Cụ thể trong ngày 6/7, tại Cục Thuỷ sản, được sự chỉ đạo của Cục trưởng Trần Đình Luân, chương trình Blue Ocean – Blue Foods đã chính thức ra mắt. Chương trình được thực hiện bởi Trung tâm ICAFIS (Hội Thủy sản Việt Nam) và nhãn hàng JAPIFOODS - Công ty CP WinEco Việt Nam. Tại buổi lễ, các bên hữu quan đã thực hiện Lễ ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết đồng hành để tạo ra Chuỗi kinh tế tuần hoàn toàn diện, có trách nhiệm, thông qua hoạt động thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ rong biển.
Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, “Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được thông qua ngày 28/6/2024; hiện Việt Nam chưa có quy hoạch riêng cho rong biển. Mục tiêu phát triển trồng rong biển tại các vùng ven biển Việt Nam chính là để nâng cao đời sống của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường sinh thái ngày một tốt hơn. Ông hy vọng, thông qua Chương trình “Blue Ocean – Blue Foods”, rong biển sẽ được phát triển mạnh tại Việt Nam, đem lại nhiều ý nghĩa to lớn về môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Ngày 25/10/2024, với mong muốn huy động sự tham gia gắn kết các doanh nghiệp và các bên của chuỗi giá trị rong biển, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) – Hội Thủy Sản Việt Nam đã phối hợp với Công ty TNHH Japi Foods tổ chức hội thảo “Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao”. Đây là một hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi các sự kiện của chương trình Blue Ocean – Blue Foods với mục tiêu hướng tới xây dựng bể chứa carbon cho ngành Thủy sản, đồng thời thúc đẩy xu hướng sản xuất và tiêu dùng “XANH”.
Đến dự hội thảo có các đại biểu của Cục Thủy sản, Hội Thủy sản Việt Nam, Trung tâm ICAFIS, Công ty Japi Foods, Tập đoàn STP cùng các chuyên gia đầu ngành và các nhà phân phối thủy sản… Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hải Bình (đại diện Tập đoàn STP) là người đã dành 4 năm theo đuổi ngành hàng rong biển, mạnh dạn đưa giống rong biển ra trồng ở miền Bắc. Chia sẻ câu chuyện về giống rong biển, bà Nguyễn Thị Hải Bình cho biết, cơn bão số 3 (YAGI) đã khiến rong biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh) bị mất hết. Hiện STP đang bắt tay làm lại. Hy vọng đến cuối tháng 11 sẽ phục hồi được 50%.
|
Ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS khẳng định, liên kết chuỗi giá trị ngành hàng cần thực hiện khép kín (từ các khâu lựa chọn giống, sản xuất, nuôi trồng, chế biến, thương mại, phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm) và việc thúc đẩy liên kết chuỗi cần có sự hợp tác chặt chẽ của các bên. Về phía doanh nghiệp, sẵn sàng chia sẻ lợi ích, tạo động lực để người dân tham gia sản xuất rong. Bên cạnh đó, nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao (ví dụ như công nghệ nano) để biến rong biển thành các loại sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, như thực phẩm bổ dưỡng (hấp dẫn người tiêu dùng), dược phẩm, mỹ phẩm, nhựa sinh học... Cũng theo ông Lập, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, lợi thế phát triển ngành rong biển, tuy nhiên trên 90% rong biển tiêu thụ ở Việt Nam hiện nay lại là sản phẩm nhập khẩu.
Lễ ký kết thành lập chuỗi liên kết rong biển giá trị cao
Chương trình Blue Ocean – Blue Foods với mục tiêu trong 3 năm đầu tiên là có thể hỗ trợ bà con ven biển trồng được 1.000 ha rong biển. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần có sự góp sức của rất nhiều phía bao gồm ngư dân nuôi trồng rong – đơn vị sản xuất – đơn vị phân phối – đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và giống rong… Đó chính là lý do để 04 bên tham gia chuỗi rong biển quyết định cùng nhau ký kết “liên kết khép kín chuỗi giá trị rong biển giá trị cao” nhằm xây dựng chuỗi liên kết rong biển khép kín với sản phẩm đầu ra có giá trị gia tăng cao.
Tại hội thảo lần này, việc ký kết đã được thực hiện giữa 03 bên, gồm Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Công ty TNHH Japi Foods, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Phát STP. Vì những lý do khách quan nên đối tác thứ 4 - là đại diện người dân tham gia sản xuất - sẽ hoàn thiện bản ký kết sau.
Theo đó, Japi Foods cam kết thu mua tất cả rong biển của nông ngư dân với mức giá không thấp hơn giá thị trường. Về phía STP, sẽ cung ứng nguồn giống và cung cấp nguyên liệu rong biển cho các doanh nghiệp chế biến. Hiện nay, STP chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho Công ty Long Hải. Qua hợp tác này, STP mong muốn tìm kiếm các đơn vị như Japi Foods để tạo giá trị cao hơn cho rong biển Việt Nam, đặc biệt là gia tăng thu nhập cho người dân tham gia chuỗi giá trị. STP cũng đã bày tỏ mong muốn phát triển ngành hàng rong biển theo quy mô công nghiệp để có thể sản xuất nhiều hơn các sản phẩm giá trị gia tăng.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình chia sẻ thêm: Tâm lý chung của người dân là ngại sự thay đổi. Vì vậy, STP cũng đã xác định “đi nhanh dễ gãy chuỗi”. Do không muốn làm mất niềm tin của người dân tham gia chuỗi nên STP quyết định đi chậm. Nhưng nếu đi chậm quá thì lại không có giá trị thặng dư. Giải pháp được STP đưa ra là: Áp dụng nhiều giải pháp khác nhau tại mỗi địa phương và đặc biệt tôn trọng sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Hiện tại, bà Bình đang thực hiện hoài bão hình thành một hệ thống rong biển, hay chí ít là cụm rong biển (với ý nghĩa sản xuất trên quy mô công nghiệp).
Nhân sự kiện đặc biệt này, Ban Tổ chức đã bày tỏ sự ghi nhận và biểu dương thương hiệu Japi Foods với những đóng góp tích cực cho chương trình Blue Ocean – Blue Foods. Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Khuê – Phó Giám đốc Công ty TNHH Japi Foods vui mừng cho biết: Rong biển và các chế phẩm từ rong biển là dòng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu hiện nay trong xã hội, đó là con người đang theo đuổi “lối sống xanh”. Bà Khuê hy vọng các sản phẩm rong biển của Việt Nam có thể vươn tầm quốc tế trong tương lai không xa.
Ông Dương Long Trì, Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam đánh giá cao nội dung của cuộc hội thảo. Ông hy vọng, thông qua chương trình Blue Ocean – Blue Foods, cũng như sự hợp tác khởi đầu được thực hiện hôm nay (khép kín chuỗi rong biển giá trị cao) thì bà con ngư dân có cơ hội chuyển đổi nghề thành công (chuyển đổi hiệu quả và bền vững). Hội Thủy sản Việt Nam ghi nhận những giá trị đạt được trong thực tiễn triển khai chương trình và sẽ luôn đồng hành cùng chương trình.
Phát triển rong biển gắn với tăng trưởng xanh
Bên cạnh những khó khăn đang hiện hữu, Blue Ocean – Blue Foods đã rất may mắn khi nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Cục Thủy sản, Hội Thủy sản Việt Nam, các cơ quan báo chí tích cực truyền tải “thông điệp xanh”. Đặc biệt có được người đồng hành hội đủ ba yếu tố “Đức – Trí – Tín” như Japi Foods, là đơn vị sẵn sàng đảm nhận vai trò cầu nối giúp dự án trồng rong – nuôi biển – cải thiện sinh kế cho người dân, được diễn ra thông suốt và có những thành quả đáng mừng.
Đứng ở vai trò là doanh nghiệp đầu tiên tham gia chuỗi liên minh, Japi Foods đã và đang thể hiện tốt năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ nguồn nguyên liệu thủy hải sản tại Việt Nam. Japi Foods chính là đơn vị đầu tiên tách chiết thành công tinh chất rong sụn, tìm ra phương pháp nâng cao giá trị cho đối tượng thủy sản này. Ngoài ra, rất tích cực tổ chức tuyên truyền bảo vệ môi trường biển (như Cuộc thi Đại sứ biển xanh)... Phát triển ngành hàng rong biển gắn liền với tăng trưởng xanh, chính là đích đến của chương trình Blue Ocean – Blue Foods, và cũng là kim chỉ nam của dự án “Xây dựng bể chứa carbon cho ngành Thủy sản”.
Buổi hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp. Các đại biểu tham dự hội thảo hy vọng trong những lần gặp tiếp theo sẽ có nhiều câu chuyện hơn được chia sẻ về diện tích rong biển đã được trồng, sự cải thiện trong thu nhập của người dân, sự đón nhận của thị trường đối với các sản phẩm rong biển giá trị cao của Việt Nam...
Sự kiện ngày hôm nay chính thức mở ra một hành trình mới với sự thành lập của Liên minh chuỗi giá trị rong biển, là tiền đề cho nền kinh tế xanh lấy rong biển làm đối tượng chính. Chúc Blue Ocean – Blue Foods hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc bảo vệ môi trường; chúc Liên minh chuỗi giá trị rong biển đạt mọi thành công mong muốn trên con đường đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển bền vững ngành Thủy sản Việt Nam.
Ngọc Thúy - FICen