Nguồn cung cá nổi nhỏ (thu, trích, cơm) thắt chặt (08-09-2023)

Hạn ngạch cá thu Biển Bắc cho năm 2023 đã giảm 13% và lệnh cấm đánh bắt cá thu của Canada đã được gia hạn. Nguồn cá thu ở Nhật Bản đang thiếu hụt. Trong khi đó, nghề khai thác cá trích Biển Bắc được tăng hạn ngạch 28% vào năm 2024, nhưng sản lượng khai thác kém trong nửa đầu năm 2023. Ở Nam Mỹ, nghề khai thác cá cơm cũng gây thất vọng.
Nguồn cung cá nổi nhỏ (thu, trích, cơm) thắt chặt
Ảnh minh họa

Cá thu

Hạn ngạch cá thu của Na Uy cho niên vụ 2022-2023 đã giảm 13%. Tuy nhiên, tổng lượng hàng cập bến lên tới 370.000 tấn, tăng 4% so với niên vụ 2021-2022.

Trong nửa đầu năm 2023, 53.292 tấn cá thu đã cập bến Na Uy, so với 56.299 tấn vào năm 2022. Giá cá tăng nhẹ từ 15,11 NOK/kg vào năm 2022 lên 15,77 NOK/kg vào năm 2023.

Do thiếu hụt nguồn lợi cá thu tại vùng biển nội địa Nhật Bản, một số công ty đánh cá đã tạm dừng bán cá thu. Nguồn cung từ các nước khác cũng gặp khó khăn. Cá thu là mặt hàng bán chạy ở Nhật Bản, đặc biệt kể từ khi chương trình khuyến mãi truyền hình năm 2018 tập trung vào lợi ích sức khỏe của loại hải sản này.

Cuối tháng 6 năm 2023, Bộ Thủy sản và Đại dương Canada (DFO) đã thông báo rằng họ đã gia hạn lệnh cấm đánh bắt cá thu năm 2022 ở Đại Tây Dương cho mùa vụ năm 2023. Ngoài việc là thực phẩm cho con người, cá thu còn được sử dụng với nhiều mục đích khác, một trong những mục đích quan trọng nhất chính là sử dụng cá thu làm mồi trong nghề đánh bắt tôm hùm.

Cá thu của Canada đã rơi vào “vùng nguy cấp”, có nghĩa là tác hại nghiêm trọng có thể xảy ra trong vòng 10 năm. Việc khôi phục nguồn lợi hiện đang gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi mạnh về cơ cấu tuổi của cá với nguyên nhân sâu xa là do đánh bắt quá mức. Bước tiếp theo bây giờ sẽ là xây dựng và thực hiện kế hoạch tái thiết chất lượng cao, bao gồm cải thiện hoạt động giám sát nghề cá, đặc biệt là hoạt động khai thác tôm hùm bằng mồi cá thu.

Thương mại

Các nhà xuất khẩu cá thu của Na Uy đang có xu hướng xuất khẩu mạnh vào thị trường thủy sản châu Á và giá trị xuất khẩu đã tăng lên trong tháng 5 năm 2023 bất chấp thời điểm vốn được coi là mùa thấp điểm về xuất khẩu cá thu của Na Uy.

Trong ba tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá thu của Na Uy tăng 12,4% lên 71.385 tấn, tăng so với 61.452 tấn trong cùng kỳ năm 2022. Tính theo giá trị, xuất khẩu tăng từ 1,2 tỷ NOK (109 triệu USD) trong quý đầu tiên của năm 2022 lên 1,4 tỷ NOK (128 triệu USD) trong cùng kỳ năm 2023. Các thị trường lớn nhất tiêu thụ cá thu đông lạnh nguyên con từ Na Uy là Hàn Quốc (13.620 tấn), Nhật Bản (11.740 tấn) và Việt Nam (6.540 tấn). ).

Gần đây đã có sự thay đổi trong cơ cấu thị trường cá thu đông lạnh của Na Uy. Nếu như trước đó rất nhiều cá thu được xuất khẩu sang Trung Quốc chế biến rồi tái xuất sang Nhật Bản, thì hiện nay lượng xuất thẳng sang Nhật Bản nhiều hơn. Xuất khẩu sang Việt Nam và Indonesia cũng tăng lên.

Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của cá thu Na Uy. Các nước châu Á khác cũng là thị trường rất quan trọng đối với cá thu Na Uy. Xu hướng giá cá thu đang trên một đường cong đi lên.

Nhập khẩu cá thu đông lạnh nguyên con của Trung Quốc trong quý 1 năm 2023 giảm hơn 30% xuống còn 14.687 tấn, so với 21.153 tấn trong quý 1 năm 2022. Hai nhà cung cấp lớn nhất ghi nhận mức giảm: Na Uy giảm xuất khẩu 2,5% xuống 11.465 tấn. Tuy nhiên, Na Uy vẫn chiếm hơn 78% tổng lượng nhập khẩu cá thu đông lạnh nguyên con của Trung Quốc.

Cá trích

Gần đây, Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế (the International Council for the Exploration of the SeaICES) đã đưa ra lời khuyên về việc đánh bắt cá trích ở Biển Bắc, Skagerrak và Kattegat, eo biển phía Đông nước Anh và vùng đất Iceland, cụ thể là nâng cao mức đánh bắt ở những khu vực này. Theo ICES, áp lực đánh bắt cá trích ở những khu vực này hiện ở dưới mức sản lượng bền vững tối đa (the maximum sustainable yield - MSY). Vì vậy, ICES khuyến cáo rằng sản lượng đánh bắt ở Biển Bắc chỉ cần không vượt quá 532.166 tấn vào năm 2024 là được, tăng 28% so với lời khuyến nghị đã được đưa ra cho năm 2023. Các quốc gia đánh bắt cá trích Biển Bắc đã thống nhất tổng sản lượng đánh bắt cho phép (total allowable catch - TAC) cũng thấp hơn mức khuyến nghị trên; đối với năm 2023, họ đã đặt mức khai thác là 396.556 tấn, trong khi khuyến nghị của ICES là 414.886 tấn.

Norges Sildesalgslag (Tổ chức bán cá trích Na Uy) đã báo cáo rằng, vào cuối tháng 6 năm 2023, sản lượng khai thác trong 6 tháng đầu năm 2023 rất đáng thất vọng. Tổng cộng chỉ có 49.597 tấn cá trích Biển Bắc đã được đánh bắt trong nửa đầu năm 2023, so với 102.719 tấn cùng kỳ năm 2022. Cũng vì thế, giá trung bình đã tăng lên đáng kể: từ 6,31 NOK/kg vào năm 2022 lên 8,32 NOK/kg vào năm 2023. Năm nay, cá trích đánh bắt được có kích thước nhỏ hơn bình thường, đồng nghĩa với việc cá có hàm lượng chất béo thấp, vì cần phải có nhiều thời gian hơn để tích tụ lượng chất béo đạt yêu cầu. Nhìn chung, cá trích đánh bắt vào đầu hè (tháng 5) nhỏ và nạc nhưng dự kiến chất lượng cá sẽ cải thiện kể từ tháng 6.

Cá trích “spring-spawning herring” thì ngược lại, cho kết quả tốt hơn: từ 166.296 tấn trong nửa đầu năm 2022 lên 176.016 tấn trong cùng kỳ năm 2023. Giá được các nhà thu mua trả cho ngư dân cũng đã tăng lên từ 7,00 NOK/kg vào năm 2022 lên 7,90 NOK vào năm 2023.

Cá trích “summer spawning herring” của Iceland đã đạt được chứng nhận MSC của Hội đồng quản lý biển (the Marine Stewardship Council) đã giúp nó có lợi thế trên thị trường thủy sản thế giới. Nhu cầu về cá trích MSC Iceland rất tốt đối với các mặt hàng cá trích đóng hộp ở thị trường Đức và các quốc gia Bắc Âu khác, nơi các sản phẩm dán nhãn sinh thái có giá rất cao. Nhu cầu cũng tốt ở Đông Âu, nhưng nguồn cung cá thu được chứng nhận MSC không phải lúc nào cũng đủ và thị trường phải chấp nhận tạm thời tiêu thụ mặt hàng cá trích “spring-spawning herring” của Na Uy không có chứng nhận MSC.

Trong khi đó, nghề đánh bắt cá trích của Nga đã có một khởi đầu tốt đẹp. Năm 2022, các tàu của Nga đã cập cảng 590.000 tấn, tăng 16% so với mức trung bình trong vòng 5 năm. Hầu hết cá trích Nga (khoảng 60%) được xuất khẩu sang Trung Quốc, một số khác thì được xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Bộ Thủy sản và Đại dương Canada (DFO) đã công bố vào ngày 30 tháng 6 rằng TAC đối với nghề cá trích mùa thu ở phía Nam Vịnh Saint Lawrence được đặt ở mức 10.000 tấn. Đây là mức giảm so với 12.000 tấn được cung cấp vào năm 2020 và 2021.

Nghề đánh bắt cá trích ở Alaska không được nhiều người quan tâm. Nguyên nhân chính là do nhu cầu thị trường đối với trứng cá trích đang suy giảm và ngư dân không thấy có lãi khi đánh bắt cá trích với giá thấp và nhu cầu thấp như hiện nay.

Thương mại

Xuất khẩu cá trích của Na Uy trong quý đầu tiên năm 2023 đã giảm 8,8% xuống còn 63.980 tấn, so với 70.180 tấn trong cùng kỳ năm 2022. Các thị trường lớn nhất là Ai Cập (22.960 tấn), Ba Lan (13.130 tấn) và Đan Mạch ( 6.230 tấn).

Xuất khẩu cá trích đông lạnh nguyên con của Nga đã tăng vọt trong quý 1 năm 2023. Tổng xuất khẩu tăng từ 31.371 tấn trong quý 1 năm 2022 lên 52.904 tấn trong quý 1 năm 2023 (+68,6%). Trung Quốc, thị trường lớn nhất, chiếm một nửa trong số này: 27.741 tấn, so với chỉ 9.014 tấn vào năm 2022. Thị trường lớn thứ hai và thứ ba là Hàn Quốc và Nigeria.

Cá cơm/cá sardines

Tháng 5 năm 2023, Bộ Sản xuất Peru (the Peruvian Ministry of Production - PRODUCE) đã hủy bỏ mùa đánh bắt cá cơm chính ở khu vực trung tâm phía Bắc của quốc gia này, chủ yếu trong mọi nỗ lực để đưa nghề cá cơm của Peru trở nên bền vững. Quyết định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất bột cá và giá bột cá trên thế giới có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, quyết định này dựa trên sự hiện diện đông đảo của cá con, được coi là kết quả của ảnh hưởng El Niño. Vào thời điểm hủy bỏ mùa đánh bắt cá cơm, TAC sơ bộ được ấn định ở mức 1,09 triệu tấn, thấp hơn một nửa so với mức TAC truyền thống.

Theo PRODUCE, các cuộc thăm dò sơ bộ được thực hiện từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 6 năm 2023 đã kết luận rằng không có điều kiện sinh học thuận lợi cho sự phát triển của cá, thích hợp cho hoạt động đánh bắt cá. Tỷ lệ cá con cực kỳ cao (chiếm tới 86,3%) cho thấy rằng nguồn lợi cá cơm cần được để yên để tự phục hồi trở lại.

Đầu năm 2023, Nhật Bản đã báo cáo sự phục hồi trữ lượng cá sardines trong vùng biển của mình. Sản lượng đánh bắt cá Sardinops melanostictus đã tăng mạnh ở Nhật Bản trong năm nay kể từ đầu tháng Hai. Tuy nhiên, sự phát triển này không được các thương gia chào đón vì loài cá giá rẻ này đang chiếm thị phần của cá thu vốn đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều.

Cuối tháng 6, Trung Quốc nhập khẩu lô cá cơm khô từ Kenya. Đây là lần đầu tiên đối với quốc gia châu Phi này, mặc dù lô hàng khá nhỏ (315 kg) nhưng đây vẫn là cơ hội có thể phát triển hơn nữa trong tương lai.

Kenya, Tanzania và Uganda có sản lượng đáng kể cá cơm nước ngọt khô được khai thác ở Hồ Victoria (tiếng địa phương của mặt hàng này là “dagaa”) nhưng thực tế tất cả sản lượng khai thác này đều được tiêu thụ tại địa phương hoặc xuất khẩu sang các nước láng giềng như Cộng hòa Dân chủ Congo.

Dự báo

Năm 2023, mặc dù nguồn cung cá thu có thể ít nhiều tương tự như tình trạng năm trước, nhưng sẽ thắt chặt hơn đáng kể vào năm 2024. Nguồn cung cá trích dự kiến sẽ cải thiện vào năm 2024.

Triển vọng đối với cá cơm rất kém do Peru đã hủy bỏ mùa đánh bắt cá ở khu vực Bắc Trung Bộ. Sự kiện El Niño sẽ tác động đến sản xuất như bình thường trong những năm có điều kiện môi trường kiểu này. Việc giảm sản lượng hơn một triệu tấn chắc chắn sẽ được cảm nhận rất rõ trên thị trường thủy sản thế giới.

Có vẻ như giá cá thu và cá trích sẽ tăng. Tuy nhiên, nếu nghề khai thác cá trích ở phía Đông Bắc Đại Tây Dương cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm 2023, điều này có thể cải thiện nguồn cung và gây áp lực lên giá.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác