Qua đó, góp phần nâng cao sản lượng, thị phần nông lâm thủy sản Đồng Tháp tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; tạo dựng mối liên kết ổn định, bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Đồng Tháp sẽ thực hiện tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, tổ chức lớp bồi dưỡng về nông nghiệp hữu cơ cho người làm công tác tập huấn (ToT). Xây dựng, phát triển, xác nhận 02 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Cùng với đó, thực hiện kiểm tra, hậu kiểm 60 cơ sở hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản. Thu 20 mẫu nông sản để giám sát các chỉ tiêu về an toàn thực. Tổ chức các lớp đào tạo tư vấn viên của VietGAP. Phấn đấu diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đạt 21.822 ha; diện tích thực hiện chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết sản xuất an toàn đạt 83.343 ha.
Xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn
Theo kế hoạch, tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; phục vụ giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh đó, tăng cường thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mặt khác, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ToT về tư vấn, đánh giá nội bộ tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ. Giới thiệu và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tham gia Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”.
Phối hợp với Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” để tiến hành thẩm định thực tế các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp được phép tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống tự kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất, chất lượng của cơ sở; định kỳ báo cáo về số lượng, chủng loại được tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh nông lâm thủy sản
Nhằm tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm an toàn của tỉnh Đồng Tháp tại Thành phố Hồ Chí Minh; định kỳ hàng tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp sẽ đăng công khai trên trang tin điện tử của Sở các thông tin về các sản phẩm nông lâm thủy sản đạt chứng nhận GAP, an toàn thực phẩm (ATTP), được cấp mã số vùng trồng (MSVT)... Cung cấp thông tin, danh sách các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Công khai các cơ sở đóng gói đủ điều kiện sản xuất an toàn, phục vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm Đồng Tháp - Thành phố Hồ Chí Minh. Công khai thông tin các cơ sở chế biến nông sản, thủy sản đủ điều kiện an toàn, tạo liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững.
Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, giám sát, thanh kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh Đồng Tháp tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.
Xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm
Để kiểm tra an toàn thực phẩm, tỉnh Đồng Tháp sẽ thực hiện thu mẫu thực phẩm nông sản, thủy sản; giám sát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất tập trung, cơ sở chế biến. Chủ động giám sát, cảnh báo, thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch (hoặc đột xuất) nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng an toàn thực phẩm.
Định kỳ cung cấp thông tin kết quả giám sát an toàn thực phẩm tại tỉnh Đồng Tháp tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và thông báo các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm để phối hợp điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân, tăng cường công tác giám sát và xử lý theo quy định.
Theo “Kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản bền vững giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp”, trước ngày 15/12/2023, các cơ quan có liên quan sẽ gửi báo cáo kết quả thực hiện cả năm về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngọc Thúy - FICen