nắm bắt và thực hiện tốt các quy định của Thông tư 52, sớm đạt được mục tiêu “Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững” (trong hai giai đoạn: từ nay đến hết năm 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030).
Thông tư số 52/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 18/02/2019.
Ngọc Thúy – FICen