Tiếp tục thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại địa phương (14-02-2025)

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển về việc tiếp tục thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.
Tiếp tục thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại địa phương
Ảnh minh họa

Theo đó, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, hạn chế tối đa hành vi vi phạm hành chính về khai thác hải sản bất hợp pháp, thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC hướng tới xây dựng ngành thủy sản bền vững, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, ban, ngành ở địa phương thực hiện nghiêm công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến IUU, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau:

Về hoàn thiện thể chế

Các địa phương cần thường xuyên tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến chống khai thác hải sản IUU, chủ động ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền có hướng xử lý đối với quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các quy định về chống khai thác IUU không phù hợp, không đảm bảo tính khả thi.

Trường hợp nếu có khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng các quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan cần kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp giải quyết.

Về tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, thanh tra IUU

Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực thủy sản, trong đó cần xác định các địa bàn trọng điểm có đối tượng, tàu cá nguy cơ cao vi phạm về khai thác IUU, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, đặc biệt là các hành vi vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xác minh, xử lý đến cùng các tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, tàu cá vi phạm thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định, không bỏ lọt hành vi vi phạm.

Về thực thi pháp luật

Cần rút kinh nghiệm trong quá trìn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, nghiêm túc xem xét, xác định rõ sai phạm (nếu có) và trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm trên tinh thần đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đúng pháp luật.

Đối với các hồ sơ mà địa phương đã xử lý, cần rà soát và lưu ý thêm một số vấn đề sau:

Thực hiện việc lập Biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính đúng thẩm quyền theo Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020; tiến hành thủ tục tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề (giấy phép khai thác thủy sản và chứng chỉ thuyền trưởng) theo đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (khoản 1, Điều 125 và điểm b khoản 4 Điều 125).

Sau khi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan liên quan cần theo dõi sát sao điều kiện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của đối tượng bị xử phạt. Trường hợp đối tượng bị xử phạt cố tình trốn trách, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn trách, trì hoãn.

Xác định chính xác đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính để không vi phạm các hành vi nghiêm cấm quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải mô tả hành vi vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp đối tượng có hành vi vi phạm có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức phạt tiền cụ thể sẽ được xác định theo Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, cụ thể nếu có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt, nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

Ngoài ra, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính cần được lưu trữ đầy đủ, đánh bút lục theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính, các biên bản xử phạt phải được lập theo đúng mẫu ban hành tại phụ lục kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

Ánh Nguyệt

Ý kiến bạn đọc

Tin khác