Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng phát huy hiệu quả nội lực và tăng cường thu hút ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng liên kết vùng và đa mục tiêu; tập trung phát triển thủy sản, sản xuất năng lượng tái tạo là ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế như công nghiệp chế biến thủy sản, nông sản, công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghiệp cơ khí sửa chữa đóng mới tàu thuyền. Phấn đấu xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển (nhất là kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch).
Mục tiêu cụ thể
Tốc độ tăng trưởng tống sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9,5 - 10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5-4 lần so với năm 2020. Khu vực nông - lâm – thủy sản chiếm khoảng 29% trong cơ cấu kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt khoảng 2 tỷ USD (trong đó, xuất khẩu tôm đạt khoảng 1,7 tỷ USD).
Đối với thủy lợi, tăng cường năng lực trữ nước, chuyển dẫn nước đảm bảo chủ động cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (ưu tiên mở rộng hệ thống thủy lợi khu vực ven biển). Mặt khác, tăng cường năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Phấn đấu đến năm 2050, Bạc Liêu là tỉnh khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; mạnh về kinh tế biển với 03 trụ cột chính “năng lượng, thủy sản, du lịch”.
Các đột phá phát triển
Khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có về phát triển kinh tế biển, sớm đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển. Vùng biển và khu vực ven biển là nơi còn nhiều tiềm năng lợi thế gắn với các ngành quan trọng: sản xuất năng lượng tái tạo; nuôi trồng, đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với chế biến, xuất khẩu...
Bạc Liêu có thể trở thành trung tâm sản xuất tôm (cả tôm giống và tôm thương phẩm) lớn của cả nước và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Phát triển nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản (trong đó, trọng tâm là nuôi, chế biến tôm) sẽ thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có những bước thay đổi đột phá trên cơ sở thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tài nguyên, phát huy nội lực gắn với tranh thủ cơ hội phát triển.
Phương hướng phát triển ngành nông lâm thủy sản
Phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa tập trung phù hợp với các tiểu vùng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và phát triển thị trường; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực theo hướng gia tăng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, an toàn cho sức khỏe con người, sử dụng đất hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết hợp phát triển nông lâm thủy sản với xây dựng nông thôn mới.
Tăng diện tích lúa - tôm, lúa - rau màu. Tổ chức không gian phát triển nông lâm thủy sản theo vùng và tiểu vùng sinh thái, gồm vùng biển, tiểu vùng mặn - Nam Quốc lộ 1, tiểu vùng lợ - Bắc Quốc lộ 1 và tiểu vùng ngọt - Bắc Quốc lộ 1. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển ngành kinh tế thủy sản vùng biển và tiểu vùng mặn - Nam Quốc lộ 1.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí chế tạo nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ; xây dựng mới một số nhà máy chế biến thủy sản, nông sản chất lượng cao.
Phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất sản phẩm mới tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Liên kết, hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ, một số tỉnh, thành phố khác để phát triển sản phẩm mới phù hợp với thế mạnh của tỉnh.
Phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản (trọng điểm là nuôi tôm)
Xây dựng Bạc Liêu trở thành vùng tôm trọng điểm quốc gia, bao gồm cả tôm giống, tôm thương phẩm; đẩy mạnh nuôi biển, nuôi biển kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và du lịch; sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
|
Đối với ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản: Tỉnh Bạc Liêu khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến nông, thủy sản; gia tăng hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trong sản phẩm; gia tăng tiện ích và an toàn cho sức khỏe con người. Phấn đấu phần lớn sản phẩm chế biến được đăng ký chất lượng sản phẩm quốc gia và truy xuất nguồn gốc. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng xả thải của các cơ sở chế biến thủy sản, khuyến khích, hỗ trợ di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Phân bố các cơ sở chế biến nông thủy sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức hiệu quả liên kết chuỗi giữa cơ sở chế biến nông thủy sản với vùng sản xuất, cung ứng nguyên liệu.
Hình thành phát triển 02 tiểu vùng kinh tế và các “cực tăng trưởng”
Tiểu vùng kinh tế trọng điểm Nam Quốc lộ 1: Tập trung phát triển các ngành quan trọng có lợi thế gắn với kinh tế biển (trong đó có nuôi trồng và đánh bắt, chế biến thủy sản); xây dựng vùng tôm trọng điểm của cả nước.
Tiểu vùng kinh tế Bắc Quốc lộ 1: Tập trung phát triển lúa gạo chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt, tăng nhanh diện tích lúa - tôm, lúa - rau màu; công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản; phát triển dịch vụ logistics, du lịch làng nghề.
Quy hoạch 05 vùng huyện: Vùng huyện Đông Hải là khu vực phát triển trọng điểm về tôm, thủy sản nước lợ. Vùng huyện Hòa Bình là khu vực phát triển trọng điểm về tôm, thủy sản của tỉnh. Vùng huyện Hồng Dân là vùng phát triển lúa gạo, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, dịch vụ logistics. Vùng huyện Phước Long tập trung sản xuất lúa gạo kết hợp với nuôi tôm, thủy sản nước lợ, nước ngọt, phát triển các cụm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản.
Thị xã Giá Rai là đô thị trung tâm tổng hợp thuộc tỉnh, là cầu nối giữa thành phố Bạc Liêu với thành phố Cà Mau, có chức năng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản. Xây dựng thị xã Giá Rai trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông thủy sản cho cả vùng Bán đảo Cà Mau.
Tại tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ: Các điểm dân cư được tổ chức theo mô hình cụm tuyến dân cư, làng nghề, phù hợp với nghề trồng lúa nước, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, lợ.
Về phương án phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung: Tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức, sắp xếp không gian phát triển nông lâm thủy sản theo 03 tiểu vùng sinh thái (tiểu vùng ngọt, tiểu vùng chuyển đổi và tiểu vùng mặn) nhằm phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản.
Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Xây dựng và phát triển các cơ sở bảo tồn loài và nguồn gen động, thực vật quý hiếm; tổ chức quản lý hiệu quả các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học, bao gồm: 02 khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, 03 khu dự trữ thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên cấp tỉnh.
Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái; bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, bảo tồn đa dạng loài và nguồn gen; bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tạo sinh kế bền vững cho người dân sinh sống trong vùng đệm các khu bảo tồn. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ nay đến 2030, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho một số ngành lĩnh vực quan trọng trong đó có: nông nghiệp, sản phẩm OCOP, thủy sản.
Ngọc Thúy - FICen