Cần tuân thủ nghiêm các quy định
Với mục tiêu tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thú y; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trong việc chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn, cảnh báo, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản phục vụ sản xuất, ổn định đời sống, bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường; phát hiện dịch nhanh, kịp thời dập dịch, ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái phát hoặc lây lan từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh và hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho động vật thủy sản,.. Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và bệnh động vật thủy sản năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai yêu cầu tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
Phòng khi chưa có dịch bệnh xảy ra
Theo Kế hoạch khi chưa có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh cần điều tra dịch tễ, xác định vùng nguy cơ xảy ra dịch bệnh bằng cách tổng hợp số liệu thống kê tình hình dịch bệnh, xác định nguồn dịch, đường lây truyền, lấy mẫu giám sát chủ động, nâng cao năng lực dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Điều tra ổ dịch và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh ở động vật trên cạn, động vật thủy sản trên địa bàn cả nước và của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến cho nhân dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, không chỉ thiệt hại đối với sản xuất mà còn ảnh hướng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người; tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản thực hiện sản xuất chăn nuôi an toàn.
Mặt khác, tăng cường hệ thống thông tin giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, từng thôn, bản, tổ dân phố... có địa chỉ để tiếp nhận những thông tin khai báo về tình hình dịch bệnh động vật từ người dân; xây dựng kế hoạch lấy mẫu kiểm tra, giám sát sự lưu hành của vi rút gây bệnh trên động vật thủy sản (cá hồi, tầm, trắm cỏ, chép, rô phi…).
Thực hiện kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh; tịch thu, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập lậu; động vật có biểu hiện bị bệnh hoặc chết do bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch thú y và tổ chức kiểm tra các điều kiện buôn bán thuốc thú y của các cơ sở,..
Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; lấy mẫu, phân tích, kháng sinh đồ đối với các vi khuẩn: Steptococus, Aeromonas, Edwardsiella và nấm trên cá hồi, cá tầm, cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi... thực hiện quan trắc môi trường phân tích, xét nghiệm cảnh báo dịch bệnh; dự phòng hóa chất khi dịch bệnh xảy ra hoặc thiên tai bão lũ.
Dịch bệnh xảy ra
Toàn tỉnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch theo quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp. Công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNN và Thông tư số 04/2016/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Đối với ổ dịch động vật thủy sản xử lý theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kế hoạch số 338/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2030; chú trọng một số nội dung sau:
Về thu hoạch thủy sản mắc bệnh sẽ thực hiện thu hoạch đối với thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm, có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc mục đích khác (trừ thủy sản làm giống hoặc thức ăn tươi sống cho thủy sản khác). Chủ cơ sở nuôi thu hoạch thủy sản trong ổ dịch phải thực hiện theo đúng hướng dẫn, chịu sự giám sát của cơ quan thú y đảm bảo an toàn dịch bệnh trong quá trình thu hoạch, vận chuyển đến cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản nhễm bệnh.
Việc điều trị thủy sản mắc bệnh được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xác định có thể điều trị và chủ cơ sở nuôi có nhu cầu điều trị thủy sản mắc bệnh; thực hiện tiêu hủy đối với thủy sản mắc bệnh chưa đạt kích cỡ thương phẩm, thủy sản giống hoặc thức ăn tươi sống cho thủy sản khác bằng các loại hóa chất trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Thực hiện khử trùng nước trong bể, ao, vùng nuôi; khử trùng công cụ, dụng cụ, lồng nuôi, lưới; xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hóa chất sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy thủy sản, đảm bảo không còn mầm bệnh, dự lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thanh Thủy