Các nhà nghiên cứu Israel thành công chỉnh sửa gen trên tôm càng xanh (10-02-2025)
Các nhà khoa học Israel đã công bố chỉnh sửa thành công gen trên tôm càng xanh. Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận trên thế giới. Công trình tiên phong này là kết quả hợp tác của Watershed AC, Evogene Ltd và Đại học Ben-Gurion (BGU). Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ CRISPR để tăng cường các đặc điểm mong muốn ở loài tôm.
Ảnh minh họa
Những con tôm được chỉnh sửa gen đã phát triển với những cải thiện tích cực về tốc độ tăng trưởng, khả năng kháng bệnh và khả năng thích nghi với những thay đổi của môi trường, tạo tiền đề cho những tiến bộ hơn nữa trong nuôi trồng thủy sản bền vững. Đây là kết quả đạt được nhờ kế hoạch tài trợ của chính quyền Israel nhằm nghiên cứu chỉnh sửa và biến đổi gen trên động vật giáp xác.
Mục tiêu của dự án nhằm sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR trên các loài có thông tin bộ gen hạn chế nhằm tăng cường các tính trạng mong muốn trên các đối tượng thủy sản này. Ngoài tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii), nhóm nghiên cứu còn hướng đến đối tượng tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) và tôm hùm đất (Procambarus clarkii) trong thời gian tới.
Trong năm đầu tiên của chương trình nghiên cứu, nhờ sự đóng góp đáng kể từ nền tảng AI GeneRator của Evogene, các nhà khoa học đã sử dụng hệ thống tiên tiến này nhằm xác định các RNA dẫn đường (gRNA) tối ưu để chỉnh sửa gen dựa trên các biến thể DNA tự nhiên, kết hợp với thực hiện các phân tích ngoài mục tiêu để tăng độ chính xác. Với việc tiến hành nghiên cứu các bộ gen chưa được chú thích, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc tạo ra giống tôm càng xanh được chỉnh sửa gen với các tính trạng sắc tố mắt như mục tiêu đề ra trong giai đoạn hậu ấu trùng, qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc sử dụng công nghệ CRISPR trong việc khắc phục những thách thức về mặt di truyền của các loài không phải sinh vật mẫu, bước đầu là trên động vật giáp xác.
Từ thành công này, các nhà nghiên cứu tập trung vào việc ứng dụng công nghệ CRISPR cho các tính trạng mục tiêu phục vụ cho nuôi tôm càng xanh công nghiệp, cụ thể là đạt được các tính trạng về tốc độ tăng trưởng, khả năng kháng bệnh và khả năng thích nghi với những thay đổi của môi trường.
Nhóm nghiên cứu hiện đang tập trung vào việc tinh chỉnh các kỹ thuật này để ứng dụng rộng rãi hơn và hỗ trợ các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững. Với bước đột phá này, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ cung cấp cho ngành nuôi trồng thủy sản các giải pháp mới để tăng hiệu quả sản xuất, thúc đẩy khả năng kháng bệnh và cải thiện tính bền vững của hoạt động nuôi giáp xác trong tương lai.
Hương Trà (theo fishery.news)