Năm 2022, tỉnh đã đạt được những kết quả nuôi trồng thủy sản đáng khích lệ. Toàn tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.278 ha, giảm 0,62% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.125 tấn, tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 225 tấn, tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng khai thác cá là 156 tấn, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tăng chủ yếu là cá các loại do thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản vào một số hồ chứa. Số lượng cá lồng đạt 567 lồng, tăng 0,53% so với cùng kỳ. Cung ứng khoản 961.600 con cá giống các loại (trắm, chép, mè, trôi, chim, trê, vược…).
Dự báo năm 2023, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản vẫn có nhiều diễn biến khó lường; tình hình thời tiết biến động thất thường do biến đổi khí hậu, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi… nên nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao. Tỉnh đã xác định phải hạn chế những yếu kém, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi.
Hiện các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản của tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, ý thức phòng chống dịch bệnh của một số hộ nuôi chưa cao, mua con giống về tái đàn không rõ nguồn gốc xuất xứ; công tác chống dịch chưa được triển khai triệt để, còn có nhiều ổ dịch tái bùng phát…; năng lực của một số nhân viên Thú y cơ sở còn hạn chế, chế độ hỗ trợ cho nhân viên Thú y không đảm bảo cuộc sống do đó một số xã, phường, thị trấn không có hoặc thiếu nhân viên Thú y, ảnh hưởng đến công tác theo dõi, phòng chống bệnh dịch trên địa bàn.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản đến tận thôn, bản, hộ gia đình
Tỉnh Lạng Sơn đã lên kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh với phương châm “phòng bệnh là chính” kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản, hộ gia đình; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh nguy hiểm phát sinh; đảm bảo sản xuất nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đã cụ thể hóa các nội dung, biện pháp chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản (theo quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản). Xây dựng các phương án, nguồn lực, vật tư, kinh phí để chủ động xử lý, khi phát sinh dịch bệnh nguy hiểm ở thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Khi chưa có dịch xảy ra
Theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2023, khi chưa có dịch xảy ra, toàn tỉnh tích cực thực hiện công tác thông tin tuyên truyền. Hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; hướng dẫn xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh. Tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y cơ sở và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật; tập huấn cho các hộ nuôi trồng thủy sản; tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh động vật cho các đối tượng là nhân viên thú y cơ sở, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện sản xuất an toàn, không sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh cấm; không lạm dụng thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường.
Bên cạnh đó, tiến hành triển khai công tác tiêu độc, khử trùng môi trường. Phát động trên địa bàn toàn tỉnh các đợt tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (và khử trùng, tiêu độc khi có ổ dịch phát sinh). Ngoài các tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động, các cơ sở chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động mua hóa chất thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, ao nuôi thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn sẽ triển khai triệt để công tác kiểm dịch con giống, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y động vật thủy sản
|
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm dịch động vật thủy sản giống, không để động vật thủy sản giống chưa qua kiểm dịch lưu thông, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo kiểm soát toàn bộ động vật thủy sản giống lưu thông ra, vào địa bàn tỉnh. Yêu cầu các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh phải thực hiện khai báo kiểm dịch giống thủy sản bố, mẹ với cơ quan thú y (không quá 02 ngày sau khi vận chuyển về cơ sở sản xuất giống) và phải thực hiện việc kiểm dịch con giống trước khi xuất bán. Mặc khác, tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y trong quá trình nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật thủy sản đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản, các cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản.
Khi xảy ra dịch
Đối với dịch bệnh thủy sản: Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định bệnh. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) phối hợp với UBND huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp khoanh vùng bao vây, khống chế ổ dịch theo quy định của Luật Thủy sản và Thông tư số 04/2016/TT- BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hướng dẫn của Cục Thú y.
Trên nguyên tắc tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ, sử dụng các biện pháp phòng là chính; khi có dịch xảy ra phải dập tắt kịp thời, hạn chế lây lan, thiệt hại cho người chăn nuôi. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, chẩn đoán, chữa bệnh; quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi; giám sát, dự báo, cảnh báo dịch bệnh; điều tra dịch bệnh; phân tích nguy cơ; khống chế dịch bệnh. Duy trì vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường nuôi trồng thủy sản. Công bố dịch và công bố hết dịch theo quy định tại Luật Thú y, Luật Thủy sản.
Giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, tổ, bản, tiểu khu, hộ nuôi trồng thủy sản
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn được chỉ định là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản ở các huyện, thành phố. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y được giao nhiệm vụ hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố, phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; thực hiện giám sát dịch bệnh động vật đến tận thôn, xóm, tổ, bản, tiểu khu, hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản; phun tiêu độc, khử trùng môi trường...
UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi trên địa bàn quản lý; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch; phân công lực lượng phụ trách địa bàn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn quản lý.
Ngọc Thúy - FICen