Triển khai Quy hoạch Trung tâm nghề cá lớn tại Kiên Giang (04-12-2015)

Ngày 02/12/2015 tại Kiên Giang, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Hội đồng thẩm định Dự án Quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam Bộ do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn chủ trì. Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tùng thay mặt liên danh tư vấn trình bày báo cáo tại hội nghị.
Triển khai Quy hoạch Trung tâm nghề cá lớn tại Kiên Giang

Kiên Giang là cửa ngõ hướng ra biển Tây của các tỉnh vùng ĐBSCL, có ranh giới biển giáp các nước trong khối ASEAN, có biên giới trên bộ giáp Campuchia  với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, có nhiều thuận lợi  phát triển,  trao đổi thương mại cả đường bộ, đường biển, đường hàng không với các nước trong khu vực và thế giới. Kiên Giang  có vị trí thuận lợi  phát triển thủy sản, là tỉnh trọng điểm đối với nghề cá vùng biển Tây Nam Bộ và cả nước. Năm 2014 tổng sản lượng thủy sản Kiên Giang đạt 636.170 tấn, trong đó sản lượng khai thác hải sản đạt 463.090 tấn chiếm  16% tổng sản lượng cả nước;  tổng số tàu thuyền là 10.880 chiếc với tổng công suất trên 1,8 triệu CV, trong đó đội tàu công suất trên 90 CV khai thác xa bờ  hơn 4.180 chiếc và 282 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đầu tư Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam Bộ là đầu tư  một khu công nghiệp thủy sản, một tụ điểm thu hút  kỹ thuật, công nghệ, tài chính nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất thủy sản trên vành đai kinh tế Vịnh Thái Lan, nối liền Băng Cốc –Phnôm Pênh - Hà Tiên - Cà Mau.

Sau khi UBND tỉnh có văn bản số 159/UBND-KTCN ngày 10/02/2015 về việc xin chủ trương của Chính phủ xây dựng Trung tâm nghề cá tại tỉnh Kiên Giang và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Công văn số số 537/TTg-KTN ngày 16/4/2015, Văn phòng UBND tỉnh đã có Thông báo số 267/TB-VP ngày 19/5/2015 về kết luận của Chủ tịch UBND lựa chọn xã Tây Yên A, huyện An Biên là Trung tâm nghề cá lớn của tỉnh gắn với ngư trường Tây Nam Bộ. Địa điểm được chọn đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trong đó có tiêu chí cảng cá động lực thuộc trung tâm nghề cá lớn và được lựa chọn xây dựng Trung tâm nghề cá lớn và văn bản số 7787/BNN-TCTS ngày 22/9/2015 về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến lập quy hoạch và triển khai xây dựng các Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm cho giai đoạn 2016 - 2020.

Đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam Bộ là nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế thủy sản, là một giải pháp đột phá thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ, hợp lý hóa khai thác hải sản ven bờ. Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang không chỉ đáp ứng nhu cầu cập cảng, cất bến, neo đậu, thương mại thủy sản cho các tàu cá Kiên Giang và các tỉnh trong vùng, mà còn góp phần tích cực phát triển kinh tế toàn khu vực biển Tây Nam Bộ, cả vùng ĐBSCL và vòng cung vành đai kinh tế biển vịnh Thái Lan. 

Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang được hình thành trên cơ sở nâng cấp cảng cá Tắc Cậu gắn với khu công nghiệp Tắc Cậu và đầu tư xây mới cảng cá động lực và khu công nghiệp thủy sản tại bờ tả sông Cái Lớn thuộc xã Tây Yên A, huyện An Biên với các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ. Đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang là động lực thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế thủy sản và kinh tế biển vùng Tây Nam bộ. Đây cũng là địa bàn tập trung các nguồn lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tài chính, tập trung các doanh nghiệp tạo nên các bước đột phá phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản.

Việc thực hiện triển khai dự án là cần thiết và sẽ mang lại các hiệu ứng tích cực trong phát triển ngành thủy sản và phát triển kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang và toàn vùng Tây Nam Bộ.

                                                                                                                   Đặng Văn Cường (Viện KT&QHTS)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác