Hà Tĩnh: Các biện pháp kỹ thuật khôi phục sản xuất, phòng dịch bệnh cho thủy sản nuôi sau mưa lũ (15-11-2023)

Lũ lụt làm cho các ao đầm tụ bùn, phù sa, mùn bã, rác và các chất thải khác gây ô nhiễm nguồn nước và tiềm ẩn các mầm bệnh đối với cá nuôi. Để khôi phục sản xuất thủy sản ở vùng ngập sau mưa lũ trên địa bàn Hà Tĩnh, cần cải tạo môi trường ao nuôi, kiểm tra chặt chẽ và chủ động phòng ngừa bệnh cho đàn cá nuôi.
Hà Tĩnh: Các biện pháp kỹ thuật khôi phục sản xuất, phòng dịch bệnh cho thủy sản nuôi sau mưa lũ
Ảnh minh họa

Cụ thể, những ngày vừa qua, mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày, cùng với việc các hồ chứa, nhà máy thủy điện xả lũ đã khiến nhiều xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị ngập lụt, một số diện tích nuôi thủy sản tại Hương Khê, Đức Thọ, Thạch Hà,…. bị ngập lụt gây thiệt hại cho người dân. Sau mỗi mùa mưa lũ, nhiều công trình cơ sở hạ tầng như cống, đập, bờ bao, ao đầm, lồng bè nuôi thủy sản thường bị phá hủy,.. Trên cơ các tài liệu hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và tình hình sản xuất thực tế của tỉnh; các các hộ/cơ sở nuôi trồng thủy sản trong tỉnh cần có các biện pháp kỹ thuật khôi phục sản xuất, phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi sau mưa bão như sau:

Đối với các ao đầm, lồng đang nuôi thủy sản: Tăng cường các biện pháp cải thiện môi trường nước ao nuôi cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; đồng thời tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh.

  Bên cạnh đó, vệ sinh, làm sạch khu vực nuôi, lồng nuôi, rải vôi xung quanh bờ ao (khoảng 10kg/100 m2), kết hợp bón vôi cho ao, đầm nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao. Đối với ao nuôi thủy sản nước ngọt thì lượng vôi bón 0,7-1kg/100m3 nước; đối với ao nuôi thủy sản nước mặn lợ thì lượng vôi bón 2 -3kg/100m3 nước; đối với các ao nuôi nước lợ có thể tháo bớt nước tầng mặt, tăng cường vận hành máy quạt nước hoặc các biện pháp khuấy đảo nước, tránh hiện tượng phân tầng nước ao nuôi. Sử dụng các loại chế phẩm sinh học để làm sạch các chất cặn, chất lắng tụ đáy ao.

Các ao nuôi có quạt nước, sục khí đáy ao sử dụng các loại hóa chất có tính sát khuẩn cao nằm trong danh mục thuốc hóa chất được phép sử dụng theo quy định… để khử trùng nguồn nước trong quá trình nuôi.

Đối với thủy sản nuôi lồng treo túi vôi (2 - 4kg/10m3 nước), hoặc bột đồng sunfat (50gam/10m3)…trong lồng nuôi phía đầu nguồn nước, độ sâu của túi vôi hoặc túi thuốc treo bằng 1/3-1/2 độ sâu mực nước trong lồng nuôi. Riêng các lồng nuôi cá nước mặn lợ có thể thu hoạch hoặc di chuyển lồng đến nơi nước sạch và có độ mặn ổn định hoặc di chuyển cá vào ao nuôi có đầy đủ thiết bị sục, đảo khí.

Theo dõi chặt chẽ mức độ sử dụng thức ăn để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Bổ sung vitamin C với liều lượng 3 - 6g/kg thức ăn, các loại khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; tăng cường chăm sóc, quản lý ao nuôi, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với các ao, lồng đã thu hoặc bị lũ tàn phá trôi hết sản phẩm: Thực hiện tu sửa, gia cố lại bờ ao, lồng nuôi; kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng cho phép; thực hiện vệ sinh làm sạch khu vực nuôi, khử trùng nguồn nước, mới tiến hành thả giống nuôi; thực hiện nuôi theo đúng quy trình và các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

Kiểm tra, vệ sinh hệ thống dây neo, phao lồng, lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường; thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường và sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với nuôi ngao/nghêu bãi triều ven biển: Khi nước thủy triều xuống, tiến hành kiểm tra, tu sửa đăng, chắn. Sau mưa bão, ngao thường tập trung vào các góc đăng, chắn, cần tiến hành san đều ra toàn bãi. 

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác