Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2024 đạt 62,58 tỷ USD, tăng 18,8% so với năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 10,04 tỷ USD, tăng 11,9%.
Tháng 01 năm 2025, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 2,64 tỷ USD, giảm 6,2%; xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 39 triệu USD, giảm 9,3%; xuất khẩu thuỷ sản đạt 750 triệu USD, tăng 0,3%; xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt gần 1,5 tỷ USD, giảm 4,8%,..
Trong nhóm nông sản, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có sự giảm giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Điển hình, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 400 triệu USD, giảm 18,1%. Mặt hàng gạo đạt 500.000 tấn, với 308 triệu USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Hạt điều đạt 300 triệu USD, giảm 14,4%.
Một số mặt hàng vẫn có sự gia tăng giá trị xuất khẩu như cà phê ước đạt 140.000 tấn với 763 triệu USD, giảm 41,1% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2025 ước đạt 5.450 USD/tấn, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong lĩnh vực thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra xuất bán tại các ao nuôi ở Việt Nam đã tăng mạnh vào đầu năm 2025. Hiện tại, giá cá tra đang ở mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Thống kê trong tháng 1 năm 2025, xuất khẩu cá tra ước đem về 209 triệu USD, tăng 27% so với tháng 1 năm 2024. Theo đó, loại cá lớn chủ yếu được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, còn các kích cỡ nhỏ hơn lại được ưa chuộng để xuất khẩu philê sang EU và Mỹ.
Bước sang năm 2025, tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1, với giá trị xuất khẩu đạt 273,3 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng NLTS của Việt Nam với thị phần chiếm 47,9%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,8% và 11,4%. Thị phần của 2 khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 1,8% và 1,5%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam năm 2024 sang khu vực châu Á tăng 15,8%; châu Mỹ tăng 23,8%; châu Âu tăng 28,3%; châu Phi tăng 6,5%; và châu Đại Dương tăng 13,5%.
Ước tháng 1 năm 2025, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang các khu vực châu Mỹ, châu Á, và châu Âu giảm. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 1,21 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024; châu Á đạt 2,43 tỷ USD, giảm 1,8%; và châu Âu đạt 577 triệu USD, giảm 16,2%. Trong khi đó, xuất khẩu sang khu vực châu Phi tăng 31,3%, và châu Đại Dương tăng 0,2%.
Xét theo thị trường chi tiết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu dẫn đầu với thị phần chiếm 21,9%, Trung Quốc chiếm 21,5% và Nhật Bản với 6,6%, đây là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Riêng về mặt hàng thuỷ sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1 năm 2025 đạt 750 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2024. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam năm 2024, chiếm thị phần lần lượt là 18,3%, 17,2% và 15,3%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam năm 2024 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 17,6%, thị trường Trung Quốc tăng 29,4%, thị trường Nhật Bản tăng 1,1%. Trong 15 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất là Nga với mức tăng 68,9%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Hồng Kông với mức giảm 5,8%.
Về nhập khẩu, tháng 1 năm 2025, ước tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 3,9 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 383 triệu USD, tăng 32,5%; nhập khẩu thủy sản đạt 300 triệu USD, tăng 22,6%,…
Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng NLTS nhiều nhất từ các thị trường thuộc khu vực châu Á và châu Mỹ với thị phần lần lượt là 28,7% và 24,6%. Thị phần của 3 khu vực châu Âu, châu Đại Dương, và châu Phi nhỏ, lần lượt là 4,8%, 4,1%, và 3,8%. So với năm 2023, giá trị nhập khẩu NLTS của Việt Nam năm 2024 từ khu vực châu Á tăng 12,8%; châu Mỹ tăng 19%; châu Âu tăng 20,9%; châu Đại Dương giảm 34,2%; và châu Phi giảm 5,5%.
Xét theo thị trường chi tiết, Trung Quốc, Braxin, và Hoa Kỳ, là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng NLTS lớn nhất cho Việt Nam với thị phần lần lượt là 9,7%, 8,1%, và 7,7%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị nhập khẩu NLTS của Việt Nam năm 2024 từ thị trường Trung Quốc tăng 27,4%, Braxin và Hoa Kỳ cùng tăng 10,4%.
Riêng giá trị nhập khẩu hàng thủy sản tháng 1 năm 2025 đạt 300 triệu USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong năm 2024, nguồn nhập khẩu thủy sản của Việt Nam chủ yếu từ các thị trường Inđônêxia, chiếm tỷ trọng 12,7%, Nauy 12,2%, và Ấn Độ 10,8%. So với cùng kỳ, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2024 từ thị trường Inđônêxia và Nauy tăng với mức tăng lần lượt là 61,4% và 13,5%. Ngược lại, giá trị nhập khẩu thủy sản từ thị trường Ấn Độ giảm 14,6%.
Năm 2024, cán cân thương mại ngành NLTS của Việt Nam đạt thặng dư 17,71 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Ước tháng 1 năm 2025, ngành NLTS Việt Nam đạt thặng dư 1,18 tỷ USD, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại tháng 1 năm 2025 ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư cao nhất ở mức 1,25 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2024; nhóm thủy sản thặng dư 450 triệu USD, giảm 10,5%; và nhóm nông sản thặng dư 233,8 triệu USD, giảm 65,8%.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: việc giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1 năm 2025 giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024 sẽ khiến mục tiêu xuất khẩu của ngành trong năm 2025 có thể gặp những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, đây mới là tháng đầu năm. Việt Nam có hệ thống sản xuất để duy trì đà tăng trưởng và về đích mục tiêu xuất khẩu. Để duy trì đà tăng trưởng và đạt mục tiêu của năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào một số thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Philippines… Bên cạnh đó, đẩy mạnh mở cửa một số thị trường Halal.
Thanh Thủy